Việt Nam phản đối Trung Quốc lên LHQ về Biển Đông: Bộ Ngoại giao lên tiếng

© Ảnh : Dương Giang - TTXVNNgười Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chủ trì họp báo.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chủ trì họp báo. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Trong buổi họp báo thường kỳ bằng hình thức trực tuyến của Bộ Ngoại giao, chiều 9 tháng 4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng bình luận việc Việt Nam gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc nêu rõ lập trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích chính đáng của Hà Nội trên Biển Đông.

Theo đó, Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982.

Việt Nam cũng phản hồi thông tin Trung Quốc chuẩn bị đưa thủy phi cơ cỡ lớn AG600 ra Biển Đông.

Việt Nam lên tiếng về công hàm phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc

Chiều 9/4, trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, yêu cầu bình luận việc Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc lên Tổng Thư ký LHQ liên quan vấn đề chủ quyền Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tái khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, như đã đồng thuận và thể hiện rất rõ trong Công ước Quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982.

Tàu Jinggangshan của Trung Quốc ở Biển Đông. - Sputnik Việt Nam
Biển Đông và Covid-19: Xung đột mới giữa Việt Nam và Trung Quốc

Phóng viên một số hãng thông tấn đặt vấn đề, trước đây, Việt Nam nhiều lần cho biết, không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc liên quan đến những đòi hỏi về chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời đề nghị người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết về tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý của Việt Nam.

Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc sau khi Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày 30/3/2020 đã gửi Công hàm phản đối hai công hàm nhận chủ quyền của Trung Quốc tới Tổng thư ký Liên hợp quốc hay không, phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận trong nước và quốc tế.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đều theo “con đường đối thoại hòa bình”, trên cơ sở luật pháp quốc tế và thái độ tôn trọng lẫn nhau.

“Việc lưu hành công hàm tại Liên Hiệp Quốc là bình thường, thể hiện lại lập trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam. Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
“Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển được xác định theo Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về luật Biển 1982”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Việt Nam bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Trước đó, Ngày 30/3, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm lên LHQ, phản hồi hai công hàm mà Trung Quốc đưa ra ngày 23/3 và ngày 12/12/2019.

Cụ thể, công hàm mà Phái đoàn thường trực của Việt Nam gửi lên Tổng Thư ký LHQ cho biết, liên quan đến Công hàm số CML/14/2019 ngày 12/12/2019 và nhằm phản hồi đệ trình cùng ngày của Malaysia gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa, Công hàm số CML/11/2020 ngày 23/3/2020 của Phái đoàn thường trực nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Việt Nam bày tỏ lập trường nhất quán phản đổi quan điểm của Trung Quốc về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Tranh chấp ở Biển Đông: Việt Nam phản đối Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc

Trước đó, hôm 23 tháng 3, Trung Quốc cũng đã gửi công hàm lên LHQ phản hồi tài liệu đệ trình của phía Philippines. Theo đó, Bắc Kinh khẳng định: Có chủ quyền vào quần đảo Nam Sa và vùng biển gần kề, có chủ quyền cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan, với đáy biển và lòng đất. Trung Quốc cũng nhấn mạnh, mình có “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông và có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo bấy lâu nay.

Ngoài ra, trong công hàm phản hồi tài liệu của Malaysia ngày 12/12/2019, Trung Quốc cho biết nước này “có chủ quyền” với các quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa, (trong đó, quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam)”. Cũng giống như phản hồi tài liệu của Philippines, chính quyền Trung Quốc tiếp tục nhắc đến cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông.

Trong Công hàm mà Phái đoàn Thường trực của Việt Nam gửi lên LHQ, Hà Nội khẳng định những lập trường đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ tuyên bố nhiều lần trước đây về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

“Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại các Công hàm trên. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông”, Công hàm của Việt Nam nhấn mạnh.
“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại LHQ khẳng định.

Việt Nam khẳng định Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Một ngư dân trên bờ biển làng  Kê Gà ở Việt Nam  - Sputnik Việt Nam
Mỹ quan tâm đến việc vụ tàu đánh cá Việt Nam bị chìm ở Biển Đông

Theo đó, Hà Nội nêu rõ, vùng biển của các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121 (3) của Công ước; các nhóm đảo tại Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không có đường cơ sở được vẽ bằng cách nối liền các điểm ngoài cùng của các cấu trúc xa nhất, các bãi ngầm, hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không phải là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng.

“Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử, các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý. Lập trường nhất quán của Việt Nam về các vấn đề nêu trên đã được khẳng định trong nhiều văn bản lưu hành tại Liên Hợp Quốc và các đệ trình, tuyên bố gửi các cơ quan quốc tế liên quan”, Công hàm khẳng định.

Với những cơ sở này, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đề nghị Tổng Thư ký Antonio Guterres lưu hành Công hàm này đến tất cả các quốc gia thành viên Công ước, cũng như tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc.

Việt Nam bình luận việc Trung Quốc sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra Biển Đông

Cũng tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9/4, liên quan tới thông tin Trung Quốc chuẩn bị đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, để duy trì nền hòa bình chung của khu vực, mỗi quốc gia cần nỗ lực đóng góp vào lợi ích chung và thể hiện trách nhiệm của mình.

“Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng bày tỏ.

Đại diện Bộ Ngoại giao cũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định, hợp tác vào mục tiêu nói trên.

Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Mèo vờn chuột: Trung Quốc và Mỹ liên tục dằn mặt nhau trên Biển Đông

Trước đó, hôm 6 tháng 4, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin cho biết, Bắc Kinh dự kiến đưa thủy phi cơ đổ bộ cỡ lớn AG600 đang trong quá trình tinh chỉnh, tối ưu hóa thiết kế tại thành phố Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc ra Biển Đông, cụ thể là sẽ có chuyến bay đầu tiên từ Chu Hải.

Đồng thời, ông Lục Dương, Phó giám đốc dự án AG600 tại Kinh Môn khẳng định, thủy phi cơ AG600 sẵn sàng cho các chuyến bay thử nghiệm trong năm nay.

AG600 là thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Tập đoàn Công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) thiết kế và sản xuất, sau gần 8 năm nghiên cứu. Bắc Kinh từng không ít lần tự hào khi AG600 xô đổ kỷ lục của ShinMaywa US-2 Nhật Bản và Beriev Be-200 Nga để trở thành thủy phi cơ lớn nhất thế giới, với chiều dài thân máy là 39,3 m, sải cánh là 38,8 m, đường bay tối đa là 4.500 km.

Dù Trung Quốc luôn “rao giảng” khẳng định AG600 sẽ chỉ được phục vụ công tác cứu hỏa cháy rừng và cứu hộ trên biển, cũng như hỗ trợ cho việc phát triển, khai thác, thăm dò tài nguyên biển, tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế và giới quan sát cho rằng, dễ dàng nhận thấy mưu đồ của Bắc Kinh thâm sâu hơn rất nhiều.

AG600 liên tiếp thực hiện bay thử nghiệm thành công cho thấy thủy phi cơ này đã sẵn sàng hoạt động và chắc chắn là sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự.

Theo Xinhua, dự án tham vọng này của Trung Quốc sẽ chính thức vận hành vào năm 2022.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала