Bộ Công an: CSGT tung quân, quyết xử lý tài xế say xỉn tất cả các ngày Tết

© Ảnh : Minh Đức -TTXVN CSGT huyện Hoa Lư kiểm tra nồng độ cồn của lái xe
 CSGT huyện Hoa Lư kiểm tra nồng độ cồn của lái xe - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Với phương châm đã uống rượu bia thì không lái xe, Bộ Công an yêu cầu lực lượng CSGT quyết thực hiện nghiêm Nghị định 100 về xử phạt các tài xế say rượu, vi phạm nồng độ cồn trong tất cả các ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không có ưu tiên hay ngoại lệ.

Bộ Công an: Xử nghiêm tất cả tài xế vi phạm nồng độ cồn, không nể nang

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019-NĐ-CP quy định xử phạt nghiêm minh những tài xế, lái xe say xỉn, vi phạm nồng độ cồn và có nguy cơ gây mất an toàn khi tham gia giao thông.

Liên quan đến Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, vừa qua Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý triệt để vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt, theo yêu cầu của Bộ Công an, các lực lượng CSGT và an ninh cần duy trì thực hiện nghiêm, xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các hành vi có nguy cơ gây tai nạn cao, kiên quyết xử phạt nghiêm minh, không nể nang, không có vùng cấm, tập trung cao điểm tất cả các ngày lễ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và trong suốt năm nay.

Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình cũng như tiến hành phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định.

Đáng chú ý, Bộ Công an nhấn mạnh, yêu cầu lực lượng CSGT, Thanh tra Giao thông tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ.

CSGT quyết xử lý tài xế say xỉn tất cả các ngày Tết

Những ngày vừa qua, việc Việt Nam đưa Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt và Luật phòng chống tác hại của rượu bia vào thực thi từ ngày 1.1.2020 vẫn đang là chủ đề bàn luận sôi nổi trong dư luận. Thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đồng loạt triển khai những giải pháp ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí truyền thông.

Cán bộ chiến sĩ CSGT Trạm Ql1A (Ninh Bình) kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe - Sputnik Việt Nam
Người dân được quay phim, ghi âm CSGT đang làm nhiệm vụ
Phát biểu về quan điểm ủng hộ Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ ban hành ngày 30.12.2019, nhiều chuyên gia và lãnh đạo chính quyền các cấp tin rằng tình hình trật tự an toàn giao thông đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, tai nạn giao thông đã giảm nhiều, đặc biệt là nhận được sự quan tâm, đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước. Có thể thấy, những quy định của pháp luật hiện hành phù hợp với thực tiễn, đi vào cuộc sống và thể hiện tính răn đe, giáo dục, tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, đặc biệt là giảm thiểu tai nạn giao thông do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, cũng như các hành vi vi phạm khác.

Ngoài những ý kiến ủng hộ Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100 của Chính phủ, không ít người cho rằng mức xử phạt hiện hành là quá nặng so với mức thu nhập bình quân của người dân. Nhất là trong dịp Têt Nguyên đán, trong không khí vui xuân, việc mời nhau ly rượu, cốc bia đầu xuân là hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên, phải làm sao để tránh bị lực lượng CSGT xử phạt là điều khiến nhiều người dân băn khoăn lo lắng.

“Bên cạnh việc xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông, lực lượng CSGT rất kiên quyết trong việc xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn và vi phạm ma túy khi điều khiển phương tiện”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông - Cục cảnh sát giao thông - Bộ Công an chia sẻ với Infonet cho hay.

Giao thông trên đường phố Hà Nội, Việt Nam - Sputnik Việt Nam
183 người tử vong vì TNGT trong 9 ngày nghỉ Tết
Theo thông tin mà Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông - Cục cảnh sát giao thông - Bộ Công an tiết lộ, tính riêng trong năm 2019 đã có hơn 182.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn bị xử lý, tính ra trung bình một ngày là gần 500 trường hợp vi phạm. Trước khi Luật Phòng chống tác hại rượu bia có hiệu lực, ngay từ đầu tháng 12/2019, lực lượng CSGT cũng đã thực hiện chuyên đề cao điểm xử lý những trường hợp vi phạm nồng độ cồn và ma túy.

“Xuyên suốt trong năm 2019 đến năm 2020, lực lượng CSGT tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn, đặc biệt dịp Tết Canh Tý và các lễ hội đầu xuân năm 2020”, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định.

Ngoài ra, Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông - Cục cảnh sát giao thông - Bộ Công an cũng nhắc lại, vừa qua Cục CSGT đã có chỉ đạo đến lực lượng trong ngành trên cả nước, gồm các đơn vị của phòng CSGT các tỉnh và Công an tuyến huyện tập trung tăng cường lực lượng, bố trí các phương tiện kiểm tra, đo nồng độ cồn, ra quân triển khai xử lý nghiêm túc các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đồng thời phối hợp với các lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy để kịp thời ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đối với vấn đề người dân rất quan tâm là có hay không hiện tượng tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông, Cục CSGT đã quán triệt tinh thần toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị thực hiện đúng quy trình nằm trong chỉ thị 01 của Bộ trưởng Bộ Công an, đảm bảo kiểm soát công khai minh bạch và phối hợp với các cơ quan để tuyên truyền tới người dân.

Đáng chú ý, để tránh phát sinh những vấn đề tiêu cực không mong muốn, trong quá trình thực thi nhiệm vụ kiểm tra các trường hợp vi phạm nồng độ cồn hay sử dụng ma túy, lực lượng cảnh sát giao thông cũng được yêu cầu phải có tác phong ứng xử, điều tiết thực hiện đúng nhiệm vụ, nghiêm chỉnh, tập trung đông lực lượng, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ.

© Ảnh : Doãn Tấn - TTXVNCảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên đường Đại Cồ Việt, Hà Nội
Bộ Công an: CSGT tung quân, quyết xử lý tài xế say xỉn tất cả các ngày Tết - Sputnik Việt Nam
Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trên đường Đại Cồ Việt, Hà Nội

Bên cạnh đó, người dân cần hiểu rằng, trong dịp Tết, sẽ không có chuyện ưu tiên bất cứ cá nhân nào, lực lượng CSGT ra quân đều đặn và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Trưởng phòng Tuyên truyền và Điều tra tai nạn giao thông - Cục cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật khuyến khích người dân cần nêu cao ý thức đã uống rượu bia là không lái xe để đảm bảo an toàn cho mình và người khác trong khi tham gia giao thông.

Cục CSGT lý giải việc tài xế phải thổi chung ống kiểm tra nồng độ cồn

Liên quan đến phản ánh của người dân khi lưu thông từ Nam Định về Hà Nội, khi lên nút giao Liêm Tuyền vào cao tốc Cầu Giẽ- Pháp Vân tất cả các phương tiện ô tô đều bị yêu cầu vào làn riêng để kiểm tra nồng độ cồn.

CSGT TP.HCM  - Sputnik Việt Nam
CSGT được dừng xe trong trường hợp nào?
Tài khoản Facebook P.N.T chia sẻ rằng, có hai đến ba CSGT cầm máy đo nồng độ cồn kiểm tra tất cả các tài xế, và điều đáng nói là tất cả lái xe đều phải sử dụng chung, thổi chung một ống thối máy đo nồng độ cồn. Người dân lo lắng, liệu như vậy có phải là rất mất vệ sinh và tăng khả năng lây bệnh truyền nhiễm hay không.

Lên tiếng về vấn đề này, trao đổi với truyền thông, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin đã yêu cầu các đơn vị có liên quan của Cục và CSGT Hà Nam tại khu vực anh P.N.T. phản ánh báo cáo.

“Theo báo cáo của các đơn vị thuộc Cục và CSGT Hà Nam, không có việc tài xế phải sử dụng, thổi chung vào một ống thổi của máy đo nồng độ cồn như phản ánh của người dân”, đại diện Cục CSGT phủ nhận phản ánh của người dân.

Theo lý giải của Cục CSGT, có thể người dân đã hiểu nhầm máy kiểm tra nồng độ cồn định tính mà CSGT sử dụng với máy kiểm tra định lượng dùng ống thổi cho các tài xế thổi vào.

© Ảnh : Minh Đức -TTXVNCSGT huyện Hoa Lư kiểm tra nồng độ cồn của lái xe
Bộ Công an: CSGT tung quân, quyết xử lý tài xế say xỉn tất cả các ngày Tết - Sputnik Việt Nam
CSGT huyện Hoa Lư kiểm tra nồng độ cồn của lái xe

Cụ thể, hiện nay, lực lượng CSGT đang thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn của tài xế theo hai bước định tính và định lượng. Đối với định tính, CSGT sẽ sử dụng máy đo nồng độ cồn định tính. Máy này, được gắn một phễu ở đầu. Khi kiểm tra, tài xế không cần thổi mà chỉ cần nói chuyện với CSGT hoặc nói 1,2,3 vào máy là có thể xác định được trên xe có cồn hay không. Máy này rất nhạy bén, một số trường hợp lái xe không sử dụng rượu, bia nhưng vẫn báo “có cồn” là vì trên xe có người đã sử dụng. Do vậy, lái xe ô tô thường được kiểm tra thêm một lần nữa bằng cách thổi vào máy đo cồn định lượng để xác định chính xác là có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.

“Máy đo nồng độ cồn định lượng này sẽ có ống thổi để tài xế thổi vào đó và ống thổi này được thay sau mỗi lần kiểm tra, không có chuyện, một ống dùng cho nhiều người nên người dân hoàn toàn yên tâm, không cần lo lắng lây bệnh khi thổi nồng độ cồn”, đại diện Cục cho biết.

Cục CSGT đồng thời cũng khẳng định sẵn sàng tiếp thu các ý kiến của người dân về hoạt động của lực lượng để có sự chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu có bất cứ vấn đề gì.

CSGT - Sputnik Việt Nam
Bộ Công an Việt Nam sẽ trang bị súng tiểu liên cho CSGT?
Nghị định 100/2019/NĐ-CP là văn bản thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 1.1.2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông. Điểm cần lưu ý trong Nghị định mới này chính là việc tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Trong khi đó, tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.

Đặc biệt, không chỉ tài xế lái xe điều khiển xe máy hay ô-tô, tàu mới bị kiểm tra, xử lý. Điểm mới được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP là kể cả người đi xe đạp uống rượu bia cũng bị xử phạt.

Theo Nghị định, nếu điều khiển xe trên đường người điều khiển xe đạp, xe thô sơ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở vi phạm sẽ bị phạt từ 400-600 ngàn đồng.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала