Quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ

© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVNKỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XIV: Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XIV: Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Theo đó, sẽ tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 với nam giới, 60 với nữ giới, đồng thời, sẽ không tăng giờ làm và người lao động Việt Nam sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ ngày Tết Độc lập.

Quốc hội thông qua tăng tuổi nghỉ hưu: 62 với nam giới, 60 với nữ giới

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 220 điều. Dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo tiếp thu, giải trình và Quốc hội thảo luận vào ngày 23.10.2019. Đã có 54 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và tranh luận.

Về cơ bản, ý kiến của các vị đại biểu phát biểu thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) (sau đây viết tắt là Bộ luật).

Nhà máy sản xuất may mặc gần Hà Nội, Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Tăng tuổi nghỉ hưu: Vì sao người lao động không đồng tình?

Trong phiên làm việc sáng 20.11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với 435/453 đại biểu tán thành (90%), 9 đại biểu không tán thành (1,86%) và 9 đại biểu không biểu quyết. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ được nâng lên 60 tuổi với nữ và 62 tuổi tới nam giới.

Thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi) và đặc biệt là tuổi nghỉ hưu (theo khoản 2 Điều 169) có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quy định theo Phương án 1 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Tuy nhiên, một số đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 2 và cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Có một số ý kiến đề nghị đối với lao động nữ thì tuổi nghỉ hưu chỉ đến 58 tuổi và cũng có ý kiến đề nghị đối với nhóm lao động trực tiếp và một số lao động đặc thù cần xem xét giữ như Bộ luật hiện hành.

© Ảnh : Lâm Khánh - TTXVNCác đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ - Sputnik Việt Nam
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong báo cáo thẩm tra của Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý Phương án 1 là:

“Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Bộ luật.

Việt Nam có thêm một ngày nghỉ dịp Quốc khánh 2/9

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật, Quốc hội đã cho các đại biểu bấm nút biểu quyết về một số nội dung quan trọng.

Ngoài vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, thể hiện ý kiến trước quy định tại Điều 112 về nghỉ Lễ, Tết có 452/455 đại biểu tán thành, tương đương 93,58%.

Theo đó, người lao động Việt Nam sẽ được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày, Tết Âm lịch 5 ngày, Ngày 30/4, Ngày 1/5, Quốc khánh nghỉ 2 ngày, Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân - Sputnik Việt Nam
Đề nghị làm rõ hậu quả đi kèm khi xóa tư cách cán bộ nghỉ hưu

Về thời giờ làm việc bình thường, Dự thảo quy định trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần, đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể, đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa tại Điều 107, có 433/453 (89,65%) đại biểu biểu quyết tán thành. Quy định này nêu rõ, việc đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm. Trên cơ sở đó, Quốc hội đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Trường hợp làm thêm 300 giờ/năm là các trường hợp lao động trong lĩnh vực: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm.

Về nghỉ lễ, Tết, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm và người lao động được phép hưởng nguyên lương. Trong đó, có ý kiến đề nghị nên chọn ngày nghỉ liền kề Ngày Quốc khánh 2.9 và cũng có ý kiến đề nghị chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28.6).

Quyển lịch - Sputnik Việt Nam
Việt Nam lựa chọn thêm một ngày nghỉ lễ

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 370/402 ĐBQH đồng ý bổ sung một ngày nghỉ thêm cho người lao động, được hưởng nguyên lương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nếu được Quốc hội quyết nghị bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm thì nên chọn ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2.9. Như vậy, ngày Quốc khánh người lao động sẽ được nghỉ hai ngày.

“Đây là ngày Tết Độc lập, cũng là dịp để người lao động có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 2/9, tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Đồng thời, đáp ứng được mong muốn của người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới”, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết.

Vậy nên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2.9 như đã được thể hiện trong dự thảo Bộ luật.

Về nghỉ trong giờ làm việc, người lao động làm việc trên 6 tiếng thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, ban đêm được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Nếu lao động làm việc theo ca thì thời gian nghỉ được tính vào giờ làm việc.

Người lao động làm việc theo ca được nghỉ 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác. Đồng thời, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2021.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về tăng độ tuổi nghỉ hưu

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, việc Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi có ý nghĩa rất lớn, rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển lực lượng lao động.

Bộ luật này có phạm vi tác động rất lớn, đến hàng chục triệu người lao động, gồm cả lực lượng ở khu vực chính thức và phi chính thức. Đặc biệt, lần sửa đổi này, phạm vi đối tượng càng mở rộng hơn nữa, áp dụng trong chừng mực ở khu vực phi chính thức.

Tiếp nữa, lần thông qua này có nhiều điểm mới, có tới hơn 10 điểm mới cho người lao động và gần 10 điểm mới với tổ chức, người đại diện.

© Ảnh : Trong Đức - TTXVNBộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo chí trong giờ nghỉ giải lao.
Quốc hội đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu, Việt Nam có thêm một ngày nghỉ lễ - Sputnik Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời phỏng vấn báo chí trong giờ nghỉ giải lao.

Trong những điểm đó, có những vấn đề có tính lịch sử, nhưng cũng có những nội dung tác động trong khoảng vài chục năm. Chẳng hạn vấn đề liên quan đến tổ chức đại diện tại cơ sở, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng chậm nhằm thực hiện đa mục tiêu, hay phát triển quan hệ lao động trong điều kiện kinh tế thị trường. Những vấn đề liên quan đến tiền lương, thương lượng hay phát triển cũng như tạo điều kiện cho thương lượng tập thể trong thời gian tới.

Bên cạnh đó là những vấn đề chúng ta đã cam kết trong các công ước quốc tế, hiệp định thương mại. Những cam kết đó nay được luật hóa để phù hợp với quy tắc quốc tế nhưng cũng phù hợp với Việt Nam.

Nói về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, mang tính chiến lược nhằm đón đầu thách thức già hóa dân số, cũng như hỗ trợ đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội, cân đối công ăn việc làm của người lao động, bảo toàn, phát triển quỹ bảo hiểm, giải quyết hài hòa bình đẳng và tiến tới giảm khoảng cách về giới. Những mục tiêu này bao trùm trong nhiều khía cạnh và tương đối toàn diện.

Chủ trương chung và Quốc hội kỳ này thống nhất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình tăng dần, bắt đầu từ 1/1/2021. Đến 2028, độ tuổi nghỉ hưu ở nam là 62. Trong khi đó, đến năm 2035, độ tuổi nghỉ hưu ở nữ là 60. Như vậy, lộ trình điều chỉnh sẽ là tăng dần đều, tăng chậm, theo nguyên tắc mỗi năm tăng 3 tháng với nam, và mỗi năm tăng 4 tháng với nữ.

Đầu xe ô tô 51B-402.70 biến dạng hoàn toàn sau vụ tai nạn.  - Sputnik Việt Nam
Ngày đầu nghỉ lễ Quốc khánh: hơn 20 người chết vì tai nạn giao thông

Tuy nhiên, đây mới là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho người lao động trong điều kiện bình thường,  với sức khỏe và hoàn cảnh công việc bình thường. Với người lao động nặng, trong môi trường độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn,… ta lại có lộ trình điều chỉnh hoàn toàn khác. Những đối tượng này được quyền nghỉ hưu sớm.

Theo đó, với 1810 ngành, nghề, lĩnh vực công việc được xếp vào diện nặng nhọc, độc hại và vùng khó khăn, ước tính sẽ có khoảng 3 triệu người lao động trong trường hợp này có quyền nghỉ hưu sớm 5 năm hoặc nhiều hơn.

Với lao động có trình độ cao, yêu cầu cho công việc đặt ra thì có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng không quá 5 năm. Những người này sẽ không làm công tác quản lý mà chuyển sang làm theo hướng chuyên gia.

Nói về quyền lợi của người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết:

“Xuyên suốt của Bộ luật là đề cao quyền tự quyết của người lao động, vai trò thương lượng của người lao động. Anh có quyền quyết định chọn việc làm và mức lương phù hợp.

Hai là tổ chức đại diện là người đứng ra cùng người lao động, đại diện thương lượng cho người lao động trong quá trình tổ chức có hoạt động, trong quá trình thực thi quyền của người lao động”.

Về quyết định bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng đánh giá đây là quyết định rất sáng suốt và có ý nghĩa thuyết phục khi chọn nghỉ thêm một ngày bên cạnh ngày Quốc khánh.

“Ngay từ đầu, bắt đầu xây dựng dự thảo thì Bộ Lao động và Chính phủ đã tiếp cận theo hướng bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ dành cho người lao động nhằm mục tiêu tăng cường, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi, nâng cao sức khỏe, có điều kiện quây quần ấm cúng bên gia đình…. Nhưng quan trọng hơn là thời điểm đó, ban soạn thảo và Chính phủ chọn bổ sung 1 ngày vì thực tế số ngày nghỉ lễ của ta còn thấp, khoảng giữa tháng 5 đến tháng 9 chưa có ngày nghỉ nào. Quá trình Quốc hội thảo luận dân chủ, khẳng định việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là cần thiết. Còn quyền quyết định cuối cùng là nghỉ ngày nào là quyền của Quốc hội và Chính phủ hoàn toàn ủng hộ việc này. ”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Dung, việc tổ chức nghỉ lễ sẽ giao cho chính phủ xem xét. Ví dụ, nếu ngày nghỉ trùng vào thứ Bảy thì cho nghỉ sớm, nếu trùng vào Chủ nhật thì cho nghỉ ngày tiếp theo, nhằm tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ liên tiếp 2-3 ngày.

Cô gái Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Chính thức đề xuất thêm một ngày nghỉ lễ 27-7

Cuối cùng, về điều chỉnh giờ làm, Bộ trưởng cho rằng, đây là vấn đề lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả chủ thể, đối tượng, từ người lao động đến cơ quan nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp,… Quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến cả tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách,… nên cần đánh giá toàn diện, khách quan, sâu sắc, đầy đủ. Vì vậy, Quốc hội thống nhất giao Chính phủ nghiên  cứu xem xét lộ trình đề xuất để Quốc hội giảm giờ làm ở thời điểm thích hợp. Vấn đề này Chính phủ sẽ xem xét đánh giá trên cơ sở từng giai đoạn cụ thể, sau đó trình Quốc hội xem xét.

“Tôi nghĩ có thể 2 hoặc 3 năm hoặc có thể dài hơn. Nếu có điều kiện cho phép thì làm sớm hơn. Chúng tôi cũng mong muốn nếu điều kiện kinh tế, xã hội tốt lên thì có thể giảm dần giờ làm việc bình thường càng sớm càng tốt”, Bộ trưởng Đào Nọc Dung cho biết.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала