9 người Việt trốn ở lại Hàn Quốc bỏ cả hộ chiếu: Bộ KH-ĐT xin rút kinh nghiệm

© Sputnik / Alexey Filippov / Chuyển đến kho ảnhBộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Liên quan đến vụ 9 người Việt đi theo đoàn Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau đó bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc: Doanh nghiệp nói muốn tìm hiểu cơ hội chả lẽ không cho đi?

Bộ KH-ĐT Xin rút kinh nghiệm vụ 9 người Việt Nam bỏ trốn lại ở Hàn Quốc

Chiều 26/9, trong thông cáo phát đi, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ KH-ĐT) cho biết đã kiểm điểm, rà soát và nghiêm túc rút kinh nghiệm trong vụ việc 9 người Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc.

Cụ thể, theo Bộ KH-ĐT, ngay sau chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Hàn Quốc vào tháng 12 năm 2018, Bộ đã chỉ đạo Cục đầu tư nước ngoài - đơn vị đầu mối tổ chức đoàn, tiến hành rà soát, rút kinh nghiệm để có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài sau đó.

Tổng thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo tiếp thu, giải trình về dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lên tiếng vụ 9 người trong Đoàn ĐBQH bỏ trốn ở lại Hàn Quốc

Tin cho biết, hiện đã có 2 trong số 9 người bỏ trốn trở về nước, 7 người còn lại vẫn đang trốn tại Hàn Quốc.

Bộ KH-ĐT lý giải, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các hoạt động chính trị, ngoại giao ở nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao kết hợp phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và các địa phương mở rộng các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, hiện thực hóa các cam kết về hội nhập.

Bộ cho biết, trong 30 năm qua, đơn vị đã được giao tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong các chuyến thăm, làm việc ở nước ngoài. Việc chọn lọc, thẩm định, lập danh sách đoàn doanh nghiệp đi tháp tùng được thực hiện nghiêm túc, cẩn trọng, sau đó gửi các cơ quan hữu quan thẩm tra, cho ý kiến. Việc quản lý đoàn đi cũng được thực hiện chặt chẽ bằng nhiều cách thức khác nhau.

“Tuy nhiên, lần này, một số người đã cố tình lợi dụng việc tham gia đoàn để bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc bất hợp pháp, bỏ cả hộ chiếu lại. Toàn bộ số hộ chiếu này sau đó đã được Cục Đầu tư nước ngoài bàn giao cho các cơ quan chức năng”, Bộ KH-ĐT cho biết.

Thông báo của Bộ KH-ĐT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để truy tìm các đối tượng hiện đang bỏ trốn, triệu hồi về nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu phát hiện nội bộ có sai phạm liên quan, Bộ sẽ không bao che, đồng thời nghiê khắc xử lý cán bộ theo mức độ và quy định của pháp luật. Theo Bộ KH-ĐT, đây là bài học sâu sắc để rà soát, rút kinh nghiệm khi tổ chức đoàn doanh nghiệp đi cùng, không để lặp lại sự cố này trong các chuyến đi tiếp theo.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT lên tiếng vụ 9 người Việt bỏ trốn ở lại Hàn Quốc

Hôm qua, 25.9, trả lời báo chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ đây là vụ việc rất đáng tiếc, đồng thời khẳng định, Bộ “đã chọn lọc kỹ trước khi đi nhưng bị doanh nghiệp lợi dụng”.

“Bộ đã tổ chức hàng trăm đoàn trong 30 năm nay, rất tiếc đây là lần đầu tiên có việc như thế. Đây là các đối tượng lợi dụng hỗ trợ của Chính phủ và chính sách của nhà nước làm bậy. Sau khi xảy ra, chúng tôi đã phối hợp tích cực với Bộ Công an tìm ra những người này, sẽ tiếp tục tìm và xử lý theo quy định của pháp luật”, Thanh Niên dẫn lời ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Hàn Quốc

Khi được đặt câu hỏi về trách nhiệm liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định Bộ KH-ĐT đã “làm hết trách nhiệm”, hết sức chặt chẽ. Theo ông Dũng, rõ ràng, các cơ quan chức năng đã chọn lọc nhưng doanh nghiệp lại “qua mặt”, cố tình lợi dụng cơ hội.

“Đây là chủ trương của nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội để kêu gọi đầu tư, nhưng lại bị họ lợi dụng. Sự việc quá đáng tiếc, chúng tôi mất bao nhiêu công sức nhưng bị ảnh hưởng. Chúng tôi được giao nhiệm vụ đi làm hàng trăm đoàn nay có một đoàn thế thì rất mang tiếng. Nếu làm chặt quá thì họ lại bảo gây khó dễ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp nói muốn tìm hiểu cơ hội chả lẽ không cho đi? Chúng tôi cũng yêu cầu nêu rõ thông tin đi làm gì, mục đích như thế nào, nhưng họ lợi dụng thì khó. Tất nhiên, việc này sẽ phải rút kinh nghiệm sâu sắc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân trần.

9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc không thuộc đoàn của Chủ tịch Quốc Hội

Ngày 25.9, phát biểu về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, tháng 12.2018 vừa qua, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sang thăm chính thức Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc Hội nước bạn là Moon Hee Sang.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội hai nước đã cùng dự diễn đàn Đầu Tư và thương mại Việt- Hàn do Bộ KH-ĐT, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức.

Đến ngày 23.9 vừa qua, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc đã đưa tin về 9 người trong Phái đoàn kinh tế đi theo Đoàn Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bỏ trốn để ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc hơn 10 tháng. Đến nay, 2 trong số 9 người đã bị phía Hàn Quốc trục xuất, MBC cho hay.

Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định những người này chỉ “đi nhờ máy bay” của Đoàn Quốc hội Việt Nam:

“Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Số người bỏ trốn nêu trên không thuộc thành phần đoàn công tác của Chủ tịch Quốc hội mà chỉ tham gia diễn đàn và xin cho đi nhờ chuyên cơ. Tất cả ăn nghỉ sinh hoạt của đoàn này bên Hàn Quốc đều do Bộ Kế hoạch - đầu tư quản lý. Lúc về mới biết thiếu 9 người, chúng tôi đã chỉ đạo lập tức phải đi tìm và đưa số người này về. Từ đó đến nay chỉ tìm được 2 người, 7 người nữa vẫn đang quyết liệt đi tìm”, VTC dẫn lời ông Phúc cho hay.

Thêm vào đó, Tổng thư ký Quốc Hội nhấn mạnh những người bỏ trốn không thuộc thành phần ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao.

“Quá trình chuẩn bị phục vụ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội nước ta đến Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức diễn đàn nêu trên có liên hệ cho đoàn của họ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội và chúng tôi đã đồng ý. Những người này không thuộc thành phần đoàn thăm chính thức”, Tổng Thư ký Quốc Hội Nguyễn Hạnh Phúc bổ sung thêm.

Hiện cơ quan chức năng và dư luận rất muốn làm rõ danh tính của 9 đối tượng bỏ trốn nói trên, làm rõ thủ đoạn bỏ trốn ở nước ngoài và truy trách nhiệm cơ quan, cá nhân quản lý trực tiếp để xảy ra vụ việc.

Đặc biệt, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vẫn đang phối hợp để làm rõ, điều tra danh tính và mục đích các đối tượng bỏ trốn tại Hàn Quốc.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала