Vướng mắc trong xử lý xe quá tải tại Hà Nam

© Ảnh : thanhnienCó rất nhiều lỗi vi phạm mà người tham gia giao thông có thể bị CSGT tạm giữ xe
Có rất nhiều lỗi vi phạm mà người tham gia giao thông có thể bị CSGT tạm giữ xe - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bạn đọc phản ánh, vì lợi nhuận, một số lái xe, chủ phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô-tô tại tỉnh Hà Nam lợi dụng khi vắng bóng lực lượng chức năng, đêm tối để vận chuyển đất, đá, vật liệu xây dựng quá tải trọng. Tuy nhiên, những sai phạm này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Với lợi thế về tài nguyên đá vôi, đất sét, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Hà Nam đã tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp khai thác đá, phục vụ các cơ sở sản xuất xi-măng trên địa bàn; kết hợp sản xuất vật liệu xây dựng cung ứng cho nhiều công trình, dự án ở TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Do vậy, nhiều tuyến đường giao thông của tỉnh Hà Nam hằng ngày có lưu lượng xe tải tham gia giao thông khá lớn, tập trung chủ yếu ở huyện Thanh Liêm, Kim Bảng và TP Phủ Lý. Thượng tá Trần Thu Ðông, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND và Công an tỉnh Hà Nam, Phòng CSGT đã tăng cường nhiều giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông như: Tập trung xử lý xe chở đất đá, vật liệu xây dựng, chở hàng hóa quá tải trọng, xe cơi nới thành thùng, không che phủ bạt để vật liệu xây dựng rơi vãi; xử lý ô-tô chở khách vi phạm Luật Giao thông đường bộ và các vi phạm về nồng độ cồn; duy trì phối hợp giữa các tổ công tác của CSGT với công an các huyện, thị xã trong tỉnh để kiểm tra phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, tuyến đê sông Hồng, sông Ðáy; đồng thời Phòng CSGT thành lập thêm một tổ công tác kiểm tra xử lý xe quá khổ, quá tải trên tuyến đường tránh đi qua TP Phủ Lý. Các tổ công tác đều được trang bị cân xách tay có thể kiểm tra tại một điểm cố định, hoặc tuần tra lưu động cả ban ngày, ban đêm bảo đảm hoạt động cân kiểm soát tất cả các loại xe có dấu hiệu chở quá tải trọng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm tải trọng lưu thông trên đường. Hằng tuần, lãnh đạo Công an tỉnh tiến hành tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, kịp thời chấn chỉnh công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, chở quá trọng tải; chở quá số người quy định đối với xe khách. Công an tỉnh Hà Nam giao rõ trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị liên quan, các tổ công tác và cán bộ chiến sĩ CSGT thực hiện nhiệm vụ kiểm soát xe quá khổ, quá tải; lấy kết quả kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải để đánh giá trách nhiệm, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, vì mục tiêu lợi nhuận, một số ít lái xe, chủ phương tiện lợi dụng thời điểm lực lượng CSGT giao ca, đêm tối vẫn cố tình vận chuyển đất, đá,vật liệu xây dựng, hàng hóa quá tải lén lút hoạt động trên các tuyến đường nhánh, đường liên thôn, liên xã như: Tuyến đường chạy qua xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng, hoặc trên tuyến đường DDT491, tuyến đê Hữu Hồng ở huyện Lý Nhân, nhiều xe vận chuyển vật liệu xây dựng quá tải chạy qua, làm cho mặt đường, mặt đê ngày càng xuống cấp, hằn rõ những ổ gà, ổ voi, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Trên những tuyến đường làng khác rất hẹp, nhưng nhiều lái xe chở quá tải lại cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, bấm còi hơi inh ỏi khiến nhiều người dân bất bình. Nguyên nhân hoạt động xe quá khổ, quá tải chưa được xử lý dứt điểm trước hết là do công tác kiểm tra, xử lý việc bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa, nơi sản xuất, cung ứng vật liệu, từ các cảng, mỏ đá, mỏ đất sét trên địa bàn tỉnh Hà Nam chưa được thực hiện thường xuyên. Có trường hợp Thanh tra Sở GTVT vào kiểm tra đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa thì gặp ý kiến của cơ quan chuyên môn không nên kiểm tra chồng chéo vì chương trình kiểm tra trùng lặp với chương trình thanh, kiểm tra của một số sở, ngành. Do vậy, một số đầu mối thanh tra giao thông không thể thực hiện kiểm soát việc bốc xếp hàng hóa lên phương tiện. Hơn nữa, về thẩm quyền của lực lượng thanh tra giao thông hạn chế, cho nên việc dừng phương tiện có biểu hiện vi phạm để kiểm soát tải trọng xe tải nơi đặt trạm cân gặp nhiều khó khăn; có tuyến đường vừa đặt trạm cân, nhiều lái xe, chủ phương tiện lại tìm đường khác để tránh, né.

Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, và xử lý triệt để xe quá khổ, quá tải, tỉnh Hà Nam cần tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32/CT-TTg, ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT, ngày 21-10-2013 của Bộ GTVT quy định về bốc xếp hàng hóa lên ô-tô khi tham gia giao thông trên đường bộ. Kế hoạch số 1450/KH-UBND, ngày 6-6-2017 của UBND tỉnh Hà Nam về tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, CSGT phối hợp chặt chẽ việc kiểm soát tải trọng trên các tuyến giao thông, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường tránh TP Phủ Lý; tiếp tục phối hợp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện đến các chủ hàng, doanh nghiệp vận tải và đội ngũ lái xe, mới có thể chấm dứt tình trạng xe quá tải tàn phá cơ sở hạ tầng giao thông.

Nguồn: nhandan

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала