Việt Nam đang chạy đua để không có ca tử vong vì Covid-19

© Ảnh : Minh Quyết - TTXVN Bệnh nhân công bố khỏi bệnh ngày 18/5/2020
 Bệnh nhân công bố khỏi bệnh ngày 18/5/2020 - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Bộ Y tế Việt Nam chiều 19/5 cho biết, cả nước không ghi nhận ca mắc coronavirus mới nào, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 vẫn là 324 trường hợp. Đồng thời, Việt Nam đã có 264 bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19.

Liên quan đến bệnh nhân số 315, người đàn ông 39 tuổi nhập cảnh vào Việt Nam ở Tây Ninh và không có giấy tờ hợp pháp, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh nhấn mạnh, Việt Nam chưa hề khẳng định bệnh nhân này nhiễm Covid-19 khi đang ở Campuchia.

Về sức khỏe bệnh nhân số 91, Tiểu Ban Điều trị cho biết, tình trạng đông đặc phổi của nam phi công người Anh đã có cải thiện và kết quả xét nghiệm tại 2 đơn vị đều đã có 5 lần âm tính liên tục với virus SARS-CoV-2. Mặc dù bệnh nhân còn nặng, tiên lượng dè dặt nhưng đã có những dấu hiệu cải thiện – có ánh sáng phía cuối đường hầm. Việt Nam vẫn đang nỗ lực để không có ca tử vong vì Covid-19.

Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới

Theo bản tin chiều 19/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Việt Nam hôm nay không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới. Kể từ thời điểm ngày 16 tháng 4 đến hôm nay đã tròn 33 ngày cả nước không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, qua đó bảo vệ được thành quả bước đầu trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh do coronavirus.

Về tình hình điều trị, Bộ Y tế cho hay, có thêm một bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 từ Bệnh viện Dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh hôm 14/4. Đây là ca tái dương tính sau khi đã nhiều lần âm tính và được công bố xuất viện trước đó.

Một số công dân trang bị rất đầy đủ đồ bảo hộ. - Sputnik Việt Nam
Chống Covid-19 hiệu quả: Việt Nam tặng kit xét nghiệm coronavirus cho nhiều nước
Cụ thể, theo Bộ Y tế, bệnh nhân số 92 này là nam thanh niên 21 tuổi. Quá trình điều trị và theo dõi tại bệnh viện, ca bệnh này được xét nghiệm và cho kết quả âm tính với coronavirus liên tục từ ngày 30/4/2020 đến ngày 13/5/2020.

Tuy nhiên, để đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, nam bệnh nhân số 92 này vẫn sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho hay, tính đến thời điểm này, với 264/324 bệnh nhân nhiễm nCoV bình phục, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 81% số ca nhiễm SARS-CoV-2.

Bộ Y tế cũng cho biết, tính đến chiều ngày 19 tháng 5, trong số các ca bệnh đang được điều trị, đã có 2 trường hợp âm tính lần đầu với Covid-19. Trong khi đó, có 6 bệnh nhân đã âm tính lần thứ hai với SARS-CoV-2.

Về số người cách ly, theo dõi sức khỏe trên cả nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 thông tin cho biết, hiện Việt Nam chỉ còn 11.326 người trong diện theo dõi. Trong đó có 302 trường hợp được cách ly tập trung ở bệnh viện, ở các cơ sở khác là 8.929 người và tại nhà/nơi lưu trú là 2.095 trường hợp.

Phi công người Anh đã 5 lần âm tính, khi nào được ghép phổi?

Theo báo cáo của Tiểu Ban điều trị, Bộ Y tế, chiều nay 19/5, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 các chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam trong Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế cùng các bác sĩ hàng đầu về tim mạch lồng ngực, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, hô hấp đã cùng thảo luận, hội chẩn với các điểm cầu như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế về tình hình sức khoẻ của bệnh nhân 91, nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM báo cáo tại buổi hội chẩn chiều nay cho biết tình hình sức khỏe của nam bệnh nhân nhiễm coronavirus nặng nhất Việt Nam đến thời điểm này. Theo đó, hiện bệnh nhân không sốt, đã sử dụng ECMO 43 ngày.

Trường THCS Quảng Minh, Việt Yên, Bắc Giang tiến hành phun hóa chất khử trùng toàn bộ trường học trước khi đón học sinh trở lại.  - Sputnik Việt Nam
Các chuyên gia hội chẩn liên viện đánh giá khả năng ghép phổi cho phi công người Anh
Điểm đáng mừng là kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của bệnh nhân hiện nay tất cả đều âm tính, xét nghiệm lại tại Viện Pasteur cũng cho kết quả tương tự. Đến nay, bệnh nhân 91 đã có 5 lần liên tiếp kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona (11 ngày liên tục âm tính) và đã ngừng dẫn lưu màng phổi.

Tuy nhiên kết quả nuôi cấy virus bất hoạt của bệnh nhân vẫn chưa có, bác sĩ vẫn đang chờ đợi để thực hiện các bước tiếp theo.

Báo cáo nêu tại buổi hội chẩn cũng khẳng định, tình hình nhiễm trùng của bệnh nhân đã được khống chế tương đối và tạm ổn bằng sử dụng kháng sinh. Hiện tại phổi của bệnh nhân tương đối cải thiện, phổi đã giảm đông đặc, tỷ lệ còn gần 80% so với trước đó là 90%.

Về hiện trạng sức khỏe của nam phi công người Anh, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, tình trạng tràn dịch màng phổi của bệnh nhân hiện vẫn còn, so với các lần trước không thay đổi nhiều. Kết quả chụp CT não không thấy tổn thương nghi ngờ nhồi máu, xuất huyết não.

Phát biểu chiều nay, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng nhấn mạnh, ngày 18/5, theo kết quả họp của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại cơ quan này cho biết, nếu kết quả nuôi cấy virus của bệnh nhân số 91 hoàn toàn âm tính thì Bệnh viện Chợ Rẫy có thể đón bệnh nhân sang theo dõi, điều trị để có thể tiến hành ghép phổi khi điều kiện cho phép.

Đồng thời, tại bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang tiến hành tu sửa lại khu điều trị, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân khi được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương TP.HCM sang.

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cùng nhiều chuyên gia về ghép tạng đã vào TP.HCM để thăm bệnh nhân số 91.

Việt Nam nỗ lực để không có ca tử vong vì Covid-19

Phát biểu tại buổi Hội chẩn, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu Ban điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, đồng thời là Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chẩn đoán và điều trị Covid-19 đánh giá cao những nỗ lực của các thầy thuốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cùng sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy trong quá trình điều trị cho bệnh nhân 91- trường hợp nặng nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này.

“Cho đến hôm nay, bệnh nhân 91 đã có những dấu hiệu cải thiện như vậy là sự nỗ lực của không chỉ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy mà còn là trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành. Các thầy đã hội chẩn hàng ngày để điều trị cho bệnh nhân. Chúng ta cố gắng giữ bệnh nhân đến ngày hôm nay, góp phần giữ vững chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam, hiện chưa có bệnh nhân tử vong”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê bày tỏ.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến báo cáo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các thành viên tổ Hội chẩn đều cho rằng, cần tiếp tục điều trị nội khoa để hồi sức tích cực hơn nữa cho bệnh nhân. Tiếp tục ECMO, để duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Các thành viên tham gia Hội chẩn cho rằng, tình trạng đông đặc phổi của bệnh nhân 91 đã có cải thiện và kết quả xét nghiệm tại 2 đơn vị đều âm tính liên tục với virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy mặc dù bệnh nhân còn nặng, tiên lượng dè dặt nhưng đã có những dấu hiệu cải thiện – có ánh sáng phía cuối đường hầm.

Kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc ban đầu cho các công dân trở về từ Philippines. - Sputnik Việt Nam
Việt Nam không được chủ quan với Covid-19
Về hướng điều trị sắp tới, các chuyên gia y tế Việt Nam xác định, việc tiến hành ghép phổi cho bệnh nhân phải đảm bảo các yêu cầu cả về sức khỏe cũng như những điều kiện liên quan. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau điều trị tích cực nội khoa, phương án đặt ra là ghép phổi và/hoặc các tạng khác cho bệnh nhân này nếu không có khả năng phục hồi, lúc đó thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế thì Cục Quản lý Khám chữa bệnh sẽ xây dựng nhóm/ hội đồng để cùng nhau tiếp tục xây dựng phương án, kế hoạch điều trị cho bệnh nhân này theo các bước phục hồi nội khoa và ngoại khoa.

Theo Phó trưởng Tiểu Ban điều trị- Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, các chuyên gia về hồi sức tích cực cùng đồng hành với các nhà ngoại khoa, cùng chung tay xây dựng kế hoạch đều trị cho bệnh nhân, trước hết là điều trị nội khoa và lên kế hoạch chuẩn bị cho phương án ngoại khoa là ghép phổi, phép thận – nếu có chỉ định. Hội đồng chuyên môn cũng giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy lên kế hoạch điều trị, hồi sức tích cực cho bệnh nhân số 91.

Về ngoại khoa, Bộ Y tế cũng giao cho các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức lên kế hoạch cụ thể, tiến hành ghép phổi cho nam phi công người Anh khi đủ điều kiện cả về sức khỏe bệnh nhân lẫn nguồn phổi hiến tặng.

“Hội đồng chuyên môn và các chuyên gia sẽ tiếp tục cùng hội chẩn về trường hợp bệnh nhân này khi cần thiết. Với tinh thần “còn nước còn tát” và sự tiến bộ của y học Việt Nam hiện nay, chúng ta nỗ lực hết sức có thể để điều tri, cứu chữa bệnh nhân này”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.

Về kinh phí điều trị cho bệnh nhân, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng thông tin cho biết, hiện Hội Doanh nhân trẻ và nhiều nhà tài trợ sẵn sàng ủng hộ kinh phí điều trị và ghép phổi cho bệnh nhân này. Nên vấn đề kinh phí không còn đáng lo nữa.

Còn vướng mắc về mặt pháp lý liên quan, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng chia sẻ, Hội đồng chuyên môn đã bàn bạc rất kỹ, tất cả đều phải thực hiện theo Luật Hiến ghép mô tạng của Việt Nam.

Người vào bệnh viện Xanh-pôn sẽ được kiểm tra thân nhiệt và khai báo lịch trình di chuyển - Sputnik Việt Nam
Diễn biến sức khoẻ của 3 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng
Theo đó, trong trường hợp người bệnh muốn ghép tạng thì phải có đơn đề nghị được ghép tạng, trong trường hợp bệnh nhân 91 thì người nhà và Đại sứ quán Anh phải có ý kiến. Đồng thời, nguồn ghép cũng phải đáp ứng các điều kiện về hiến tạng. Hơn nữa về yếu tố về pháp lý, sau này khi bệnh nhân được ghép xong thì các điều kiện về chăm sóc, điều kiện về điều trị, hồi sức thì cũng phải có người bảo hộ, giám hộ.

PGS.TS Khuê cũng đặc biệt lưu ý là phải có chỉ định ghép tạng, phải đúng chỉ định chuyên môn chứ không được phép vượt qua chỉ định chuyên môn và phải theo đúng các quy định của Việt Nam.

“Chúng tôi được biết đã có nhiều người dân tình nguyện hiến một phần phổi để ghép cho bệnh nhân 91. Một lần nữa chúng tôi trân trọng cảm ơn tình cảm, nghĩa cử nhân văn của những người dân đã tình nguyện hiến một phần phổi để ghép cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ưu tiên hiện vẫn là tìm nguồn phổi từ người cho chết não”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay.
Việt Nam chưa xác nhận bệnh nhân số 315 mắc Covid-19 ở Campuchia

Ngày 19/5, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh nhấn mạnh, phía Việt Nam chưa khẳng định là bệnh nhân số 315 bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đang ở Campuchia.

“Việt Nam không khẳng định thời gian, địa điểm và cách thức mà bệnh nhân 315 bị mắc Covid-19 do chưa thể xác định được. Hiện nay, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực cùng nhau xác minh bệnh nhân số 315 nhiễm virus gây Covid-19”, Đại sứ Vũ Quang Minh cho biết.

Trước đó, tối 18/5, thông cáo của Bộ Y tế Campuchia cho biết, trường hợp bệnh nhân số 315 ở Việt Nam bị mắc Covid-19 sau khi trở về từ Campuchia.

Cụ thể, cơ quan Y tế Campuchia ra thông cáo bác bỏ hoàn toàn thông tin do báo chí Việt Nam đăng tải về trường hợp nam bệnh nhân 39 tuổi, từ Siem Reap (Campuchia) về Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp hôm 2/5/2020 qua đường tiểu ngạch ở Tây Ninh, được xét nghiệm ngày 5/5 âm tính với coronavirus nhưng đến lần xét nghiệm lần 2 ngày 15/5 lại dương tính.

Trước vấn đề này, ông Vũ Quang Minh một lần nữa tái khẳng định, phía Việt Nam chưa khẳng định là bệnh nhân số 315 bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi đang ở Campuchia, và trước mắt chỉ tìm kiếm, cách ly 17 người tiếp xúc gần trong thời gian bệnh nhân 315 ở Việt Nam.

Kiểm tra thân nhiệt cho khách vào thăm quan Di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám sáng 14/5. - Sputnik Việt Nam
90% ca mắc Covid-19 khỏi bệnh: Việt Nam đủ điều kiện công bố hết dịch coronavirus?
Theo lời Đại sứ, hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ về cơ chế lây nhiễm cũng như thời gian phát triển mầm bệnh của coronavirus. Giới y học thế giới vẫn còn hiểu biết rất ít về chủng virus này và chưa thể khẳng định chính xác thời gian ủ bệnh.

Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh rằng, tuân thủ đúng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, Việt Nam phải cách ly các ca nghi ngờ và công bố công khai một phần thông tin, lịch trình đi lại của bệnh nhân này để những người từng tiếp xúc có sự đề phòng và báo cáo với cơ quan chức năng Việt Nam.

“Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực và thành tựu của Campuchia chữa khỏi 122/122 người bị phát hiện nhiễm Covid-19 và trong 36 ngày chưa phát hiện thêm trường hợp dương tính mới ở Campuchia như Bộ Y tế Campuchia đã thông báo”, Đại sứ Vũ Quang Minh nêu rõ.

Bộ Y tế Việt Nam đã và đang hợp tác chặt chẽ, trao đổi thông tin thường xuyên với Bộ Y tế Campuchia và các nước trong nỗ lực chung phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Campuchia đang nỗ lực cùng nhau xác minh bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 315.

Đồng thời, theo Đại sứ Vũ Quang Minh, các cơ quan đại diện báo chí Việt Nam tại Campuchia cũng sẽ có buổi làm việc với Bộ Y tế Campuchia và Bộ Thông tin Campuchia về tình hình, công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là khi hai nước Việt Nam và Campuchia về cơ bản đã khống chế thành công dịch Covid-19.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала