Tổng thống Duterte nói Việt Nam hung hăng, Manila muốn hòa bình với Trung Quốc

© AP Photo / Malacanang Presidential Photographers Division / Karl Norman AlonzoRodrigo Duterte
Rodrigo Duterte - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Tổng thống Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng, ông sẽ không chọn động thái liều lĩnh và hung hăng như Việt Nam bởi hậu quả có thể dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu giữa Philippines và Trung Quốc.

Duterte: Philippines không muốn chiến tranh với Trung Quốc

Thông tấn xã Philippines PNA ngày 24.1 có bài viết nêu quan điểm của Tổng thống Philippines về chiến lược ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề bất đồng với Trung Quốc trên Biển Đông.

Bài viết của hãng thông tấn Philippines PNA mang tiêu đề “Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố: Cực kỳ nguy hiểm khi Philippines nếu gây chiến với Trung Quốc ở vùng Biển Tây đất nước”.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte  - Sputnik Việt Nam
Tại sao ông Duterte cấm hai thượng nghị sĩ Mỹ vào Philippines?

Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh việc sẽ là chiến lược thiếu khôn ngoan nếu Philippines chọn một cuộc chiến với Trung Quốc nhằm giành quyền kiểm soát các đảo tranh chấp ở Biển Đông (Biển Tây Philippines- đây cũng là tên gọi chính thức của chính phủ Philippines ở các phần phía đông của Biển Đông được đưa vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines).

Trong bài phỏng vấn độc quyền được phát sóng trên kênh truyền hình Nga Russia Today hôm thứ Sáu, Tổng thống Duterte khẳng định: Sẽ rất nguy hiểm khi Philippines triển khai lối tiếp cận thù địch để giải quyết những tranh chấp lâu dài với Trung Quốc về chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên.

“Tôi không cho phép mình đưa ra lựa chọn phản kháng để kích động cuộc chiến tranh bằng những màn kèn trống hùng hồn bởi chúng tôi không đủ khả năng để gây chiến với Bắc Kinh. Một cuộc chiến phi nghĩa sẽ hủy diệt Philippines và điều đó là một bước đi cực kỳ nguy hiểm”, Tổng thống Rodrigo Duterte nói.
“Như tôi đã nói, gây chiến với Trung Quốc vào thời điểm này không có ích gì cho Philippines cả”, nhà lãnh đạo khẳng định.

Manila đã thắng Bắc Kinh trong vụ kiện đưa ra Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016. Cụ thể, theo phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, Tòa án tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về Tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

PAC nhất trí rằng Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Ngoài ra, việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép và Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển.

Tuy nhiên, Trung Quốc, từ chối thực thi phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông.

PNA cho biết, ngoài Philippines, Trung Quốc cũng có các yêu sách về tranh chấp lãnh thổ với Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.

Đáng chú ý, hãng thông tấn Philippines PNA khẳng định rằng: “Tổng thống Duterte nêu quan điểm, ông không thể “hung hăng như Việt Nam”, bởi hậu quả có thể dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu giữa Philippines và Trung Quốc”.

“Vì như các bạn đã biết, phía đối phương bên kia (tức Việt Nam) thực sự muốn có lập trường quyết liệt hơn về vấn đề này nhưng tôi không đủ khả năng để thực hiện điều đó”, Tổng thống Rodrigo Duterte nhấn mạnh.
“Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) nằm gần các đảo của chúng tôi cũng như những khu vực đảo thuộc các tỉnh của Philippines. Chính quyền địa phương của Philippines đang ở gần đó. Do đó, sẽ là động thái vô cùng liều lĩnh nếu tôi điều ra Biển Đông, cũng giống như Việt Nam đã làm, vài chiếc tàu nhỏ chỉ để “cuối ngày bị chảy máu mũi” –(tức xô xát giữa hai bên)”, Tổng thống Duterte khẳng định.

Tổng thống Rodrigo Duterte và Tổng thống Nga Vladimir Putin - Sputnik Việt Nam
“Nhờ cảm hứng từ tấm gương Việt Nam” – ông Duterte sẽ kết thân với Nga để ngăn Trung Quốc
Căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua đã thu hút sự chú ý của dư luận khu vực và quốc tế. Việt Nam và Trung Quốc vào hồi tháng 7.2019 cũng đã xảy ra một số bất đồng khi nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc Hải Dương Địa chất bắt đầu tuần tra gần khu vực Bãi Tư Chính, cách khu bờ biển miền nam Việt Nam khoảng 352 km và thuộc vùng đặc quyền kinh tế EEZ của Hà Nội.

Mặc dù Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều yêu sách chủ quyền Biển Đông với Philippines, tuy nhiên, Tổng thống Duterte vẫn cho rằng cá nhân ông muốn tiếp tục “đàm phán thân thiện với Bắc Kinh” liên quan đến các tranh chấp trên biển đang diễn ra.

“Chúng tôi muốn mối quan hệ hai bên trở nên thân thiện, giao thương kinh tế và thương mại được cải thiện. Hãy để thời gian chữa lành (mọi thứ)”, người đứng đầu chính phủ Philippines tuyên bố.
“Tương lai sẽ tự hoàn thành phần việc của mình, đó là điều chúng tôi chắc chắn. Và cũng giống như bất cứ yêu sách lịch sử nào khác, thế giới luôn thay đổi. Và chúng tôi sẽ đánh đổi cuộc sống của người dân Philippines để đổi lấy bất cứ điều gì”, Tổng thống Philippines khẳng định.

Philippines đe dọa chấm dứt thỏa thuận quân sự với Mỹ

Straittimes tham chiếu nguồn Reuters đưa tin cho biết, hôm thứ Năm ngày 23 tháng 1, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cảnh báo Hoa Kỳ rằng ông sẽ bãi bỏ thỏa thuận triển khai quân đội và trang thiết bị cho các cuộc tập trận nếu Washington không khôi phục thị thực cho một thượng nghị sĩ Philippines.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Sputnik Việt Nam
Ông Duterte mời Nga đầu tư vào lĩnh vực vận tải của Philippines

Bày tỏ sự tức giận một cách rõ ràng, ông Duterte phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của Hoa Kỳ từ chối cho nhập cảnh với ông Ronaldo dela Rosa, một cựu cảnh sát trưởng hiện đang là thượng nghị sĩ.

Ông Dela Rosa cho biết Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines không giải thích lý do tại sao visa của ông bị hủy nhưng ông tin rằng đó rất có thể là do các cáo buộc giết người phi pháp trong thời gian hơn hai năm ông làm cảnh sát trưởng.

Dela Rosa là người thực thi chính trong chiến dịch đàn áp chống ma tuý của Tổng thống Duterte, dẫn đến cái chết của hơn 5.000 người, chủ yếu là những kẻ buôn bán ma túy nhỏ.

Cảnh sát nói rằng nạn nhân đã bị các sĩ quan bắn khi cố tự vệ.

“Nếu các ông không có sự điều chỉnh, tôi sẽ hủy bỏ Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (VFA). Tôi sẽ làm điều đó…”, ông Duterte tuyên bố đầy quả quyết.
“Tôi sẽ cho chính phủ (Philippines) và chính phủ Mỹ một tháng kể từ bây giờ”, ông Duterte ra tối hậu thư.

Thỏa thuận về các lực lượng thăm viếng (Visiting Forces Agreement - VFA), được ký vào năm 1998, cung cấp địa vị pháp lý cho hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ được phép di chuyển, đóng trú trong nước để tập trận quân sự và thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Ông Delfin Lorezana, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, từ chối bình luận khi được hỏi liệu ông có đồng ý với kế hoạch của Tổng thống hay không.

Tổng thống Duterte không giấu giếm sự khinh miệt của mình đối với chính quyền Washington, mặc dù ông thừa nhận rằng hầu hết người Philippines và quân đội của ông rất coi trọng Hoa Kỳ.

Quân nhân Mỹ và Philippines  - Sputnik Việt Nam
Tổng thống Duterte: Không cho phép ai triển khai vũ khí hạt nhân ở Philippines

Hoa Kỳ là đồng minh quốc phòng lớn nhất của Philippines và hàng triệu người Philippines có người thân là công dân Hoa Kỳ.

Tháng trước, ông Duterte đã cấm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Richard Durbin và Patrick Leahy đến thăm Philippines sau khi họ trình ra một dự luật lên Quốc hội Hoa Kỳ.

Dự luật này kêu gọi Mỹ cấm nhập cảnh đối với bất kỳ ai liên quan đến vụ bắt bớ thượng nghị sĩ Philippines Leila de Lima, cựu Bộ trưởng tư pháp và là người chỉ trích gay gắt nhắm vào ông Duterte. Bà đã bị bắt giữ vào năm 2017 về tội danh liên quan đế ma túy sau khi dẫn đầu một cuộc điều tra về hàng ngàn người chết trong chiến dịch chống ma túy. Bà đã giành được nhiều giải thưởng từ các nhóm nhân quyền, và được xem là tù nhân lương tâm. Đại sứ quán Mỹ tại Manila không đưa ra bình luận.

Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền nhưng Hà Nội không hung hăng

Liên quan tới những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông thời gian quan, đặc biệt là việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 liên tục quay lại vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế EEZ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định, Hà Nội kiên quyết phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc.

“Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tiếp tục hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về những ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước, hoà bình và an ninh, ổn định ở Biển Đông cũng như khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này và rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam”, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 12.9.2019.

Khu vực mà nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.

Rodrigo Duterte và Tập Cận Bình - Sputnik Việt Nam
Duterte tiết lộ chiến lược khôn ngoan của ông Tập Cận Bình

Đồng thời, các lực lượng chức năng của Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.

“Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việt Nam mong muốn Trung Quốc cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của quan hệ hai nước, duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết ngày 13.11.2019 đáp trả phát biểu liên quan đến tuyên bố của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra ngày 8.11.

Theo đó, Hà Nội kêu gọi Việt Nam không nên làm phức tạp các vấn đề Biển Đông, sau khi một quan chức cấp cao ở Việt Nam cho rằng Hà Nội có thể tìm hiểu hành lang pháp lý, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, cùng nhiều lựa chọn khác nhau, thậm chí xem xét cả khả năng khởi kiện Bắc Kinh về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông thời gian qua.

“Việt Nam cần tránh hành động có thể làm phức tạp vấn đề hay làm suy yếu nền hòa bình và ổn định trên Biển Đông cũng như trong mối quan hệ song phương giữa hai nước, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. - Sputnik Việt Nam
Chính sách của Duterte đối với Trung Quốc có thể làm gương cho các nước châu Á khác không?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong buổi phát biểu chia sẻ trước truyền thông cũng đã nhấn mạnh rằng, Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, thì vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam cũng như tất cả các nước cũng đều như thế.

“Vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Đây là điều quan trọng nhất, cũng là việc chúng ta phát huy vai trò. Khi Việt Nam tham gia HĐBA LHA, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ở Biển Đông cũng vậy. Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ bảo đảm được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982”, đồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam đối với vấn đề Biển Đông cũng như giải quyết các bất đồng bằng con đường hòa bình, duy trì ổn định và an ninh cho khu vực cũng như thế giới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала