Vì sao vua Hàm Nghi không tới nước Nga?

© Wikipediavua Hàm Nghi
vua Hàm Nghi - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Nữ du khách người Nga Tatiana Shchepkina-Kupernik đã đề nghị nhà vua xứ phương Nam đến thăm nước Nga.

Hoàn toàn mê say trong những lần diện kiến và chuyện trò với Hàm Nghi, nữ văn sĩ Nga trẻ tuổi quên bẵng rằng địa điểm mà họ gặp gỡ — ở Algeria, chính là nơi nhà vua xứ Nam chịu cuộc sống lưu đày theo lệnh của chính quyền thực dân Pháp.

Hồi đó, vào năm 1902, nhà vua bị quản chế và nữ văn sĩ người Nga không chỉ gặp nhau vài lần mà họ còn kịp kết thân.

Có lần Hàm Nghi đã mời cô gái Nga dạo chơi quanh ngoại vi khu này trên chiếc xe ngựa hai chỗ ngồi do chính nhà vua cầm cương. Tuấn mã thắng vào xa giá chính là con ngựa trắng yêu quý được Hàm Nghi gọi bằng cái tên trìu mến là Bạch Tuyết. Ngựa gõ móng lao nhanh trên những triền đồi đầy hoa tưng bừng khoe sắc. Nhận thấy ánh mắt thích thú của nữ văn sĩ, nhà vua chỉ lớn hơn nàng hai tuổi đã lập tức dừng cương, nhảy xuống ven đồi lựa hái những bông hoa tươi thắm nhất mang về trao tặng cho vị nữ khách người Nga. 

Năm 1904, Hàm Nghi đính hôn với cô Marcelle Laloe - Sputnik Việt Nam
Bạn gái người Nga của Hoàng đế nhà Nguyễn

Trước khi giới thiệu nữ văn sĩ làm quen với Hàm Nghi, những người bạn Pháp đã dặn Tatiana: "Chỉ xin đừng nói về quê hương của nhà vua!". Quả thật, khi giao tiếp với người Pháp, Hàm Nghi luôn né tránh những cuộc trò chuyện như vậy. Đó là khẳng định của Toàn quyền Đông Dương Catroux, người đã gặp Hàm Nghi ở Algérie trước khi nhậm chức ở xứ thuộc địa châu Á. Catroux viết trong hồi ký của mình rằng: "Mặc dù việc bị trục xuất đối với Hàm Nghi là rất đau đớn nặng nề, mặc dù luôn đau đáu niềm cảm hoài thương nhớ quê nhà và quan tâm đến số phận đất nước, ông ấy không bao giờ hé với tôi một lời về Việt Nam hoặc về cảnh ngộ của mình».

Thế nhưng với cô gái Nga vừa quen biết, nhà vua đã xử sự hoàn toàn khác. Trong câu chuyện về Hàm Nghi, được công bố tại Matxcơva vào một năm sau đó, nữ văn sĩ viết: "Rõ ràng, những gì chàng không muốn và không hề nói với kẻ áp chế mình, thì đã tìm thấy lối giải toả dễ dàng hơn khi cởi mở với một cư dân xuất thân từ xứ Nga xa xôi. Và thế là bắt đầu cuộc chia sẻ tâm tư của hai người, từ hai nền văn minh, hai chủng tộc khác nhau".

Hàm Nghi — Shchepkina-Kupernik viết — là người trước tiên hứng khởi bất ngờ kể về đất nước của chàng, về kinh đô, về ngai vàng đang bị người khác chiếm mất, trong khi bản thân chàng bị tước đi cả quyền ngắm nhìn bầu trời quê hương. Nhà vua nói rằng không chỉ bị cấm đoán không cho về cố quốc, mà thậm chí nếu rời khỏi biệt thự trong một vài giờ cũng phải xin phép người Pháp.

Hàm Nghi nói với nữ sĩ Nga, rằng chàng ghen tị bởi cô du ngoạn nhiều nơi, và khẩn nài: "Hãy kể cho tôi nghe về quê hương của nàng». Sau câu chuyện của cô gái, nhà vua ước ao: «Ta những muốn nhìn thấy tuyết trắng, thấy thảo nguyên bao la của xứ ấy…».

«Xin hãy đến thăm nước Nga! — tôi buột miệng nói không suy nghĩ, — Shchepkina-Kupernik viết. — Hàm Nghi cúi đầu. Và khi chàng ngẩng lên nhìn, đôi mắt đen đẫm lệ — Tôi chỉ là một con chim tội nghiệp mà chân đã bị trói rồi — chàng lặng lẽ nói với nụ cười làm buốt lòng». 

Hai người trẻ tuổi gặp gỡ tình cờ đã kịp chia sẻ với nhau rất nhiều điều, mà chủ yếu là bộc bạch những ước mơ. Những tâm sự mà nhà vua không bao giờ hé ra với những kẻ xâm lấn thống trị quê hương, thì chàng lại dễ dàng cởi mở với người con gái xứ Nga. Và những trang viết của nữ văn sĩ đã giới thiệu với độc giả Nga về một trong những nhà ái quốc Việt Nam vĩ đại, một con người đau khổ do ý muốn tàn ác của kẻ thù mà phải sống suốt đời cách xa quê hương yêu dấu và nhân dân của mình.

Câu chuyện của Shchepkina-Kupernik về cuộc gặp vua Hàm Nghi được công bố tại Matxcơva vào năm 1903. Và không cần nghi ngờ gì, những trang viết đầy tình cảm ấy đã giúp các độc giả thuở đó được biết thêm về Việt Nam và những cư dân của đất nước, vốn đã nửa thế kỷ được giới thiệu trong các ấn phẩm khác nhau của đế chế Nga.

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала