Việt Nam quyết lọt Top thế giới về làm chủ công nghệ 5G

© REUTERS / Tingshu Wang5G
5G - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình thử nghiệm 5G tại các nhà mạng Viettel, Mobifone, VNPT để sớm thương mại hóa dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ 5G.

Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, muốn thành con hổ châu Á, 5G là nền tảng. Việt Nam đã làm chủ công nghệ 5G, không để chậm trễ hơn so với thế giới.

Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đang triển khai chiến lược xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam – Make in Vietnam và Made by Viettel.

Đưa Việt Nam vào nhóm các nước đầu tiên trên thế giới triển khai 5G

Với quyết tâm kiến tạo nền kinh tế số vượt trội, Việt Nam vẫn luôn có tham vọng tham gia vào cuộc chạy đua thương mại hóa công nghệ 5G Made in Vietnam.

Vừa qua, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) chính thức công bố quy hoạch dải băng tần, lộ trình phát triển 5G tại Việt Nam, nhiều người coi đây là bước tiến quan trọng, tạo điều kiện cho các nhà mạng Việt Nam bước sang giai đoạn có thể thương mại hóa dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm những quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai 5G.

 5G - Sputnik Việt Nam
Việt Nam bước vào cuộc đua công nghệ 5G
Trước đó, tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định quyết tâm “sớm triển khai công nghệ 5G”.

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian tới đây, Việt Nam cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung. Cụ thể, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm mỗi tỉnh, thành phố đều được lắp đặt và thử nghiệm các thiết bị ứng dụng công nghệ 5G “Made in Vietnam”.

Đáng chú ý, sau khi thử nghiệm tại một số địa phương, ngày 6/7/2020, Viettel đã triển khai thử nghiệm trạm 5G trên mạng lưới thực tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông để phát sóng cung cấp dịch vụ mạng 5G.

Ngày 31/7, chia sẻ về kết quả thử nghiệm, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho hay, Viettel đang thử nghiệm thiết bị 5G tại Hà Nội, kết quả ban đầu rất khả quan.

“Các thiết bị 5G mà Viettel đang thử nghiệm đã đạt tốc độ 500 Mbps và cuối năm nay sẽ đạt đến 1 Gbps”, ông Hoàng Sơn cho biết.

Như vậy, theo đại diện của tập đoàn Viettel, kết quả thử nghiệm cho thấy hệ thống đạt tốc độ tải xuống trên 500Mbps, hoạt động ổn định, có hệ thống giám sát tự động và hỗ trợ nhiều loại điện thoại 5G khác nhau như Oppo, ZTE, Vinsmart, OnePlus.

Cũng theo vị lãnh đạo tập đoàn, Viettel sẽ triển khai thương mại hóa 5G Microcell vào tháng 10/2020, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu (tháng 6/2020) do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam làm trì trệ mọi hoạt động kinh tế- xã hội, công nghệ.

© Depositphotos.com / MarkoAliaksandr5G
Việt Nam quyết lọt Top thế giới về làm chủ công nghệ 5G - Sputnik Việt Nam
5G

Đồng thời, như dự kiến trước đó, đến tháng 6/2021, tập đoàn Viettel sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Theo đó, chiến lược tham vọng nhưng rất đáng khen ngợi của Viettel là sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên “hệ sinh thái công nghệ 5G” phát triển và sản xuất tại Việt Nam – Make in Vietnam và Made by Viettel.

Việt Nam đã sẵn sàng triển khai công nghệ 5G?

Trước đó, từ 17/1, như Sputnik Việt Nam đã đưa tin, cuộc gọi videocall đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel tự nghiên cứu và sản xuất đã được thực hiện thành công dưới sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ ngành. Đây cũng là dấu mốc lịch sử đánh dấu việc Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ.

Tương tự, ngay sau khi được cấp phép thử nghiệm công nghệ 5G vào tháng 4/2019, MobiFone cũng đã làm việc với các nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu trên thế giới để tiến hành công tác thử nghiệm kỹ thuật tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Hải Phòng.

“Kết quả đạt được rất khả quan với tốc độ dữ liệu tải xuống đạt xấp xỉ 2Gbps. Với sự kiện này, MobiFone đã sẵn sàng cho việc triển khai mạng 5G cùng các ứng dụng dịch vụ đến khách hàng”, đại diện nhà mạng Mobifone cho hay trước đó.

Theo thông tin từ Mobifone, với việc ứng dụng công nghệ 5G, những dịch vụ ứng dụng dữ liệu tốc độ siêu cao như Hologram (thực hiện cuộc gọi 3D qua mạng 5G), các trò chơi trực tuyến sử dụng băng thông siêu tốc độ như Cloud Gaming, ứng dụng tương tác thực tế ảo (AR, VR) giữa 2 người ở 2 vị trí khác nhau như thi đấu bóng bàn, bóng đá từ xa cũng được MobiFone thử nghiệm thành công. Đây là điều hết sức đáng mừng.

Đại biểu tham quan và làm việc tại trụ sở Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel.  - Sputnik Việt Nam
Việt Nam thương mại hóa 5G bằng thiết bị của Viettel: Vấn đề kinh tế và chủ quyền
Đồng thời, trong tháng 3/2020, MobiFone đã công bố thử nghiệm thành công mạng 5G tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng, sẵn sàng triển khai công nghệ 5G và các ứng dụng đi kèm tại thị trường trong nước.

Sau khi được gia hạn giấy phép thử nghiệm đến tháng 5/2021, tập đoàn này đã triển khai thử nghiệm công nghệ 5G (giai đoạn 2) trên mạng MobiFone, hiện đại hóa mạng lưới, kết nối, tích hợp và cung cấp dịch vụ thử nghiệm tới khách hàng, đồng thời cho biết sẵn sàng thương mại hóa dịch vụ 5G khi được cấp phép chính thức, dự kiến vào đầu năm 2021.

Tiếp theo, vào tháng 4/2020 vừa qua, Tập đoàn VNPT cũng công bố thử nghiệm thành công mạng VinaPhone 5G tại 2 thành phố là Hà Nội và TP.HCM.

Theo tuyên bố của tập đoàn này sau đó, kết quả thử nghiệm mạng VinaPhone 5G đạt hơn 2,2Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ lý tưởng gần như bằng 0.

Trên thực tế, đây là những số liệu tích cực, tiệm cận với chuẩn 5G của thế giới và là kết quả thử nghiệm 5G tốt nhất từng công bố trong các nhà mạng tại Việt Nam.

Cũng như Mobifone, với việc tích hợp mạng 5G thử nghiệm thành công vào cấu trúc mạng hiện hữu, VNPT cho biết đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật, công nghệ và cấu trúc mạng lưới cho việc triển khai mạng 5G thương mại trong thời gian tới.

Mạng 5G: Đảm bảo đủ tần số cho mục đích an ninh-quốc phòng của Việt Nam

Phát biểu gần đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển dịch quan trọng từ hạ tầng tần số làm nền tảng nền kinh tế trở thành hạ tầng nền tảng quốc gia quan trọng.

Việc triển khai 5G tại Việt Nam đang có những thuận lợi khi có các doanh nghiệp điện tử viễn thông Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông khi mà trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam muốn bán thiết bị 5G cho Mỹ?

Bộ trưởng Hùng cũng nêu rõ, đến tháng 10/2020, Việt Nam sẽ tiến hành thương mại 5G bằng 100% thiết bị Việt Nam, đây là một bước tiến quan trọng.

“Chúng ta vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phải bảo đảm tốt về an ninh - quốc phòng, bảo đảm đủ tần số cho mục đích an ninh - quốc phòng”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Một thông tin đáng chú ý nữa tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ TT&TT cũng cho biết đã thành lập tổ công tác thúc đẩy phát triển 5G tại Việt Nam.

Theo đó, Tổ công tác đặc biệt này của Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, tập đoàn công nghệ để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu phát triển, sớm triển khai công nghệ 5G tại Việt Nam. Đồng thời, triển khai lắp đặt thử nghiệm mạng 5G do Viettel và VinSmart sản xuất tại trụ sở Bộ TT&TT.

Việt Nam tăng tốc 5G, người Việt hưởng lợi?

Chia sẻ với báo giới, Phó Tổng Giám đốc Tâp đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Tào Đức Thắng cho biết, Viettel đã phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất thiết bị 5G.

“5G không đơn thuần là trạm thu phát sóng mà còn bao gồm hệ thống mạng lõi, thiết bị đầu cuối. Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015, đặt mục tiêu thử nghiệm mạng lưới trạm 5G trong năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021”, đại diện Viettel cho hay.
© Depositphotos.com / LeungchopanСô gái với điện thoại
Việt Nam quyết lọt Top thế giới về làm chủ công nghệ 5G - Sputnik Việt Nam
Сô gái với điện thoại

Ông Tào Đức Thắng cho hay, sau khi thử nghiệm thành công , kết nối chính thức lần đầu tiên mạng di động 5G tại Việt Nam, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng thử nghiệm mạng di động 5G tại Hà Nội và TP.HCM, trước khi triển khai thương mại hóa dịch vụ 5G vào cuối năm 2020.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, thay vì triển khai đồng thời trên diện rộng như công nghệ 4G trước đây, Viettel dự kiến sẽ tập trung triển khai mạng 5G ở những địa bàn có lưu lượng sử dụng cao, chủ yếu là các thành phố lớn, trước khi mở rộng ra các địa bàn khác.

Đại tá Tào Đức Thắng cũng cho biết, việc triển khai 5G tại Việt Nam đang thuận lợi khi các doanh nghiệp đã chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông, trong khi trước đây chúng ta phải đi mua, phụ thuộc vào các nhà sản xuất thiết bị nước ngoài về tần số.

Сông nghệ 5G - Sputnik Việt Nam
Việt Nam không muốn Huawei
Tuy nhiên, một vấn đề còn gây “lấn cấn” hiện nay chính là giá cả khi giới chuyên gia cũng cho rằng không chỉ giá dịch vụ 5G chắc chắn sẽ rất cao so với 4G, giá thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ 5G cũng còn đắt nên chưa thể triển khai đại trà, phát triển ở quy mô khách hàng rộng được.

“Để thúc đẩy các dịch vụ thông minh dựa trên nền tảng 5G, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái, đa kết nối qua đó giúp khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ, giải quyết nhu cầu của người dùng trong công việc cũng như giải trí hằng ngày”, Tuổi trẻ dẫn lời đại diện nhà mạng MobiFone nhìn nhận.

Về phương án tính giá cước dịch vụ 5G, Phó Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ cũng sẽ có đột phát trong cách tính giá, Viettel đang tính toán các phương án giá khác nhau khi đưa 5G vào thương mại hóa, nhưng có thể sẽ không tính theo dung lượng sử dụng như các dịch vụ hiện nay mà theo kết quả trải nghiệm dịch vụ của khách hàng.

“Vì với tốc độ nhanh, độ trễ thấp, chất lượng cao của công nghệ 5G, dung lượng sẽ không phải là tiêu chí quan trọng nhất”, ông Thắng cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, khi cấp phép cho các doanh nghiệp thử nghiệm đã giao các nhiệm vụ về thử nghiệm công nghệ 5G ở khu vực tần số cao, 28Ghz, về khả năng phủ sóng trong thành phố, thử nghiệm tốc độ cao, dung lượng lớn để chia tải với 4G, thử nghiệm các ứng dụng của 5G, trong đó bao gồm cả ứng dụng cho nhà máy thông minh, đô thị thông minh, IoT và tính toán về bài toán kinh doanh 5G.

Tốc độ 5G trên Vsmart Aris 5G sử dụng băng tần Sub6 cao gấp gần 8 lần 4G

Để 5G được thương mại hóa và trở thành dịch vụ dành cho số đông, không thể thiếu được vai trò của những thiết bị đầu cuối. Và thêm lần nữa, cái tên quen thuộc VinSmart của Vingroup lại nổi lên. Vừa qua, Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart thuộc Vingroup đã công bố phát triển thành công mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G.

Cụ thể, đầu tháng 7/2020, tại triển lãm công nghệ “Make in Vietnam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở Hà Nội, Công ty CP nghiên cứu và sản xuất VinSmart đã công bố phát triển thành công và chính thức ra mắt mẫu điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G.

VSMART - Sputnik Việt Nam
Chiếc điện thoại 5G “made in Vietnam” có gì đặc biệt?
Với kết quả này, VinSmart đã trở thành công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất thành công thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ 5G. Sự kiện này khẳng định năng lực thiết kế, sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và mở ra cơ hội tiếp cận sớm các sản phẩm công nghệ đẳng cấp thế giới cho người dùng Việt Nam.

Theo giới thiệu của doanh nghiệp, trong thời gian tới đây, VinSmart sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện những sản phẩm 5G thế hệ tiếp theo. Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart cho biết, điện thoại 5G thương hiệu Vsmart sẽ có khả năng hỗ trợ cả 2 công nghệ 5G hiện nay là Sub6 và mmWave.

Việc phát triển thành công điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G cho thấy, Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình phát triển và làm chủ các công nghệ lõi tiên tiến nhất.

Giám đốc Trung tâm đo lường, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phi Tuyến cho hay, sau nhiều lần thử nghiệm cho thấy tốc độ 5G trên điện thoại thông minh Vsmart Aris 5G sử dụng băng tần Sub6 cao gấp gần 8 lần 4G và hứa hẹn sẽ tiếp tục cải thiện khi VinSmart ứng dụng băng tần mmWave trong thời gian tới.

Việt Nam làm chủ công nghệ 5G

Ngày 28/12/2019, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhấn mạnh khát vọng Việt Nam có thể là biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á.

“Sau 4 con hổ, Việt Nam có thể trở thành con hổ thứ 5 hay không? Câu trả lời là có thể. Trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp dịch vụ 5G, Việt Nam kiên quyết không để chậm hơn so với thế giới. Bởi 5G là nền tảng, là hạ tầng để phát triển các ứng dụng công nghệ mới”,  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đồng thời nhấn mạnh.

Do đó, sự kiện ngày 17/1 đặt nền móng và khẳng định sự tiến bộ vượt bậc trong phát triển hạ tầng viễn thông cũng như kinh tế số tại Việt Nam.

Tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã thực hiện cuộc gọi video lịch sử, sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Tập đoàn Viettel nghiên cứu sản xuất từ phần cứng đến phần mềm. Đây là cuộc gọi 5G đầu tiên trên hạ tầng Make in Viet Nam (sản xuất tại Việt Nam), đánh dấu việc làm chủ công nghệ 5G.

“Trước đây, chúng ta có ước mơ ngày nào đó, người Việt Nam sẽ sản xuất ra được các thiết bị quân sự. Vì thế, sau khi học xong về nước, tôi đã được giao nhiệm vụ sẽ phải làm ra được các thiết bị này. Hiện nay, gần như tất cả các thiết bị thông tin quân sự đều do Việt Nam sản xuất, chúng ta không phải nhập khẩu thiết bị khoảng 5 năm nay. Đặc biệt, thiết bị quân sự của Việt Nam không thua kém gì so với thế giới, đạt tiêu chuẩn cao nhất và thậm chí có thể xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu hôm 17/1 tại trụ sở của Viettel khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Sputnik Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel
Sự kiện đánh dấu Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới. Công nghệ 5G do Viettel triển khai đồng hành với lộ trình chuẩn hóa của tổ chức 3GPP. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có thể đi cùng với thế giới trong làm chủ và ứng dụng công nghệ mới nhất, là sự khẳng định bước trưởng thành của lực lượng kỹ thuật Viettel.

Chỉ trong 8 tháng kể từ ngày Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên bằng thiết bị nhập khẩu của đối tác vào tháng 5/2019, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G. Đội ngũ kỹ sư của Viettel đã phát triển hệ thống thiết bị gNodeB 5G trong 6 tháng với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng BTS cho 4G - eNodeB và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động như Viettel, Mobifone, VNPT.  Ở Việt Nam, Viettel cũng đã thử nghiệm chính thức công nghệ 5G tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trên thực tế, VNPT, Mobifone đã triển khai dầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm vào năm 2019.

Về vấn đề thương mại hóa 5G bằng thiết bị Make in Vietnam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tin tưởng, Việt Nam sẽ thực hiện thành công.

“Tôi có niềm tin vững chắc là tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ về việc năm 2020 Việt Nam sẽ thương mại hoá mạng 5G bằng thiết bị của Việt Nam sẽ thành hiện thực”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại sự kiện.
“Chúng ta vui mừng xem trực tiếp việc triển khai thử nghiệm 5G và vui mừng khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được thiết bị 5G. Hiện trên thế giới chỉ có 5 nước làm được điều này, vì thế, đây là thành công rất đáng mừng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu, bày tỏ vui mừng khi Việt Nam đã làm chủ công nghệ 5G.
© AFP 2023 / ISABEL INFANTESBộ định tuyến Huawei 5G
Việt Nam quyết lọt Top thế giới về làm chủ công nghệ 5G - Sputnik Việt Nam
Bộ định tuyến Huawei 5G

Theo đó, hiện chỉ có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng 5G là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Đại diện tập đoàn công nghệ viễn thông của Việt Nam Viettel là nhà cung cấp thứ sáu sản xuất thiết bị công nghệ 5G. Đáng chú ý, chỉ có vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa đủ điều kiện và khả năng sản xuất các thiết bị mạng.

Theo các chuyên gia dự báo, năm 2035, 5G sẽ tạo ra 12.300 tỷ USD sản lượng kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt hơn, 80% trong số đó có liên quan đến 5G. Với sự tiến bộ của quy trình thương mại 5G, các ứng dụng sáng tạo 5G xuất hiện đa dạng với những tiềm năng to lớn, bao gồm băng thông rộng di động tăng cường, giải trí dựa trên phương tiện truyền thông, sản xuất công nghiệp, giao thông, thành phố, nhà ở thông minh.

Đọc thêm:

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала