"Lộn ruột" mạng di động Việt Nam: Không chụp ảnh chân dung, thuê bao sẽ bị cắt

© Ảnh : HỮU THUẬNChủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu không muốn bị ngưng dịch vụ
Chủ thuê bao phải bổ sung ảnh chân dung nếu không muốn bị ngưng dịch vụ - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Nếu không bổ sung ảnh chân dung thì thuê bao có thể bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày và tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo.

Đó là quy định mới theo nghị định 49/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, một số nhà mạng Việt Nam đang triển khai thực hiện còn trong dư luận xã hội bắt đầu có nhiều ý kiến trái chiều.

Theo hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) còn phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại.

Quy định này đang khiến trên 119 triệu khách hàng thuê bao điện thoại di động "lên ruột".

Cụ thể, theo nghị định 49/2017, sau 12 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (24-4-2017), doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin về thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình đúng với quy định trên.

Trong thời gian đó (từ 24-4-2017 đến 24-4-2018), các doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước — đang sử dụng dịch vụ nhưng chưa tuân thủ theo đúng quy định — thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại nghị định này.

Đối với các thuê bao di động đã có thông tin đăng ký chính xác (không cần thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung), quy định cũng nêu rõ doanh nghiệp phải "bổ sung thêm ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định này".

Đồng thời, doanh nghiệp phải "chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về tính chính xác của thông tin của các thuê bao đó".

Đặc biệt, khi doanh nghiệp rà soát thông tin thuê bao đã đăng ký, nếu thấy thuê bao di động có thông tin không đúng quy định sẽ phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều (sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo).

Nhà mạng sẽ tiếp tục thông báo và thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện yêu cầu. 30 ngày sau nếu thuê bao vẫn không thực hiện yêu cầu sẽ bị chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông.

Như phản ánh của báo Tuổi Trẻ, đại diện một số nhà mạng cho biết họ đã bắt tay triển khai quy định mới.

"Việc áp dụng chụp ảnh chân dung với các thuê bao mới hòa mạng khá dễ dàng, chúng tôi chỉ việc đặt thêm camera trước quầy giao dịch là được. Tuy nhiên với các thuê bao đã hòa mạng và sử dụng từ lâu, chúng tôi sẽ phải nhắn tin đề nghị họ lần lượt đến chụp ảnh chân dung để đảm bảo thực hiện đúng quy định của luật" — đại diện một nhà mạng cho biết.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin — truyền thông, tính đến tháng 3-2017, tổng số thuê bao di động phát sinh lưu lượng (cả trả trước lẫn trả sau) ở VN là 119,77 triệu thuê bao.

Điều này cũng đồng nghĩa 119,77 triệu thuê bao này phải đi bổ sung thêm ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện sở hữu SIM số và sử dụng dịch vụ di động theo quy định của pháp luật.

Ngay lập tức trong dư luận cộng đồng người dùng mạng liên lạc di động Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều. Đáng chú ý là nhận xét của nhà báo-nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Trần Đăng Tuấn, Tổng Giám đốc AVG, cựu Phó Tổng Giám đốc Đài TH Việt Nam. Trên trang Facebook, TS Trần Đăng Tuấn nêu bức xúc: "Tôi không hiểu khi tham mưu ra điều khoản này trong nghị định, người ta có nghĩ đến việc chủ sở hữu hiện nay của 120 triệu thuê bao đổ xô đi chụp ảnh có nghĩa là thế nào không? Nghĩ đến chuyện ông già nhà mình 85 tuổi giờ đi ra chụp ảnh mà thấy lộn ruột. Thế Chứng minh thư nhân dân dùng vào việc gì? Sẽ phải có bao nhiêu camera gắn ở quầy để chụp ảnh, và nó là bao nhiêu tiền mua sắm? Sẽ có hàng triệu người không làm hoặc không kịp làm cái việc chụp ảnh. Doanh số của các hãng giảm sút. Sinh hoạt và công việc ảnh hưởng. Một dòng quy định thôi cả xã hội khổ".

 

Nguồn: tuoitre, vnexpress. viettimes, baodautu, baomoi, thanhnien

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала