Vai trò của ông Đinh La Thăng trong vụ PVN mất 800 tỷ

© Ảnh : TỰ TRUNGÔng Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Cơ quan điều tra xác định ông Đinh La Thăng không thông qua HĐTV khi ký thỏa thuận góp vốn vào Oceanbank, làm trái chỉ đạo của Thủ tướng và thoái vốn khi có cảnh báo.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra vụ án Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), cùng 6 đồng phạm gây thất thoát 800 tỷ đồng khi PVN mua cổ phần của Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Kết luận chỉ rõ vai trò của ông Thăng trong việc Tập đoàn Dầu khí góp vốn vào Oceanbank sai quy định, cũng như thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp lý hóa tài liệu không đúng bản chất của cựu Chủ tịch PVN.

3 lần góp vốn đều có sai phạm

Theo kết luận điều tra, năm 2006, PVN được phép thành lập ngân hàng Cổ phần Dầu khí có vốn điều lệ trên 50%. Sau đó, tập đoàn đã hoàn thành một số thủ tục thành lập ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt, xây dựng bộ máy, tuyển dụng nhân sự và mua sắm một số trang thiết bị.

Tuy nhiên, 2 năm sau, thực hiện chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, PVN không tham gia vào việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt mà chuyển sang góp vốn mua cổ phần của Oceanbank — tiền thân là Ngân hàng Hải Hưng do Hà Văn Thắm làm Chủ tịch HĐQT.

© AFP 2023Ông Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng - Sputnik Việt Nam
Ông Đinh La Thăng

Thời điểm đó, nhà băng này được đánh giá có tiềm lực tài chính yếu, quy mô hoạt động nhỏ, khả năng thanh khoản thấp, khó đứng vững trong giai đoạn thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động.

Tháng 9/2008, ông Thăng cùng đại diện PVN gặp Hà Văn Thắm để thỏa thuận về việc Tập đoàn Dầu khí góp vốn 20% (tương đương 400 tỷ đồng) khi Oceanbank tăng vốn điều lệ từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng.

Dù kết quả đánh giá tài chính về Oceanbank không khả quan, ông Thăng vẫn ký thỏa thuận góp vốn mà không tổ chức họp, lấy ý kiến thành viên HĐQT.

Sau đó khoảng một tuần, ông Thăng ký văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, phê duyệt để PVN mua cổ phần của Oceanbank. Khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, ông Thăng đã ký nghị quyết góp vốn đợt 1 với số tiền 400 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương.

Giữa năm 2010, Oceanbank tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng. Theo ủy quyền của ông Thăng, lãnh đạo PVN ký nghị quyết góp vốn bổ sung để duy trì 20% vốn điều lệ. Nhưng 3 tháng sau, ông Thăng mới ký văn bản trình Thủ tướng xem xét việc này.

Tháng 10/2010, Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu rõ PVN cần tập trung vốn cho hoạt động dầu khí, trường hợp khó khăn về vốn không nhất thiết nắm giữ 20% cổ phần Oceanbank. Nhưng PVN không thực hiện theo chỉ đạo này mà góp tiếp tục vốn thêm 300 tỷ đồng.

Lần góp vốn bổ sung thứ 3 vào năm 2011, ông Thăng ủy quyền cho bà Vũ Thị Thanh Hương làm người đại diện vốn điều lệ 20% của PVN tại Oceanbank. Sau đó, PVN đã góp thêm 100 tỷ để duy trì 20% vốn điều tại Ngân hàng Đại Dương, dù luật Tổ chức tín dụng 2010 quy định một cổ động tổ chức không sở hữu quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng.

Năm 2015, sau khi Chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm bị bắt tạm giam, Oceanbank được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, chuyển đổi hình thức thành Ngân hàng Thương mại TNHH một thành viên.

Ông Thăng né tránh trách nhiệm, hợp lý hóa tài liệu

Lời khai những người liên quan thể hiện hồi tháng 3/2017, khi Ủy ban kiểm tra Trung ương vào cuộc, ông Thăng lúc này đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nhờ một số thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí xác nhận đã bàn bạc thống nhất về chủ trương để PVN góp vốn vào Oceanbank. Do cả nể nên những người liên quan đã ký xác nhận dù không được bàn bạc.

Sau đó, ông Thăng đã cung cấp giấy xác nhận này cho cơ quan điều tra. Sau khi bị bắt tạm giam vào ngày 8/12, cựu Chủ tịch HĐQT PVN đã khai nhận việc hợp thức tài liệu. Giấy xác nhận được lập với mục đích né tránh trách nhiệm do ông Thăng nhờ người quen mang đến xin chữ ký của các lãnh đạo tập đoàn.

Cơ quan điều tra xác định trong vụ án này, ông Đinh La Thăng phạm tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, sau khi PVN góp vốn 20% để thành cổ đông chiến lược của Oceanbank, ông Thăng còn ký 2 văn bản mang tính chất chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị thành viên PVN và nhà thầu dầu khí mở tài khoản, sử dụng dịch vụ của Ngân hàng Đại Dương.

Thực hiện chỉ đạo này, từ năm 2009 đến năm 2014, có 165 đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí gửi tiền vào Oceanbank với doanh số tiền gửi không kỳ hạn trung bình là hơn 2.500 tỷ đồng và 74 triệu USD/tháng, tiền gửi có kỳ hạn khoản 16.000-18.000 tỷ đồng và 100 triệu USD/tháng.

Cơ quan điều tra đánh giá đây một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị thành viên của PVN nhận lãi ngoài của Oceanbank trong nhiều năm với số tiền gần 320 tỷ đồng, chưa kể khoản 246 tỷ đồng Nguyễn Xuân Sơn đã nhận.

Sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Thăng không yêu cầu đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, không kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời là có động cơ cá nhân và là tình tiết tăng nặng của hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước bị xử lý thế nào?

Trước đó, vào ngày 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết "Về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV".

Ông Thăng được xác định liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra gồm vụ án gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Oceanbank và vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam với ông Thăng để điều tra tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án PVN gây thất thoát 800 tỷ đồng, ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm gồm các ông Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh (nguyên Phó tổng giám đốc Oceanbank), Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường và Phan Đình Đức (đều là nguyên thành viên HĐTV PVN) bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Riêng bị can Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị truy tố thêm về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản do nhận 20 tỷ đồng tiền chi lãi ngoài từ Nguyễn Xuân Sơn.

Theo Điều 165 Bộ luật hình sự, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 3 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt hay gây thiệt hại từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

Nếu phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 15 đến 20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Nguồn: zing

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала