Nhiều "bệnh" cần loại bỏ

© Ảnh : Minh Quyết -TTXVNThí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên tại điểm thi trường THPT Việt Đức ( Hà Nội).
Thí sinh trao đổi sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên tại điểm thi trường THPT Việt Đức ( Hà Nội). - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Từ vụ việc tiêu cực, gian lận nghiêm trọng về chấm thi THPT quốc gia năm 2018 ở tỉnh Hà Giang, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục cử các đoàn công tác đến kiểm tra, rà soát khâu chấm thi ở hai tỉnh Sơn La và Lạng Sơn vì bị nghi là có sai phạm. Qua vụ việc gây chấn động dư luận xã hội này, có nhiều vấn đề cấp bách đặt ra đối với ngành giáo dục nước nhà.

Nổi cộm lên đó là căn bệnh sính thành tích, vấn nạn nhờ vả, gởi gắm, chạy chọt của một bộ phận phụ huynh (nhất là cán bộ, giáo viên), sự xuống cấp, tha hóa về trách nhiệm, đạo đức công vụ của một số cán bộ quản lý và thầy cô giáo. Các biểu hiện của những "bệnh" trên ngày càng có xu hướng phổ biến và phức tạp hơn trong môi trường giáo dục. Tôi xin được chứng minh cụ thể. Các năm 1999, 2000, Bộ GD&ĐT từng có quyết định tuyển thẳng vào Đại học cho học sinh có kết quả học lực, thi tốt nghiệp loại giỏi nhằm mục đích khuyến khích thành tích học tập tiêu biểu, xuất sắc của các em. Năm đầu tiên thực hiện quyết định trên, các trường không có nhiều học sinh được tuyển thẳng nhưng đến các năm sau, khi nhận thấy rõ lợi ích to lớn của nó nên nhiều phụ huynh đã thi nhau nhờ cậy, chạy chọt để con em của mình được điểm cao, xếp loại tốt, thi tốt nghiệp thật dễ dãi, thậm chí có "gà" bài… dưới sự hà hơi, tiếp sức, dàn xếp tích cực của một số nhà trường, giáo viên, hội đồng coi thi, chấm thi. Thế là số học sinh được tuyển thẳng Đại học các năm tiếp theo tăng đến bất thường, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất trong chính sách tuyển thẳng không ai khác chính là con em của cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục. Thấy không ổn trong thực hiện quyết định trên, mấy năm sau, Bộ GD&ĐT cho bỏ.

Một thời gian trước đây, khi tuyển sinh vào lớp 10, nhiều địa phương có quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh đạt học lực khá, giỏi thì ngay lập tức điểm số và kết quả học bạ của các em đang học lớp 9 ở hầu hết các trường THCS được đẩy lên cao đến ngất ngưởng. Chúng tôi làm công tác tuyển sinh vào lớp 10, khi kiểm tra học bạ từng em có so sánh, đối chiếu với kết quả những năm học trước đó thì quả thật thấy rất rõ sự bất thường với kết quả năm lớp 9. Trong các hội nghị, lãnh đạo Phòng, Sở GD&ĐT thường quán triệt tinh thần khá kỹ: các đồng chí, nhà trường không nên chạy theo thành tích, cần đánh giá đúng thực chất, em nào xứng đáng điểm, loại gì thì cho loại ấy. Nhưng thực tế, họ có nghe đâu, nói là một chuyện còn làm lại là một chuyện khác. Chán ngán căn bệnh thành tích, "tháo khoán" điểm số của nhà trường, giáo viên bậc THCS mấy năm nay, các địa phương đã hủy bỏ quy định cộng điểm học sinh khá, giỏi. Nay, soi học bạ học sinh lớp 9 khi không còn có cộng điểm nữa thì tình hình có đổi thay, số lượng loại khá, giỏi giảm hẳn. 5 năm nay, Bộ GD&ĐT khi đưa kết quả học tập lớp 12 tham gia vào công nhận Tốt nghiệp THPT và nhiều trường Đại học, Cao đẳng dựa vào học bạ để xét tuyển sinh. Đây được xem là một chủ trương đúng đắn của Bộ, đánh giá kết quả tốt nghiệp dựa vào nhiều yếu tố vừa thi vừa xét, làm tăng cơ hội đỗ tốt nghiệp, tạo động lực mới cho chất lượng dạy và học ở nhà trường THPT.

Tuy nhiên, thật đáng buồn, không ít đơn vị, nhà trường, nhất là các trường ngoài công lập, trung tâm Giáo dục thường xuyên lại tiếp tục lặp lại "bệnh" thành tích, suy nghĩ tiêu cực "sợ" các trường khác không làm thật giống mình nên đã nhẹ nhàng trong việc cho điểm đồng loạt các bộ môn văn hóa, đẩy các con điểm lên cao mút chỉ. Họ bây giờ rất "khôn khéo", "kín đáo", "tế nhị" khi xử lý, làm những việc trong nháy nháy ấy. Còn phụ huynh, học sinh thì khỏi phải nói, được nhà trường, giáo viên "quan tâm", "tạo điều kiện" như vậy, vui mừng lắm, vì có lợi mà. Hằng năm, cấp trên, các Sở GD&ĐT thử lấy số liệu về kết quả học tập và hạnh kiểm của học lớp 12 từ các trường, rồi làm biện pháp thống kê, so sánh, đối chiếu, phân tích… sẽ biết ngay có hay không hiện tượng "tháo khoán" tại cơ sở giáo dục.

Nhiều năm nay, sau khi công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, nhiều nhà quản lý, chuyên gia giáo dục liên tục có đề xuất với Bộ GD&ĐT không nên tổ chức thi Tốt nghiệp THPT nữa mà chỉ cần xét công nhận dựa vào quá trình học tập là được. Làm như thế rất nhẹ nhàng mà lại đỡ tốn kém kinh phí, tiền bạc của Nhà nước, phụ huynh lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Mới nghe qua thì thấy tiện ích và kinh tế thật, nhưng nếu chúng ta không thực hiện theo lộ trình, bỏ liền Kỳ thi này thì chắc chắn sẽ có nhiều việc phát sinh đáng lo ngại. Đó là tình trạng bệnh thành tích lại bùng phát. Trường nào cũng "thi đua" xét công nhận 100% học sinh của mình đỗ tốt nghiệp; lúc đó nhiều trường rất khó khăn khi xét tuyển chỉ dựa vào học bạ. Nếu lại tổ chức thi "3 chung" để tuyển sinh Đại học như các năm trước thì chất lượng dạy học ở trường THPT càng xuống thấp, vì chẳng còn kỳ thi nào để sát hạch, làm căn cứ đánh giá, và tình trạng học lệch, chỉ học mấy môn thi Đại học sẽ càng trầm trọng.
Nhằm tạo chuyển biến, loại bỏ dần những căn bệnh nêu trên đang hoành hành, tàn phá môi trường giáo dục, theo tôi, không chỉ có trách nhiệm, nỗ lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo các bậc học mà còn cần những giải pháp mang tính đột phá, căn cơ, đồng bộ hơn từ các cấp quản lý giáo dục trong thời gian tới. Trước mắt, trong kỳ thi THPT năm 2019 (nếu tiếp tục tổ chức) thì Bộ GD&ĐT cần đổi mới, cải tiến khâu chấm thi theo hướng, không để các Sở GD&ĐT chấm thi nữa mà tổ chức chấm chéo giữa các địa phương hoặc giao cho các trường ĐH chấm theo cụm, theo khu vực như các năm đã làm. Chắc chắn tiêu cực, gian lận khâu chấm thi sẽ giảm thiểu, lấy lại niềm tin của nhân dân về kỳ thi quan trọng bậc nhất này.

Nguồn: baovanhhoa

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала