Việt Nam: Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ gặp khó sau phán quyết POR10

© Sputnik / Evgeny Biyatov / Chuyển đến kho ảnhTôm
Tôm - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Tại một hội nghị gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định tôm nước lợ là một trong những thương hiệu quốc gia cần được phát triển.

Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa đưa ra mức thuế chống bán phá giá tôm khá cao so với phán quyết sơ bộ và có thể sẽ làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào Hoa Kỳ, một trong những thị trường chính của tôm Việt Nam. 

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), ngày 7/9/2016, DOC ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá tôm lần thứ 10 (POR10) cho giai đoạn từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015. Trong kết luận sơ bộ, DOC đã lựa chọn 2 doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc với mức thuế là 2,86% và 4,78%. Từ đó, mức thuế sơ bộ của các bị đơn tự nguyện là 3,56%. 
Tuy nhiên, trong kết luận cuối cùng DOC chỉ lựa chọn duy nhất một bị đơn bắt buộc với mức thuế suất giữ nguyên so với quyết định sơ bộ là 4,78%. Vì vậy, các bị đơn tự nguyện cũng nhận mức thuế suất 4,78%. Thuế suất toàn quốc là 25,76%. So với POR9, mức thuế cuối cùng của POR10 đã bị tăng lên đáng kể, từ 0,91% lên tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện. Riêng Công ty Minh Phú được công bố là không bán phá giá và được đưa ra khỏi danh sách công ty xem xét thuế chống bán phá giá. 

Đánh giá về phán quyết lần này của DOC, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây là mức thuế khá cao trong các kỳ xem xét hành chính gần đây của cơ quan này và chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp và người nuôi tôm Việt Nam. 

Theo ông Hòe, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC tiếp tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt, nghĩa là lại sử dụng phương pháp "quy về 0- zeroing" để tính toán biên độ phá giá. Đây là phương pháp tính nếu xét trên quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là chưa phù hợp — nơi mà Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nước thành viên. 
Với "khe hở" trên, "hiện VASEP đang nghiên cứu để có thể đưa vấn đề này ra khiếu nại ở Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, nhằm yêu cầu DOC phải xem lại phương pháp tính trong POR10. Trên cơ sở đó, chúng tôi hy vọng với những phán quyết gần đây của WTO trong việc áp dụng định giá phân biệt thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể đạt mức thuế 0% và chứng minh tôm Việt Nam không bán phá giá ở thị trường Hoa Kỳ"- ông Hòe nói. 

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới mức thuế suất của POR10 cao hơn đó là vấn đề giá trị thay thế và nước thay thế. Trong POR10, mặc dù DOC vẫn tiếp tục xác định Bangladesh là nước thay thế chính để tính toán biên độ phá giá và sử dụng số liệu của nước này để định giá nguyên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, đối với một số đầu vào nhất định, DOC sử dụng giá trị của Ấn Độ. Trong khi đây là những quốc gia không có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá tăng cao. 

Ý kiến dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, việc DOC tăng thuế chống bán phá khiến các doanh nghiệp chế biến và người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn và khó cạnh tranh ở thị trường Hoa Kỳ. Bởi ngay trong điều kiện hiện tại, giá thành tôm Việt Nam đã không cạnh tranh nổi so với các đối thủ như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Ecuador… trong khi tôm Việt Nam giờ lại phải chịu thêm mức thuế chống bán phá giá cao hơn? 

Dẫn lại câu chuyện về những "tồn tại" lâu nay của ngành công nghiệp tôm Việt Nam, ông Lĩnh cho rằng, mặc dù phát triển với tốc độ hết sức mạnh mẽ nhưng ngành tôm lại thiếu tính độc lập và không hợp lý, do nguồn tôm giống và thức ăn phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, công tác nuôi trồng lại không được quy hoạch và tổ chức tốt nên vệ sinh đồng ruộng không đảm bảo. Dẫn đến tỷ lệ nuôi thành công của tôm Việt Nam chỉ ở mức 30-35%, trong khi tỷ lệ này ở các nước đối thủ lại cao hơn nhiều. 

Đó là cạnh tranh với nước ngoài, còn trong nước, ông Lĩnh dẫn chứng: "Tập đoàn Minh Phú là một doanh nghiệp lớn, xuất khẩu của doanh nghiệp này vào Hoa Kỳ chiếm gần 30% sản lượng tôm Việt Nam xuất vào thị trường này. Trong khi đó, thuế chống bán phá giá của tập đoàn này lại là 0% thì các doanh nghiệp khác khó có thể cạnh tranh nổi. Mặt khác, muốn giữ được thị phần ở thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp lại tiếp tục phải giảm giá và cuối cùng người nuôi tôm sẽ là phải chịu thiệt hại, thua lỗ nhiều nhất". 

Theo số liệu của VASEP, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ 2015. Việc xuất khẩu vào thị trường này gia tăng cũng một phần là do mức thuế POR9 thấp hơn so với trước đó. Trong khi đó, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22,7% thị phần xuất khẩu. Rõ ràng với mức thuế POR10 sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ trong thời gian tới. 
Tuy nhiên, theo nhận định của VASEP, mức thuế POR10 sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp và người nuôi chỉ trong giai đoạn ngắn hạn, còn sau đó xuất khẩu tôm sẽ phục hồi theo nhu cầu của thị trường. Hiện nhu cầu tiêu thụ tôm ở Hoa Kỳ đang tăng do chuẩn bị vào lễ Noel và năm mới. Các nguồn cung tôm chính cho Hoa Kỳ như Ấn Độ, Thái Lan… lại bị sụt giảm sản lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, khả năng các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng cho thị trường này hiện cũng khá tốt. 

"Vấn đề xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ không chỉ phụ thuộc vào thuế chống bán phá giá cao hay thấp mà còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như: chất lượng, khả năng cung cấp, tình hình thị trường, khả năng cung — cầu của các quốc gia cùng cung cấp tôm cho Hoa Kỳ… Do đó, về lâu dài, doanh nghiệp và người nuôi tôm cần có kế hoạch sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có chất lượng cao nhất kèm thêm có sự ổn định về khách hàng. Từ đó sẽ không bị tác động bởi thuế chống bán phá giá hoặc các vấn đề liên quan đến hàng rào kỹ thuật ở nước nhập khẩu" — ông Hòe cho hay. 

VASEP dự báo xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường cả năm sẽ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2015.

Nguồn: TTXVN 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала