Đường Nhuệ được một số lãnh đạo Công an thành phố Thái Bình chống lưng?

© Ảnh : Lê Hương/ Tuổi TrẻVợ chồng Dương Đường trong một sự kiện trước đây
Vợ chồng Dương Đường trong một sự kiện trước đây - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Có hay không việc một số lãnh đạo Công an Thành phố Thái Bình có chống lưng cho đại gia Đường Nhuệ? Để đến cả cán bộ Công an cũng phải kêu cứu vì gia đình bị nhóm giang hồ của đại gia Nguyễn Xuân Đường ức hiếp và hãm hại phải ngồi tù?

Anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ Công an Phường Phúc Khánh đã gửi đơn tố cáo đích danh một số người là lãnh đạo Công an TP.Thái Bình với hành vi chống lưng, bảo kê cho băng nhóm Đường Nhuệ.

Liên quan vụ án này, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Phó Trưởng Ban Dân Nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, cần điều tra làm rõ những hành vi sai trái của nhóm giang hồ Đường Nhuệ, nếu chính quyền và Công an tỉnh Thái Bình chưa thể làm rõ thì cần có Bộ Công an, các cơ quan Trung ương vào cuộc điều tra đến cùng, trả lời dư luận và nhân dân về việc có hay không nhóm lợi ích hay những người đứng sau bảo kê, bao che, chống lưng để vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương tha hồ lộng hành.

Đồng thời, tối 16/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam 4 nghi can để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thái Bình: Bắt 4 nghi can là cán bộ, nhân viên liên quan đến vụ Đường Nhuệ

Công an tỉnh Thái Bình có thông cáo báo chí tối ngày 16 tháng 4 cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam cũng như khám xét chỗ ở nơi làm việc đối với 4 nghi can là cán bộ, nhân viên thuộc cơ quan ban ngành của tỉnh, cụ thể là Sở Tư pháp và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thái Bình.

“Căn cứ kết quả điều tra đối với Nguyễn Xuân Đường, Nguyễn Thị Dương, ngày 16/4 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở, chỗ làm việc để điều tra hành vi có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 1 điều 356 Bộ luật hình sự”, Thượng tá Nguyễn Quốc Vương, Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Thái Bình cho biết.

Bốn bị can vừa bị bắt bao gồm: Phạm Văn Hiệp, sinh năm 1984, trú tại tổ 36, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Ông Hiệp là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình;

Đường Nhuệ và vợ là Nguyễn Thị Dương. - Sputnik Việt Nam
Giám đốc Công an Thái Bình lên tiếng vụ bảo kê, chống lưng vợ chồng đại gia Đường Nhuệ

Vũ Gia Thành, sinh năm 1977, trú tại tổ 7, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Ông Thành là đấu giá viên Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thái Bình thuộc Sở Tư pháp Thái Bình;

Trịnh Thị Minh Thúy, sinh năm 1970, trú tại tổ 5, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. Bà Thúy là Trưởng phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình;

Hà Văn Dũng, sinh năm 1984, trú tại tổ 9, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. Ông Dũng là nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất và kỹ thuật tài nguyên, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Thái Bình.

Theo Công an tỉnh Thái Bình, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.

“Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tiếp tục điều tra vụ án theo quy định của pháp luật”, thượng tá Vương cho biết.

Vụ Đường Nhuệ: Đánh người ngay trụ sở công an mà sao lại không biết bị can?

Trước đó, qua quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, ngày 14/4, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã ra Quyết định phục hồi điều tra vụ án số 01, đồng thời hủy Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự số 10 ngày 5/7/2015 của Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đối với vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, xảy ra ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm để điều tra.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Sputnik Việt Nam
Ăn tiền cả trên xác chết: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lên tiếng vụ Đường Nhuệ

Thượng tá Nguyễn Quốc Vương - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Thái Bình cho biết, hiện Công an tỉnh đang theo dõi sát sao vụ việc, cũng như chỉ đạo Công an thành phố Thái Bình phối hợp chặt chẽ cùng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố tập trung điều tra, xử lý vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Tài liệu điều tra bước đầu ghi nhận, nạn nhân trong vụ án này là bà Đinh Thị Lý (56 tuổi, trú tại đường Lý Thường Kiệt, phường Trần Lãm, TP Thái Bình) và con trai là Mai Thế Duy (33 tuổi, bị thương tích với tỉ lệ 15%).

Nhận được thông tin trên, bà Đinh Thị Lý tỏ ra vui mừng, cho rằng đây là kết quả và cũng là tia hi vọng để gia đình bà tìm được công lý sau nhiều năm trời kiên trì chạy vạy khắp nơi kêu cứu, gửi đơn tố cáo đến các cấp, ngành khác nhau.

Bà Đinh Thị Lý cho biết, trước ngày xảy ra sự việc bà đã gọi điện cho Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) để đề nghị người này bảo “đàn em” mang trả lại chiếc xe máy đã lấy cắp của gia đình. Bà Lý cho biết, qua hình ảnh trích xuất từ camera bà nhận ra người lấy chính là đàn em của Đường Nhuệ.

Ngay sau đó, nhà bà Lý bị một nhóm người lạ mặt xăm trổ kéo đến dọa dẫm, chửi rủa. Bà phải gọi điện trình báo Công an phường Trần Lãm và Cảnh sát 113 đến để giải cứu, yêu cầu nhóm người này rời khỏi.

“Khi lực lượng công an đến thì họ rút ra nhưng suốt đêm đó vẫn đứng bên ngoài chửi bới, thỉnh thoảng còn ném đồ vật vào nhà tôi. Nhiều người hàng xóm không hiểu chuyện nghĩ gia đình tôi lừa đảo tiền bạc gì của người ta nên mới bị như vậy”, bà Lý chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Ngày 18/11/2014, khi bà Lý cùng con trai là anh Mai Thế Duy chuẩn bị đến Công an phường Trần Lãm để trình báo việc mất xe máy thì một người phụ nữ có mâu thuẫn chuyện tiền bạc với bà từ trước cũng xuất hiện, đồng thời đề nghị cùng đi lên Công an phường để giải quyết.

“Bản chất tôi và người phụ nữ kia mâu thuẫn chuyện tiền bạc tại Hà Nội chứ không liên quan gì ở Thái Bình. Tôi cũng không có nợ nần gì người ta và cũng chưa từng quen biết Đường Nhuệ nhưng không hiểu vì sao họ lại đến đe dọa, bắt tôi phải trả nợ. Hôm tôi và con trai lên Công an phường thì họ cũng đi theo”, bà Lý nói.

Khoảng 7h ngày 18/11/2014, khi đến phòng tiếp dân của Công an phường Trần Lãm, bà Lý thấy có một cán bộ công an đang trực tại đây. Sau đó ít phút, người này ra khỏi phòng và Đường Nhuệ cùng đàn em giang hồ từ bên ngoài đi vào.

“Khi cánh cửa phòng tiếp dân của Công an phường được khép lại thì Đường Nhuệ cùng đàn em ở bên trong lại chửi bới, dọa sẽ giết cả nhà rồi ngang nhiên hành hung mặc chúng tôi kêu cứu”, bà Lý nhớ lại.

Hậu quả vụ việc, anh Duy bị đánh vỡ xương hàm mặt phải mổ và phẫu thuật đóng đinh. Trưng cầu giám định pháp y cho thấy anh Duy bị thương tật 15%.

Bà Lý cho biết, một ngày sau buổi ra phường, nhà bà lại bị băng nhóm trên chửi rủa, đập phá camera.

© Ảnh : Quang Thể/ Tuổi TrẻBà Lý và con là anh Mai Thế Duy (33 tuổi, với tỉ lệ thương tật 15%) tố cáo sau khi bị Đường Nhuệ đánh khiến anh phải nhập viện
Đường Nhuệ được một số lãnh đạo Công an thành phố Thái Bình chống lưng? - Sputnik Việt Nam
Bà Lý và con là anh Mai Thế Duy (33 tuổi, với tỉ lệ thương tật 15%) tố cáo sau khi bị Đường Nhuệ đánh khiến anh phải nhập viện

Công an TP Thái Bình sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vào ngày 5/1/2015. Tuy nhiên, 6 tháng sau (tức ngày 5/7/2015), Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự trên với lý do “chưa xác định được bị can trong vụ án” và “đã hết thời hạn điều tra”.

Đáng chú ý, Quyết định này được ký bởi thiếu tá Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình khi đó.

“Sự việc có các nhân chứng, vật chứng rõ ràng và còn xảy ra ngay tại trụ sở Công an phường Trần Lãm nhưng cơ quan điều tra không tổ chức thực nghiệm hiện trường mà vội vàng kết luận chưa xác định được bị can trong vụ án là quá vô lý. Phải chăng có dấu hiệu bao che, dung túng cho tội phạm?”, bà Lý đặt câu hỏi.

Được biết, hơn 5 năm qua, bà Lý đã gửi đơn kiến nghị, kêu cứu đến rất nhiều cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương nhằm bảo vệ quyền lợi cho mẹ con mình.

Đường Nhuệ đánh người tại trụ sở, cựu Trưởng Công an phường lại không biết

Liên quan tới vụ việc, ông Nguyễn Công Tản – nguyên Trưởng Công an phường Trần Lãm cho biết, vụ án trên đã xảy ra từ nhiều năm trước, bản thân ông cũng không nhớ chi tiết cụ thể.

Ông Tản cho biết, khi đó, ông đã có báo cáo gửi Công an thành phố Thái Bình. Ông cũng yêu cầu phóng viên liên hệ Trung tá Cao Giang Nam – Phó trưởng Công an thành phố Thái Bình để xin báo cáo ông từng viết nhiều năm trước.

Ban giám đốc Công an tỉnh Thái Bình động viên cán bộ, chiến sĩ khám phá các vụ án - Sputnik Việt Nam
Lãnh đạo và Công an Thái Bình lên tiếng vụ bảo kê vợ chồng đại gia Đường Nhuệ

Về việc bà Lý cho rằng, bà đã hô hoán công an can thiệp lúc bị Đường Nhuệ hành hung, tuy nhiên không ai có động thái gì, ông Trần Lãm phủ nhận:

“Kêu cứu là của bà Lý nói, còn thực sự không có việc đó xảy ra. Thời điểm đó, chúng tôi đang giao ban trên tầng nên không nắm được gì. Khi chúng tôi xuống, bà Lý nói con của bà bị Nguyễn Xuân Đường và nhiều “tay chân” đánh. Việc bà Lý kêu cứu sau khi mở cửa là không có. Tại đơn vị, nếu giả sử chúng tôi biết mà không can thiệp thì khác nhưng chúng tôi không biết việc đó. Cả một đơn vị mà việc xảy ra như vậy chúng tôi biết nhưng không có ý kiến gì là hoàn toàn không đúng”, nguyên Trưởng công an phường Trần Lãm trần tình.

Khi được hỏi về việc,  phải chăng Đường Nhuệ và đàn em đã rời hết khỏi trụ sở khi ông Tản họp giao ban xong từ trên tầng đi xuống, ông trả lời dứt khoát:

“Việc đó tôi không quan tâm. Liên quan việc đó cứ gặp anh Nam, Phó trưởng Công an TP Thái Bình trả lời, cần thiết xin báo cáo của tôi để nghiên cứu”.

Ông cũng phủ nhận việc ông đứng ra đề nghị giảng hòa giữa bà Đinh Thị Lý và Đường “Nhuệ” sau vụ việc.

Ông Tản lý giải, Công an TP Thái Bình sau khi được báo cáo đã tiếp cận hồ sơ vụ việc, tiếp cận các bên liên quan, đồng thời đưa con trai bà Lý là anh Mai Thế Duy đi giám định thương tích, phải 5-7 ngày sau mới có kết quả.

“Không có chuyện tôi đứng ra giảng hòa, tôi có được làm việc đó đâu. Công an TP Thái Bình yêu cầu làm gì chúng tôi làm đó vì xảy ra ở đơn vị tôi. Đó là nguyên tắc điều tra và làm việc. Liên quan cán bộ, đơn vị tôi thì cán bộ Công an thành phố giải quyết mới khách quan được”, ông Tản nhấn mạnh.

Về phần mình, Trung tá Cao Giang Nam – Phó Trưởng Công an TP Thái Bình chỉ nói ngắn gọn rằng, trước đây Cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án, tuy nhiên sau đó do chưa đủ cơ sở nên đã tạm đình chỉ, khi nào có đủ cơ sở sẽ tiếp tục xử lý.

Cán bộ công an cũng kêu cứu: Có lãnh đạo Công an thành phố Thái Bình chống lưng?

Không chỉ với trường hợp mẹ con bà Lý, anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ Công an Phường Phúc Khánh (TP.Thái Bình) cũng đã nhiều lần gửi đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp đến cơ quan chức năng về những hành vi của băng nhóm Đường Nhuệ từ năm 2017 đến nay.

“Tôi là cán bộ công an nên luôn chấp hành chủ trương kỷ luật của đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng trong vụ việc này tôi buộc phải đứng đơn để tố cáo. Mình không bảo vệ được người thân của mình thì sao bảo vệ được người dân”, anh Hà thông tin với Thanh Niên cho biết.

Theo đó, đầu năm 2017 bố mẹ anh là Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết (tức ông bà Nguyễn Văn Lẫm -  Nguyễn Thị Quyết) có vay của vợ chồng Đường “Nhuệ” 1,7 tỷ đồng, với lãi suất 2.000 đồng/triệu/ngày. Tuy nhiên, do việc kinh doanh gặp khó khăn nên ông bà Lẫm đã xin Đường Nhuệ cho trả dần.

Chiều 3/10/2017, Đường Nhuệ đã dẫn theo hàng chục đàn em mang hung khí tới chiếm giữ trụ sở Công ty Lâm Quyết. Hôm sau, đàn em Đường Nhuệ cũng đuổi hết công nhân của công ty tới làm việc.

Ông Lẫm sau đó đã gọi điện thoại trình báo Công an TP.Thái Bình. Chiều 4/10/2017, công an địa phương cùng cán bộ Công an TP.Thái Bình tới lập biên bản với nội dung trục xuất những người lạ mặt (tức đàn em Đường “Nhuệ”) ra khỏi trụ sở công ty, bàn giao nhà xưởng cho hai người chú của anh Hà trông coi. Mặc dù vậy, theo anh Hà, việc trục xuất chỉ là trên giấy tờ, trong khi thực tế đàn em của Đường Nhuệ vẫn tiếp tục chiếm giữ doanh nghiệp.

“Những ngày sau đó, Đường Nhuệ liên tục gọi điện đe dọa, bức ép bố mẹ tôi phải bán lại công ty để trừ nợ, nếu không thì trốn đi chứ về Thái Bình gặp ở đâu chúng đánh ở đó, sẵn sàng cho đàn em đánh, giết rồi sau đó nuôi ăn, ở trong tù”, anh Hà kể và cung cấp đoạn chứng thực sự việc trên.

Anh Hà cho biết, bằng nhóm của Đường Nhuệ chỉ chịu rút khỏi công ty sau gần 20 ngày chiếm đóng sau khi gia đình anh tố cáo nhiều nơi. Những kẻ giang hồ thậm chí còn đập phá nhà xưởng, cho người cướp đi toàn bộ máy móc công cụ sản xuất đồ gỗ và các thành phẩm của công ty trước khi rời khỏi.

“Hành vi của nhóm Đường Nhuệ đã đẩy doanh nghiệp của bố mẹ tôi vào đường cùng, không thực hiện tiếp các hợp đồng kinh tế đã ký kết, đồng thời đẩy 27 lao động của công ty mất việc, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng”, anh Hà chia sẻ.

Gia đình ông Lẫm sau đó đã tiếp tục tố cáo hành vi chiếm giữ, đập phá, lấy tài sản của doanh nghiệp tới các cơ quan tố tụng.

Trụ sở Công ty TNHH Đường Dương của vợ chồng Đường Nhuệ  - Sputnik Việt Nam
Ai chống lưng, bảo kê cho vợ chồng đại gia Đường Nhuệ?

Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng điều tra, ngày 29/3/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình kết luận rằng: “Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết”. Cơ quan này cũng đồng thời ra quyết định không khởi tố vụ án với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.

Đến tháng 4.2018, khi còn đang trong quá trì tố cáo về hành vi của nhóm Đường Nhuệ lên cấp cao hơn thì ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tháng 6 năm 2019, ông Lẫm, bà Quyết bị tuyên phạt lần lượt 14 và 13 năm tù.

“Bố mẹ tôi bị khởi tố, kết tội vì liên quan đến việc vay nợ của người khác. Một sự việc dân sự thì họ biến thành hình sự, trong khi sự việc của gia đình đang là hình sự lại xác định không có dấu hiệu tội phạm”, anh Hà bức xúc.

Theo anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ Công an Phường Phúc Khánh (TP.Thái Bình, bản thân anh đã gửi đơn tố cáo đích danh một số người là lãnh đạo Công an TP.Thái Bình với hành vi “chống lưng” cho băng nhóm Đường Nhuệ.

Bộ Công an phải làm tới cùng ai bao che, bảo kê cho Đường Nhuệ

Liên quan đến vụ án điều tra vợ chồng đại gia Đường Nhuệ của Công an tỉnh Thái Bình, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa chia sẻ với báo giới cho biết, thời gian qua, báo chí và dư luận xã hội phản ánh hàng loạt khuất tất trong hoạt động của băng nhóm Đường Nhuệ cùng những mập mở trong đấu giá đất đai, cho vay nặng lãi, bảo kê, thâu tóm đất vàng, dịch vụ mai táng suốt một thời gian dài.

Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an - Sputnik Việt Nam
4 kiến nghị của Tướng Lê Văn Cương khi đưa công an chính quy về xã

Ông Phạm Văn Hòa cũng nêu vấn đề, tại Thái Bình, vì sao ổ nhóm tội phạm của Đường Nhuệ đã tồn tại, lộng hành suốt hơn 10 năm qua nhưng lại không hề bị xử lý dù có nhiều đơn thư tố cáo đến vậy.

Ở đây, liệu có dấu hiệu bảo kê, chống lưng cho sai phạm hay nhóm lợi ích hay không? Cơ quan chức năng cần điều tra làm rox, sớm trả lời thắc mắc của dư luận nhân dân.

“Băng nhóm của vợ chồng Đường Nhuệ thực hiện hành vi sai phạm kéo dài như thế mà tại sao cơ quan chức năng lại bỏ qua, tới giờ này vẫn còn tồn tại? Cơ quan chức năng của Thái Bình phải vào cuộc quyết liệt. Nếu có những dấu hiệu sai phạm, chống lưng như dư luận phản ánh thì phải xử lý nghiêm, dù đó là ai, ở cương vị nào”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh nếu ở cấp sở, địa phương chưa đủ thẩm quyền để xử lý thì Bộ Công an cần vào cuộc để đấu tranh với nhóm tội phạm trong vụ án này.

Đồng quan điểm này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an trước đó cũng chia sẻ trước hết, bộ máy của tỉnh, từ Kiểm tra, Thanh tra cho tới Công an, phải phối hợp, vào cuộc để xem có ai chống lưng cho băng nhóm này không, công khai kết quả cho gần 2 triệu người dân Thái Bình và 100 triệu dân Việt Nam được biết.

“Ông Bí thư và Chủ tịch UBND TP.Thái Bình có đáng bị xử lý kỷ luật không, khi trong phạm vi đơn vị hành chính mình quản lý lại để cho băng nhóm xã hội đen lộng hành như vậy?”, Thiếu tướng Lê Văn Cương nêu vấn đề, đồng thời đề nghị các cơ quan Trung ương như Ủy ban Kiểm tra, Ban Nội chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cần tổ chức kiểm tra đánh giá sự việc ở Thái Bình cũng như yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình báo cáo chỉ đạo làm rõ sự việc.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng phụ trách công tác phòng chống tội phạm, đồng thời cho rằng, phải làm sâu sát, làm rõ, đầy đủ vụ việc Đường Nhuệ theo phản ánh của người dân từ trước tới nay chứ không chỉ có vụ đánh người gây thương tích.

“Phải kiểm điểm lại xem từ trước tới nay có phải đã có thông tin tố giác tội phạm mà cơ quan công an không làm, thì phải xem xét trách nhiệm của những người lãnh đạo tại thời điểm đó”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала