Đến bao giờ Việt Nam mới "thôi dựa dẫm" vào “những gã khổng lồ”?

© Ảnh : Minh Quang/VietnamnetĐại biểu Phạm Trọng Nhân
Đại biểu Phạm Trọng Nhân - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Đề cập đến vấn đề FDI khi phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói: “Làm sao để rời vai những gã khổng lồ và tự đứng vững trên đôi chân của mình hay không là câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời”.

Lễ khai mạc Kỳ họp mùa thu của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam
Việt Nam: "Số liệu tăng trưởng kinh tế vài năm gần đây rất lạ"
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, hôm nay (31/10) Quốc hội dành cả ngày để thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế — xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch tài chính — ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 —2020. Nội dung này sẽ kéo dài đến sáng 2/11.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng sự đóng góp của đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế là đáng ghi nhận, nhưng sau "cơn địa chấn thu hút FDI" là những nỗi lo âm ỉ.

"Hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng nhưng hiệu quả nội tại mang lại cho nền kinh tế, cho người dân chưa được là bao. Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP cả một quốc gia chỉ vì một vài sản phẩm của FDI thì thật đáng lo ngại cho nền kinh tế", ông Nhân nói.

Đại biểu Nhân phân tích, FDI là bổ sung nguồn lực quan trọng cho cả quá trình tăng trưởng của Việt Nam. Cụ thể, sau 25 năm khu vực này đã đóng góp cho GDP từ 2% vào năm 1992 lên 20% vào năm 2016, giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người lên 2.000 USD.

"Tuy nhiên, dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 70% kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng thực tế khu vực này chỉ đón góp vào ngân sách từ 15 — 19%, thấp nhất trong 3 khu vực", ông Nhân nói.

Người dân Hà Nội lái xe máy dưới nắng nóng - Sputnik Việt Nam
Có nên đổi giờ làm?
Theo đại biểu này, có rất nhiều doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tụ nhiều năm liền. Nhưng "ngược đời" ở chỗ càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất.

Dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân cho biết mỗi năm các quốc gia nghèo (trong đó có Việt Nam) thất thoát 170 tỷ USD tiền thuế do chuyển giá.

FDI đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nhưng đã bị chuyển giá ra nước ngoài. Vì vậy, dẫu có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó thì cũng chẳng là bao, 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được các doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc.

"Nền kinh tế Việt Nam  đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình và sẽ còn bị giữ chặt trong một thời gian dài nữa", đại biểu Phạm Trọng Nhân lo ngại.

"Vừa bị thất thu thuế, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thiếu công bằng trong ưu đãi đầu tư… những vấn đề này liệu này có công bằng với đất nước, với người dân. Đã đến lúc chúng ta bình tâm suy xét trước khi quá muộn", ông Nhân nói.

Đại biểu cho biết, ông tán thành nhiều giải pháp Chính phủ đưa ra, trong đó nhấn mạnh việc không thu hút đầu tư bằng mọi giá, thu hút phải có chọn lọc. Trong đó, ưu tiên các ngành công nghệ cao, các doanh nghiệp sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp, có cam kết tỷ lệ nội địa hoá và chuyên giao công nghệ.

Trong khi đó theo đại biểu Nhân, doanh nghiệp trong nước lại phải đứng trước hàng loạt rào cản.

"Nếu không đơn giản hoá thủ tục hành chính, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020 chỉ có ý nghĩa về mặt con số", ông Nhân nói.

Đại biểu Nhân cho rằng, Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng những chỉ đạo quyết liệt, cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng của Người đứng đầu Chính phủ đã thổi luồng sinh khí mạnh mẽ vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Đại biểu bày tỏ: "Tôi thực sự xúc động, vui mừng, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nhân trẻ, sự quyết tâm đồng hành của Chính phủ qua việc công bố "sách trắng", tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân lần 2 và mới hôm qua là ra mắt cộng đồng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ là minh chứng hùng hồn nhất cho những cam kết và quyết tâm này".

Song cũng theo đại biểu, thì điều còn lại là làm sao luồng sinh khí liên tục bền vững và lan tỏa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển lớn mạnh. Đây là điều kiện cơ bản nhất của hoạt động kiến tạo — điều mà Chính phủ đang từng ngày cam kết với doanh nghiệp và người dân.

"Làm sao để rời vai những gã khổng lồ và tự đứng vững trên đôi chân của mình hay không là câu hỏi lớn mà tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời", đại biểu Phạm Trọng Nhân trăn trở.

 Nguồn: Bizlive

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала