Quy hoạch sông Hồng - Đôi điều với “Thị trưởng” Nguyễn Đức Chung

CC BY-SA 3.0 IGO / Wikipedia/Rungbachduong / Hoàng hôn trên sông Hồng nhìn từ cầu Long Biên, Hà Nội, Việt Namsông Hồng
sông Hồng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Hãy biến hai bờ sông Hồng thành tài sản chung của Hà Nội và cả nước, nơi hàng chục triệu người có thể đến đó vui chơi, hít thở và tự hào...

Hãy nhìn Đà Nẵng, một thành phố trẻ mới hơn 20 tuổi, những điều Đà Nẵng làm được với sông Hàn là tuyệt vời. Hai bên bờ sông đoạn chảy qua trung tâm thành phố đã được kè xong, công viên, đường sá, cao ốc mọc lên lung linh, soi bóng xuống dòng sông đặc biệt huyền ảo về đêm.

Nhìn quang cảnh hai bên bờ sông Hàn lại thấy thương cho sông Hồng, Hà Nội. Sông Hồng, dòng sông Cái, sông Mẹ, dòng Nhị Hà đã góp phần hình thành ra cả một nền văn minh Bắc Bộ, cái nôi của văn hóa Việt. Hà Nội cũng sinh ra từ đây.

Thế nhưng cho đến nay, ở hai bờ sông Hồng, ta chỉ thấy hoặc là sự xâm lấn xây dựng tự phát, lộn xộn hoặc là vẻ hoang hoá, nhếch nhác. Cho đến năm 2010, đúng dịp Hà Nội bước vào tuổi thứ 1.000, cũng chưa có một công trình kiến trúc nào xứng tầm thể hiện sự tri ân xứng đáng, hay sự kết nối máu thịt giữa Hà Nội với dòng sông vĩ đại này. Và cho đến bây giờ, buổi tối, khi đi qua cầu Long Biên hay Thanh Trì, ta chỉ thấy một vùng tối mênh mông như trăm năm trước của một dòng sông dường như chỉ chảy qua chứ không thuộc về Hà Nội.

Cho nên, nếu có một nhiệm kỳ chính quyền nào, hay một thị trưởng nào, có đủ tâm, đủ tầm xây dựng và thực hiện được một dự án qui hoạch, kiến trúc tổng thể, trước mắt với hơn 30 km sông Hồng chạy qua địa phận Hà Nội (cũ, khi chưa nhập Hà Tây vào) thì người đó sẽ thực sự đi vào lịch sử. Bởi vậy, khi Hà Nội xúc tiến đồ án qui hoạch 2 bên bờ sông Hồng, thực sự là một tín hiệu đáng mừng, tuy rằng có hơi chậm trễ.

Theo người phát ngôn của UBND TP. Hà Nội: "Ủy ban nhân dân thành phố đã đưa ra những tiêu chí, yêu cầu chặt chẽ đảm bảo việc đưa ý tưởng vào thực tiễn. Cụ thể, việc nghiên cứu quy hoạch dọc hai bên sông Hồng phải theo hướng đảm bảo phòng chống lũ; tạo lập một đô thị hiện đại; khai thác hiệu quả quỹ đất; tạo quỹ đất cho thành phố để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch; ưu tiên tái định cư tại chỗ; phát triển giao thông vận tải và du lịch đường sông; nghiên cứu phương án quy hoạch tuyến đường dọc hai bên sông kết hợp làm đê ngăn lũ".

Có hai điều mà dư luận băn khoăn, thứ nhất là thông tin một đơn vị Trung Quốc có thể tham gia lập đồ án qui hoạch, thông tin này Hà Nội khẳng định là không đúng nên tạm không bàn nữa.

Thông tin thứ hai là nguồn vốn cho việc nghiên cứu đồ án qui hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ do 3 doanh nghiệp lớn đóng góp, sau đó chắc họ sẽ tham gia triển khai thực hiện qui hoạch và có lẽ sẽ được đổi bằng tài sản lớn nhất mà Hà Nội có, đó là quĩ đất hai bên sông và các chính sách ưu đãi khác.

Cho đến thời điểm này, khi các "ông lớn" doanh nghiệp nhà nước không gặp vấn đề này hay vấn đề khác thì có lẽ chỉ có các doanh nghiệp tư nhân lớn, bạo chi, có kinh nghiệm mới có khả năng biến đồ án qui hoạch sông Hồng sớm thành hiện thực. Điều cần bàn là cách thức các doanh nghiệp này tham gia như thế nào.

Để đồ án qui hoạch sông Hồng mang lại lợi ích cho hàng chục triệu cư dân quanh Hà Nội và cả nước, Hà Nội nên bỏ tiền ra chủ động mời các nhà tư vấn độc lập có kinh nghiệm trên thế giới đến thực hiện. Khi nào hoàn chỉnh các qui hoạch, đồ án, dự án chi tiết, thì mang ra đấu thầu công khai, doanh nghiệp nào có năng lực thực thi sẽ được lựa chọn minh bạch, sòng phẳng.

Để các doanh nghiệp trực tiếp bỏ tiền ra làm qui hoạch rồi lại triển khai thực hiện thì công chúng có quyền nghi ngờ doanh nghiệp sẽ tác động để vẽ ra qui hoạch có lợi cho mình. Tin vào năng lực doanh nghiệp là đúng nhưng không nên quá tin vào khả năng họ chịu thiệt vì lợi ích công cộng. Xung đột lợi ích hoàn toàn có thể xảy ra. 

Chắc nhiều thế hệ lãnh đạo Hà Nội đã có dịp đến Seoul, Hàn Quốc, dòng sông Hàn chảy giữa thủ đô nước này thực sự được chăm sóc kỹ lưỡng bằng hệ thống bờ kè kiên cố và hàng chục cây cầu nối hai bờ.

Hai bên sông Hồng của Hà Nội, từ khi có các công trình thuỷ điện ở thượng nguồn, hoàn toàn có điều kiện để qui hoạch và xây dựng thành một dòng sông xanh, lá phổi xanh chảy giữa thủ đô, thậm chí có thể đẹp hơn cả sông Hàn của Đà Nẵng hay sông Hàn của Seoul.

Vấn đề ở đây là tâm và tầm của những người có quyền quyết định. Hãy biến hai bờ sông Hồng thành tài sản chung của Hà Nội và cả nước, nơi hàng chục triệu người có thể đến đó vui chơi, hít thở và tự hào về thủ đô của một nước XHCN.

 

Nguồn: VOV

 

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала