Người Nga sẽ được đọc “Kiều” bằng tiếng Nga

© SputnikKiều
Kiều - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Ngày 06 tháng 11 tại Hà Nội, trong Hội trường Lớn của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã diễn ra lễ giới thiệu phiên bản tiếng Nga của tác phẩm kiệt xuất “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Nhà báo Đan Thi của đài "Sputnik" đã có dịp trò chuyện với tác giả bản chuyển ngữ  "Truyện Kiều" sang tiếng Nga, đó là chuyên gia Nga học Việt Nam cựu trào, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi.

Dịch giả Vũ Thế Khôi chia sẻ:

"Cha mẹ có công sinh thành không gì sánh nổi, rồi sau đó chúng tôi nên người là nhờ hai nền văn hóa — Việt Nam và Nga. Được tiếp nhận văn hóa Nga từ sớm, tôi và bạn bè luôn muốn trả món nợ ân tình đó bằng cách cố gắng đóng góp vào sự nghiệp giao lưu văn hóa Việt-Nga,  tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc. Đương nhiên đưa văn học Việt sang tiếng Nga đối với chúng tôi là "dịch ngược", — có phần khó hơn là chuyển ngữ từ tiếng Nga sang tiếng Việt. "Truyện Kiều" của Nguyễn Du đã được dịch ra ngót hai chục thứ tiếng trên thế giới, thế nhưng chưa có bản nào trọn vẹn bằng tiếng Nga. Khi có dịp thăm quê hương đại thi hào và viếng mộ Nguyễn Du, tôi đã thầm hứa sẽ dịch tác phẩm thiên tài đó sang tiếng Nga khi có điều kiện. Thật may ý nguyện ấy của tôi đã gặp tấm lòng yêu quê hương của một doanh nhân không chỉ  hằng sản mà còn hằng tâm, một người Việt có tầm nhìn văn hóa độc đáo đang làm việc tại Nga. Anh Hoàng Văn Vinh, một đồng hương với cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã đứng ra tài trợ cho việc dịch "Truyện Kiều" sang tiếng Nga, tạo điều kiện cho tôi chuyên tâm tiến hành công việc khó khăn và đầy trách nhiệm trong gần hai năm để chuyển ngữ "Truyện Kiều" sang tiếng Nga. Với khả năng của mình, tôi cố gắng không chỉ dịch nghĩa câu chữ mà cố gắng thể hiện cả thế giới nghệ thuật, hình tượng văn hóa Đông phương gắn với số phận nàng Kiều, phong tục, truyền thống và thế giới quan của thời đại mà tác phẩm tuyệt vời này được viết nên.  Phần bản dịch ban đầu được sự cổ vũ đánh giá cao của chuyên gia Giám đốc Trung tâm tiếng Nga thuộc Nhà Văn hóa-Khoa học Nga tại Hà Nội. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ đặc biệt to lớn từ người thầy đầu tiên dạy nhóm chúng tôi về tiếng Nga, đó là PGS-TS Sofia Korchikova. Mặc dù đã ngoài 90 tuổi, bà vẫn làm việc cần mẫn trước máy tính để chỉnh sửa bản dịch của tôi. Không chỉ là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ Nga, PGS-TS Sophia Leonidovna còn là người làm thơ và đọc thơ rất hay. Bà khen ngợi bản dịch của tôi, nói rằng đó là thơ tự do với ngôn từ tinh tế. Trên cơ sở bản dịch duy nhất của tôi,  đã có phiên bản thơ "Kiều" bằng tiếng Nga với sự chuyển thể của thi sĩ trẻ tài năng người Nga Vasily Popov. Đáng tiếc là lần này chưa in được bản dịch do tôi thực hiện và PGS-TS Korchikova S.L. hiệu đính rất kỹ. Rất hy vọng một ngày không xa chúng ta sẽ có cả cuốn bản "Truyện Kiều" văn xuôi-thơ tự do bằng tiếng Nga".

ông Vũ Thế Khôi, chuyên gia Nga học Việt Nam cựu trào, Nhà giáo ưu tú

 Với anh Vasily Popov, cựu sinh viên Viện Văn học, tác giả 4 tập thơ, nhà báo kiêm nhà làm phim tài liệu, công việc chuyển thể "Kiều" thành thơ Nga không chỉ là thách đố nghiêm túc, mà còn là món quà lớn và cơ may lạ thường để chính một thi sĩ Nga như anh được đắm mình khám phá và trải nghiệm thế giới Đông phương kỳ bí và hấp dẫn.

"Tác phẩm thơ này đã khiến chính tôi trở thành giàu có, tôi có dịp học cách làm ra tác phẩm lớn, học những mẫu hình ngôn ngữ đa tầng mà ở Nguyễn Du đơn giản là tuyệt vời. Tôi cho rằng thi tứ luôn hiện hữu trên thế giới này, và mỗi người chúng ta thể hiện ý thơ ấy như là trái tim mình mách bảo".

 Và thế là "Truyện Kiều" — tác phẩm thân thuộc với mỗi người Việt Nam, bây giờ sẽ đến với độc giả Nga qua bản chuyển thể của nhà thơ Vasily Popov. Thi sĩ Vasily Popov đã đọc một đoạn "Kiều" bằng tiếng Nga do anh chuyển thể để gửi tặng các thính giả đài "Sputnik".

Hy vọng rằng mọi người Nga đọc thơ Nguyễn Du qua bản chuyển thể bước đầu sẽ đem lòng yêu mến tác phẩm xuất sắc đỉnh cao của văn học kinh điển Việt Nam.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала