ĐBQH Dương Trung Quốc: “Phạt cho tồn tại” sẽ phá hoại bộ máy chính quyền

© Ảnh : dantriĐại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Việc “phạt cho tồn tại” không chỉ làm cho luật lệ bị nhờn mà quan trọng hơn nữa là phá hoại bộ máy chính quyền của chúng ta, vov cho biết.

Nộp phạt rồi được tồn tại, thực trạng trên đang diễn ra ở không ít công trình xây dựng, đặc biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng khiến người dân không khỏi nghi ngại vào chế tài xử lý các công trình vi phạm có thực sự nghiêm minh hay không. Cái bắt tay của những người vi phạm và chính quyền địa phương phải chăng đang hợp thức hóa cho những vi phạm pháp luật.

Liên quan vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai).

PV: Ông nhìn nhận thế nào về những sai phạm nghiêm trọng ở rừng phòng hộ Sóc Sơn?

Ông Dương Trung Quốc: Vấn đề này được nêu lên trong đời sống xã hội từ rất lâu rồi nhưng ở thời điểm này, nó trở nên quyết liệt bởi vì nếu tiếp tục tình trạng này thì hậu quả sẽ rất tai hại.

Việc "phạt cho tồn tại" không chỉ làm cho luật lệ bị nhờn mà quan trọng hơn nữa là phá hoại bộ máy chính quyền của chúng ta. Vì thế, đây không chỉ là câu chuyện của riêng Sóc Sơn (Hà Nội) mà diễn ra ở khắp cả nước, xung quanh chúng ta hàng ngày, ở những đô thị và gần như trở thành yếu tố tồn tại một cách thường xuyên.

PV: Như ông nói, sai phạm này không chỉ ở Hà Nội mà nó cũng đã diễn ra ở nhiều nơi. Theo quan điểm của ông, những sai phạm này là do sự buông lỏng quản lý hay có sự dung túng bao che của chính quyền?

Ông Dương Trung Quốc: Đứng trước hiện tượng cần phân tích xem nguyên nhân, trách nhiệm ở đâu để xử lý hợp tình, hợp lý. Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của một số vị đã phát biểu, nhất là các vị sống tại địa phương, thậm chí là lãnh đạo địa phương, đó là vì chúng ta không thực thi nghiêm những luật đã có, thậm chí không thực thi cả những kết luận thanh tra, tức là những sai phạm đã được phát hiện nhưng cũng không thực thi.

Đây chính là nguồn gốc khiến cho người dân nhờn Luật, họ cho rằng, đó là hiện tượng tự nhiên, Chính phủ làm gì thì cứ làm, còn họ cứ làm những gì theo lợi ích của họ. Điều này dẫn đến một hậu quả rất tai hại và nếu không được ngăn chặn sớm thì sẽ đến một lúc nào đó chúng ta không có đủ khả năng để xử lý.

PV: Điều khiến dư luận bức xúc đó là dường như việc "phạt cho tồn tại" đang là cách dùng tiền để hợp thức hóa những sai phạm, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Điều này hoàn toàn đúng vì người dân biết chính quyền có quyền lực như thế nào. Một hành vi nào đó trái pháp luật không thể lọt qua mắt họ nhưng tại sao vẫn được tồn tại. Vì ai cũng biết rằng, đằng sau việc phạt đó còn có những yếu tố khác mà chúng ta hay nói là "tham nhũng vặt". Đây là hiện tượng rất phổ biến, nếu không ngăn chặn thì sẽ để lại hậu quả tai hại cho người dân, xã hội. Và một điều quan trọng nữa là hủy hoại chính bộ máy, cán bộ.

PV: Trên nghị trường Quốc hội, ông đã từng nói "phạt cho tồn tại" nghe rất đơn giản, phổ biến nhưng lại là sự tích tụ và là một quá trình hủy hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền. Ở đây, ông đang muốn nhấn mạnh tới hậu quả của nó?

Ông Dương Trung Quốc: Ít nhất đã 3 lần tôi phát biểu trước Quốc hội về kiến nghị Thủ tướng cần sớm có lộ trình chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại. Có những việc tưởng là nhỏ nhưng lại không nhỏ tí nào khi nó tác động đến toàn bộ bộ máy xã hội chứ không phải chỉ một công trình hay sự việc cụ thể. Nếu chúng ta không ngăn chặn ngay thì hậu quả ngày càng lớn, đến lúc không thể giải quyết nổi.

Và ngay cả những người dân tuân thủ luật pháp cũng sẽ cảm thấy thiệt thòi, cảm thấy bị đối xử bất công hay nói cách khác là họ cảm thấy không tin vào chính quyền.

PV: Có ý kiến cho rằng, dứt khoát phải tháo dỡ những công trình cố tình vi phạm thì mới có thể làm gương. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi hoàn toàn chia sẻ với việc tháo dỡ công trình sai phạm. Chúng ta phải hy sinh một phần nào lợi ích xã hội mà cuối cùng là đem lại những lợi ích lớn hơn.  

PV: Theo quan điểm của ông, làm thế nào để chấm dứt tình trạng "phạt cho tồn tại" như hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: Trước hết là nghiêm từ bộ máy chính quyền, nếu xảy ra chuyện "phạt cho tồn tại" thì phải quy trách nhiệm ngay, xử lý nặng, thậm chí nặng hơn cả người sai phạm. Bởi nếu nhìn vào những việc đang diễn ra thì thấy hầu như những người có trách nhiệm nặng nhất hiện nay chưa bị xử lý tương xứng với trách nhiệm của họ.

PV: Ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần phải xử lý dứt điểm ngay từ khi manh nha lỗi vi phạm, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi rất chú ý tới ý kiến của một vị ở địa phương, đó là những quy hoạch cần phải công bố, nói cho dân biết khu đất này không được làm những gì. Dân biết mà vẫn làm thì sẽ bị xử lý, khi đó trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất cao, vì chính sự mù mờ là đất sống của những tiêu cực trong bộ máy chính quyền.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала