Võ An Đôn là ai? Luật sư cho người nghèo hay “nhà dân chủ”?

© Ảnh : Facebook/Võ An Đôn Võ An Đôn
Võ An Đôn - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Võ An Đôn (SN 1977, trú khu phố Phước Thịnh, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) là đối tượng có quan hệ thân thiết và thường xuyên liên hệ với nhiều “anh em dân chủ”, số người đã và đang bị xử lý hình sự về các tội danh tại Điều 79, Điều 88, Điều 258 của Bộ luật Hình sự...

Bị cáo Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (áo đen) tại phiên tòa - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lên tiếng về phiên xét xử Mẹ Nấm
Võ An Đôn là luật sư mới đây đã bị kỷ luật xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên. Với một số người, Võ An Đôn là một luật sư có nhiều việc làm, hoạt động "trợ giúp" pháp lý cho người nghèo. Đối với những người hoạt động "nhân quyền", họ ca ngợi Võ An Đôn như một luật sư "nhân quyền", một luật sư của người nghèo, "đấu tranh vì dân chủ". Vậy thực chất Võ An Đôn là ai?

Mặc dù xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng khi làm việc, Võ An Đôn luôn tỏ ra không có ý thức phấn đấu, chấp hành kỷ luật không nghiêm, tự ý đi học không xin phép cơ quan, sau khi học xong xin nghỉ việc. Do đó, lãnh đạo cơ quan đã giải quyết cho nghỉ việc vì nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2008, khi gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên thì Võ An Đôn chỉ là một luật sư "làng nhàng", ít ai biết đến, trong hành nghề có lúc bị Sở Tư pháp "tuýt còi". Đến năm 2014, khi tham gia bào chữa vụ án "5 cán bộ công an dùng nhục hình; thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Võ An Đôn bắt đầu "lộ diện" rõ bản chất thật của mình khi có nhiều phát ngôn không đúng mực tại các phiên xét xử, chỉ trích lãnh đạo của tỉnh, phê phán hệ thống pháp luật Việt Nam,… Và Võ An Đôn được một số cơ quan truyền thông trong và ngoài nước "cổ súy", tung hô là "luật sư đấu tranh vì dân chủ".

Nhà tù - Sputnik Việt Nam
Việt Nam: Bắt hai nghi can tuyên truyền chống phá Nhà nước
Năm 2016, Võ An Đôn tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng không đủ phiếu tín nhiệm của nhân dân nơi cư trú và nơi công tác (Đoàn Luật sư Phú Yên). Khi biết mình không được tín nhiệm, Võ An Đôn đã phát biểu do mình bị "đấu tố" — y hệt như phát biểu của một số nhà "dân chủ" khác khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội bị loại vì không đủ uy tín.

Điều lạ là Võ An Đôn rất tích cực nhận bào chữa cho các vụ việc có liên quan đến sai phạm rõ nét liên quan đến cán bộ của các cơ quan Nhà nước hoặc các vụ án chính trị (như vụ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở Khánh Hòa về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam"; vụ Trần Anh Kim và đồng bọn "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" tại Thái Bình; vụ Nguyễn Hữu Quốc Duy "Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam" tại Khánh Hòa; vụ Nguyễn Văn Thông "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân"…).

Đối với các vụ án liên quan đến các tội được quy định tại Điều 79 "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, Điều 88 "Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam", Điều 258 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" của Bộ luật Hình sự thì trong quá trình bào chữa tại tòa, Võ An Đôn thường tìm cách phủ nhận các tài liệu, chứng cứ, biện minh cho hành vi của các đối tượng, cho rằng họ không phạm tội. Trước và sau khi các phiên tòa diễn ra, Võ An Đôn thường xuyên đưa tin, bài viết lên mạng xã hội facebook với nội dung cho rằng đây đều là các vụ án "bỏ túi", luật sư có mặt tại phiên tòa chỉ để "cho đẹp đội hình". Tuy nhiên, thực tế trong các phiên tòa, khả năng bào chữa của Đôn thiếu cơ sở, không có khả năng trình bày, các quan điểm bào chữa thiếu căn cứ, không đủ sức thuyết phục.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. - Sputnik Việt Nam
Bộ Ngoại giao lên tiếng về việc xử lý các đối tượng chống phá nhà nước
Ngoài ra, Võ An Đôn còn thường xuyên đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết lên tài khoản facebook "Đôn An Võ" với nội dung có tính chất tiêu cực, nguồn gốc thông tin không được kiểm chứng nhằm tác động, ảnh hưởng đến dư luận, tạo nên một bức tranh xã hội đen tối dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo cớ để kẻ xấu lợi dụng bình luận nói xấu Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, Võ An Đôn còn thường xuyên tham gia trả lời phỏng vấn các báo, đài nước ngoài về nhiều đề tài khác nhau để thông tin không đầy đủ, thiếu thiện chí về các vụ án được đưa ra xét xử và thực trạng nền tư pháp, giới luật sư hiện nay.

Khi tham gia phỏng vấn chủ tài khoản facebook ThanhTam Nguyen, Võ An Đôn trình bày với các nội dung kém thuyết phục; trong các bài phỏng vấn có sự tham gia của Phạm Chí Dũng, Đôn tỏ ra hoàn toàn "lép vế" về trình độ, khả năng diễn đạt và lập luận. Khi cơ quan chức năng mời Đôn làm việc về nội dung các bài viết được đăng tải trên facebook thì đối tượng không thừa nhận tài khoản face­book "Đôn An Võ" là của mình. Sau khi làm việc với cơ quan công an, Võ An Đôn liền có bài viết "thanh minh", cho rằng mình không thừa nhận tài khoản face­book này là để không bị các cơ quan chức năng xử lý vô cớ, để tiếp tục được làm luật sư bào chữa cho những đối tượng được gọi là "đấu tranh vì dân chủ".

Võ An Đôn có quan hệ thân thiết và thường xuyên liên hệ với nhiều "anh em dân chủ", số người đã và đang bị xử lý hình sự về các tội danh tại Điều 79, Điều 88, Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Đôn đã có lần công khai trên facebook hình ảnh chụp chung với Nguyễn Văn Đài (đối tượng đang bị bắt vì tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) và tự nhận "bốn phương phản động đều là anh em".

Võ An Đôn cũng thường xuyên đăng tải các bài viết trên facebook cho rằng bản thân là luật sư "bào chữa miễn phí" cho người nghèo, cho các trường hợp "dân oan", "bị chính quyền đàn áp", nhưng thực tế việc có miễn phí hay không thì chỉ có Đôn và gia đình thân chủ biết. Vậy Đôn lấy tiền ở đâu để đi máy bay, thuê khách sạn sang để ở trong thời gian đi bào chữa, lấy tiền đâu xây nhà riêng với tiền tỉ? Với những người dân địa phương nơi Võ An Đôn sinh sống thì Đôn có cuộc sống khép kín, ít quan hệ với bà con lối xóm.

Chúng ta không lạ khi số "dân chủ" hải ngoại và quốc nội cũng thường xuyên ra sức ủng hộ, "PR" cho Võ An Đôn với nhiều bài viết, bình luận ủng hộ quá mức. Năm 2016, số dân chủ hải ngoại đã tổ chức trao cái gọi là "Giải thưởng nhân quyền Việt Nam năm 2016". Thực chất của giải thưởng trên là nhằm tuyên dương, cổ vũ các cá nhân hoạt động chống đối Nhà nước như Cấn Thị Thêu, Võ An Đôn với ý đồ đưa Đôn thành hình tượng luật sư "tiêu biểu" chuyên bào chữa miễn phí cho "dân oan", chuyên đấu tranh vì "dân chủ, nhân quyền". Và rất nhiều luật sư, người dân rất ngạc nhiên khi thấy Đôn khoe và hãnh diện về giải thưởng này!

Hiện tại, Võ An Đôn đã bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xử lý kỷ Luật với hình thức "Xóa tên khỏi đoàn luật sư" vào ngày 26/11/2017. Những sai phạm của Đôn đã được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên nhiều lần họp nhắc nhở nhưng bản thân luật sư này không thừa nhận sai phạm, không khắc phục. Sau khi nhận quyết định xử lý kỷ luật của Đoàn Luật sư Phú Yên, Võ An Đôn đã có nhiều bài viết, trả lời phỏng vấn các báo, đài trong và ngoài nước với nội dung xuyên tạc quá trình xử lý kỷ luật của Đoàn Luật sư Phú Yên và trông chờ vào sự ủng hộ từ các cá nhân, tổ chức chống đối, phản động trong và ngoài nước.

Với những thông tin trên, hy vọng người đọc sẽ có một cái nhìn chân thực về Võ An Đôn. Cái gọi là luật sư "dân chủ", luật sư "dân oan" với Võ An Đôn thực chất chỉ là cái vỏ bọc mà một số người tạo ra cho anh ta để che đậy bản chất thật của một người có quan điểm và hành động chống Nhà nước ta, trái với đạo đức nghề nghiệp luật sư…

Nguồn: Báo Phú Yên

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала