Nếu không minh bạch thì đừng nói chống tham nhũng

© Ảnh : ploPGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an
PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an – khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo Pháp luật Việt Nam về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở nước ta. Theo ông, khi mọi hoạt động đều công khai, minh bạch thì sẽ ngăn chặn được tham nhũng.

Ông khẳng định, tham nhũng ở Việt Nam đã có từ lâu và chúng ta cũng đã có rất nhiều nghị quyết về PCTN. Tuy nhiên, phải nói là từ sau Nghị quyết TƯ 4 khóa XII, đặc biệt là sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, công tác đấu tranh PCTN đã có bước chuyển mang tính bước ngoặt, phát triển sang một trạng thái hoàn toàn mới. Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng có 4 thành tựu PCTN nổi bật trong 2 năm vừa rồi. 

Thứ nhất, số lượng vụ trọng án được đưa ra xét xử đã nhiều hơn của 30 năm trước cộng lại. Thông qua xét xử, số cán bộ trung và cao cấp phải vào tù và bị xử lý kỷ luật Đảng cũng đã nhiều gấp 10 lần con số của 30 năm trước đây. 

Thứ hai, thông qua công tác đấu tranh PCTN, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Đảng cũng đã phát hiện ra những sơ hở, yếu kém trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội để khắc phục. Thứ ba, lần đầu tiên chúng ta đấu tranh PCTN "không có tham nhũng" như Tổng Bí thư nói. Điều này thể hiện ở việc Ủy viên Bộ Chính trị, hàng chục cán bộ cấp thứ trưởng, Chủ tịch hay Bí thư Tỉnh ủy cũng phải vào tù vì sai phạm. Thành tựu này không thể đo đếm được vì nó có tác dụng răn đe, giáo dục rất lớn đối với những người đang trong bộ máy công quyền khiến họ khiếp sợ, không dám tham nhũng. Tác dụng thứ tư là thông qua công tác PCTN này đã củng cố, khôi phục lòng tin của đảng viên và người dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Nguyễn Phú Trọng - Sputnik Việt Nam
Chống tham nhũng ở Việt Nam: Đánh rắn phải đánh dập đầu

Quyền lực không giám sát thì tha hóa

Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu kết luận tại Hội nghị toàn quốc về PCTN vừa qua có nói về việc xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng". Theo ông, cơ chế này cần có những yếu tố nào?

— Tôi hoàn toàn đồng tình với Tổng Bí thư là cần phải có cơ chế phòng ngừa để quan chức không thể tham nhũng được. Xuất phát từ kinh nghiệm của Singapore, một quan chức từ thủ tướng, bộ trưởng tới cấp dưới khi làm việc có 4 cơ quan theo dõi, giám sát, hệ thống luật pháp của họ rất chặt chẽ nên rõ ràng là quan chức không "cựa" được. Do đó, quan điểm của Tổng Bí thư là hoàn toàn đúng. Chúng ta cần thiết phải giám sát, vì quyền lực không giám sát thì tha hóa, đó là quy luật muôn đời, 5.000 năm vừa rồi và 5.000 năm sau cũng không có ngoại lệ. Thực tiễn công tác đấu tranh PCTN đang đặt ra vấn đề bức bách phải tăng cường hệ thống giám sát quyền lực. Vậy, giám sát bằng cách nào? Theo tôi có mấy vấn đề như sau: 

Một là, phải sửa luật pháp, làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Ví dụ, một việc trong bộ ấy mà sai thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm; một tỉnh mà sai thì Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm. Trong hệ thống luật pháp hiện nay của chúng ta không quy định trách nhiệm cá nhân rõ ràng. Luật pháp các nước trên thế giới quy định rất rõ trách nhiệm cá nhân, vì thế nên điều trước tiên là phải sửa hệ thống luật pháp, làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Thứ hai là phải tổ chức lại cơ quan giám sát quyền lực. Với tư cách là người nghiên cứu, tôi đã phản đối việc Thanh tra Chính phủ thuộc Chính phủ, thanh tra tỉnh trực thuộc Chủ tịch tỉnh. Phải có một cơ quan độc lập, đủ quyền năng giống như Kiểm toán Nhà nước đang thực hiện chức năng kiểm toán về mặt kinh tế. Kiểm toán Nhà nước thuộc Quốc hội nên trong 2 năm qua đã làm được nhiều việc. Không ai "lấy đá ghè chân" cả, cho nên để kiểm toán tài sản thì phải có cơ quan kiểm toán thuộc Quốc hội để giám sát quyền lực cơ quan hành pháp. Thanh tra Nhà nước phải thành lập một ủy ban giám sát quyền lực quốc gia trực thuộc Quốc hội, do một Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp làm chủ nhiệm. 

Thứ ba là cần giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng. Vừa rồi, tôi thấy Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Ủy ban Kiểm tra TƯ nhiều nhiệm vụ nhưng tôi cho rằng cần phải tiếp tục mở rộng thêm nữa, giao cho Ủy ban Kiểm tra nhiều quyền năng hơn để họ làm việc. 

Thứ tư là phải minh bạch. Chính phủ phải hoạt động minh bạch, nếu không minh bạch thì đừng nói chống tham nhũng. Người ta ăn vụng trong bóng tối chứ không ai ăn vụng ngoài ánh sáng cả. Khi mọi hoạt động đều công khai, minh bạch thì sẽ ngăn chặn được tham nhũng. Các dự án nhà nước phải minh bạch, phải tổ chức đấu thầu. 

Thứ năm là phải thực hiện theo Nghị quyết của Đảng, theo Điều lệ Đảng về việc tạo điều kiện cho người dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, Đảng viên và cán bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng đã 10 lần nói rằng phải tạo một cơ chế để người dân giám sát hoạt động của Đảng, của cán bộ, công chức, đảng viên.

Thứ sáu là phải trao quyền cho Mặt trận Tổ quốc, cho nhân dân, cho giới khoa học thực hiện chức năng giám định, phản biện xã hội đối với các phát triển kinh tế — xã hội. Đảng và Nhà nước phải nghe trí thức, phải nghe người dân nói. Tôi cho rằng đó là 6 vấn đề cần chú ý để thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư.

PVC đang chìm trong khủng hoảng khi dàn lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ và kết quả kinh doanh bết bát, thua lỗ. - Sputnik Việt Nam
Chống tham nhũng – cuộc chiến không khoan nhượng

Ý Đảng hoàn toàn hợp với lòng dân

Khi nói về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp PCTN trong thời gian tới tại Hội nghị toàn quốc về PCTN vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh rằng bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, chúng ta cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển của đất nước. Ông nhận định như thế nào về ý kiến chỉ đạo này của Tổng Bí thư?

— Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Tổng Bí thư. Bởi 10 người không chịu làm việc mà 1 người dám làm thì 9 người kia người ta không chịu. Do đó, phải hết sức ủng hộ những nhân tố mới, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chúng ta cũng cần công khai, minh bạch trong công tác đánh giá cán bộ mà trong đó quần chúng là "bộ lọc" tốt nhất, không ai giỏi bằng quần chúng cả. Phải để cho quần chúng, đảng viên đánh giá cán bộ, như vậy sẽ tránh được các nhóm lợi ích. 

Có một vài ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng có thể sẽ làm "chậm" sự phát triển của đất nước? Xin ông cho biết quan điểm về ý kiến này?

— Đấy là quan điểm ngụy biện, dối trá. Làm gì có chuyện đó. Người dân hoàn toàn ủng hộ chống tham nhũng. Trong công tác này, ý Đảng hoàn toàn hợp với lòng dân. Chống tham nhũng chỉ giúp Đảng mạnh, đất nước mạnh thêm. Công khai, minh bạch chống tham nhũng sẽ càng khiến người dân ủng hộ Đảng.

Nguồn: baophapluat

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала