Việt Nam chính thức phê duyệt đề án thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử

© Sputnik / Pavel Lvov / Chuyển đến kho ảnhCuộc sống thường nhật trên những con phố Hà Nội
Cuộc sống thường nhật trên những con phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đồng ý phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thẻ căn cước công dân mới có gắn chíp điện tử do Bộ Công an đề xuất.

Thông tin này được Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nêu trong cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cược công dân chiều 3/9.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm. Nếu tài xế không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm, khôi phục điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ hết điểm sẽ phải thi lại bằng lái.

Đề án thẻ căn cước công dân Việt Nam có gắn chip được phê duyệt

Chiều ngày 3/9, Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai, thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp, quản lý Căn cước công dân. Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Thiếu tướng Tô Văn Huệ cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ Công an, toàn lực lượng đã tập trung triển khai các mặt công tác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện hai dự án, bám sát chương trình, kế hoạch, mục tiêu đã đề ra.

Tướng Tô Văn Huệ cho rằng, từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định Bộ Công an đủ năng lực hoàn thành hai dự án theo đúng thời hạn mà Chính phủ và Quốc hội giao.

Theo ông Huệ, ước tính dự án Căn cước công dân có giá trị vào khoảng 2.800 tỷ đồng. Trong số đó, việc gắn chip điện tử chỉ là phần nhỏ trong tổng thể.

Để hoàn thành dự án này, Bộ Công an sẽ phải thu thập các trường thông tin liên quan đến công dân để quản lý nhân, hộ khẩu, bổ sung dữ liệu hình ảnh, sinh trắc học.

Theo ước tính của Bộ Công an, giá thành thẻ chíp đắt hơn thẻ vạch từ 10.000 đến 20.000 đồng. Mặc dù vậy, Thiếu tướng Tô Văn Huệ cho rằng, việc thực hiện song hành hai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Căn cước công dân sẽ giúp tiết kiệm nhiều cho ngân sách vì dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy chủ, đường truyền.

Trước đó, ngày 3/9, Thủ tướng đã ký quyết định về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án căn cước công dân. Dự án sẽ được triển khai đồng bộ, song hành cùng với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hai hệ thống này dự kiến sẽ được đưa vào vận hành cùng một thời điểm trong đầu năm 2021.

Tình hình triển khai cấp căn cước công dân có gắn chíp trên cả nước

Trước đó, từ năm 2016, Bộ Công an đã bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân. Đến nay, đã có 16 tỉnh, thành được trang bị hạ tầng để cấp trên 16 triệu thẻ. Ở các tỉnh còn lại, người dân đang sử dụng chứng minh thư 9 và 12 số.

Sau khi thông qua dự án, các tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ tiến hành cấp thẻ gắn chip điện tử đồng bộ. Dự kiến đến tháng 7/2021, cả nước sẽ cấp 50 triệu thẻ. Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm từng khẳng định điều này trước Quốc hội và Chính phủ.

Cho biết lý do về việc vì sao không cấp thẻ căn cước gắn chip điện tử ngay từ đầu thay vì mã vạch để tránh lãng phí khi xây dựng cơ sở hạ tầng, đại diện Bộ Công an nói, từ khi bắt đầu xây dựng đề án cấp thẻ Căn cước công dân năm 2012, Bộ đã đưa ra vấn đề này. Tuy nhiên, lúc đó chip điện tử còn đắt, công nghệ sản xuất hạn chế.

“Đến nay các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động công nghệ và giá thành sản xuất rẻ hơn”, đại diện Bộ Công an cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định mục tiêu của việc thu thập Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nhằm phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, do đó cần thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc.

Hộ chiếu Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Việt Nam sẽ có hộ chiếu gắn chíp điện tử vào năm 2020

Tư lệnh ngành Công an cũng yêu cầu các đơn vị được yêu cầu tập trung nhân lực, vật lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiến hành các công việc phù hợp với những yêu cầu đề ra, theo lộ trình đã được phê duyệt, đảm bảo tốt về cơ sở hạ tầng và an ninh, an toàn thông tin cho thiết bị dự án.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các đơn vị liên quan có nhiệm vụ thường xuyên chỉ đạo, giám sát, tổ chức hiệu quả các hạng mục công việc được giao, đảm bảo tiến độ, lộ trình thực hiện hai dự án.

Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội được yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch. Đồng thời, phải chủ động phối hợp giải quyết, báo cáo ngay lãnh đạo Bộ Công an trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Bên cạnh đó, Đại tướng Tô Lâm cũng yêu cầu, các đơn vị cần phối hợp với cơ quan truyền thông, báo chí, đẩy mạnh việc tuyên truyền về hai dự án để người dân hiểu rõ được những lợi ích đáng có khi sử dụng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.

Bộ Công an đang nhanh chóng hoàn thiện cơ sở pháp lý

Hiện tại, như đã thông tin trước đó, Bộ Công an đang gấp rút hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hai dự án trên. Bộ đã thực hiện sửa đổi các nội dung liên quan về cư trú tại năm Luật và đưa các nội dung này vào Luật Cư trú sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, tháng 11/2020).

Đồng thời, Bộ cũng sửa đổi hai Nghị định, 12 Thông tư liên quan đến cư trú và Luật Căn cước công dân, cũng như xây dựng Dự thảo lần 1 và xin ý kiến tham gia của các đơn vị liên quan về quy trình quản trị vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục khó khăn nhằm đảm bảo về nguồn nhân lực thực hiện dự án, thủ tục pháp lý trong đầu tư xây dựng và thống nhất với các Bộ, ngành về nhu cầu kết nối, chia sẻ, khai thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an: Phải thi lại giấy phép lái xe nếu bị trừ hết điểm

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Công an quy định về điểm của giấy phép lái xe (GPLX). Theo lý giải của Bộ Công an, đây là một biện pháp quản lý hành chính chứ không phải hình thức xử phạt hành chính.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) Bộ Công an cũng xác nhận thông tin này, theo đó, Chính phủ vừa đồng ý với đề xuất giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hoặc không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm.

Lực lượng CSGT tỉnh Hưng Yên kiểm tra và xử lý chủ phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông. - Sputnik Việt Nam
Bộ Công an muốn rút thời hạn giấy phép lái xe còn 5 năm để làm gì?
Theo đó, trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần thứ 5, Bộ Công an có đưa ra đề xuất mỗi bằng lái xe (giấy phép lái xe) có 12 điểm.

Việc trừ điểm vào bằng lái được áp dụng đối với người lái xe vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Nếu GPLX bị trừ hết điểm, sau thời hạn sáu tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người lái xe nếu có nhu cầu cấp GPLX mới thì phải sát hạch lại. Ngược lại, trong thời hạn một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất, nếu người lái xe có GPLX còn điểm, không vi phạm pháp luật về giao thông thì GPLX sẽ được phục hồi điểm.

“Chính phủ quy định về thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục, trừ, phục hồi điểm của giấy phép lái xe”, dự thảo nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Công an quy định, giấy phép lái xe khi bị trừ hết điểm sẽ thuộc trường hợp bị thu hồi.

“Thẩm quyền quy định về cấp, cấp lại, đổi, thu hồi GPLX thuộc bộ trưởng Bộ Công an (trừ giấy phép lái xe của lực lượng quân đội làm nhiệm vụ quốc phòng)”, dự thảo lưu ý.

Bộ Công an khẳng định, trên cơ sở này, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân.

Đại diện Cục CSGT Bộ Công an cho biết, 12 điểm của giấy phép lái xe tương ứng với 12 tháng trong năm, được lấy theo kinh nghiệm của một số quốc gia (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…) đã áp dụng cách làm này.

Đồng thời, điểm số không thể hiện trực tiếp trên giấy phép lái xe mà được mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu điện tử. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống dữ liệu, CSGT chỉ cần kiểm tra nhanh trên máy là biết giấy phép lái xe của tài xế đó còn bao nhiêu điểm.

Lãnh đạo Cục CSGT đánh giá đây là biện pháp quản lý văn minh và toàn diện, kỳ vọng quy định về điểm giấy phép lái xe sẽ góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của tài xế.

Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng bộ Công an - Sputnik Việt Nam
Bộ Công an sẽ đề xuất tước vĩnh viễn giấy phép lái xe đối với tài xế say xỉn

Về vấn đề này, trong báo cáo thẩm định Luật Bảo đảm Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Tư pháp cho rằng, Bộ Công an cần làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến trừ điểm giấy phép lái xe. Cụ thể như việc xác định điểm của giấy phép lái xe được tính toán trên các tiêu chí, căn cứ nào (cơ sở của việc lấy 12 điểm, các tiêu chuẩn quy đổi ra 12 điểm).

“Việc trừ điểm cho mỗi lỗi vi phạm được xác định trên cơ sở tính toán, quy đổi ra sao và có mối liên hệ như thế nào với các điều kiện, tiêu chuẩn của việc cấp giấy phép lái xe?”, báo cáo của Bộ Tư pháp đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng cần quy định cụ thể giá trị của giấy phép lái xe khi bị trừ hết điểm, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tuyên bố giá trị của giấy phép lái xe, việc sử dụng giấy phép lái xe khi đã bị trừ hết điểm có hậu quả pháp lý như thế nào.

Trước đó, từ đầu tháng 6/2020, trong dự thảo lần 2 Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông được Bộ Công an trình Chính phủ và lấy ý kiến người dân, bộ, ban ngành, Bộ Công an đề xuất mỗi bằng lái sẽ có tổng số điểm là 12, khi vi phạm bị trừ điểm, cơ sở dữ liệu sẽ cập nhật đến lúc hết điểm thì giấy phép không còn hiệu lực và phải thi sát hạch lại.

Trong đó, Bộ Công an quy định có 10 hành vi và nhóm hành vi khi vi phạm tài xế sẽ bị tước quyền sử dụng bằng lái ngay lập tức và 28 hành vi khi vi phạm, tài xế sẽ bị trừ điểm.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала