Việt Nam sắp bỏ Sổ Hộ khẩu: Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ

© Ảnh : Trọng Đức - TTXVNChủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.  - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Về vấn đề bỏ Sổ Hộ khẩu trong Luật cư trú (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình Sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân, do đó, bà Ngân đề nghị giảm bớt thủ tục cho dân được nhờ.

Trong khi đó, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, có cơ sở để bỏ Sổ Hộ khẩu và bắt đầu vận hành cơ sở dữ liệu về cư trú Quốc gia từ 1/7/2021 chứ không phải đợi đến năm 2025 mới thực hiện.

Khai mạc phiên họp thứ 47 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 47 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Dự kiến, phiên họp diễn ra trong ba ngày từ 10 đến 12/8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Kỳ họp. - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch Quốc Hội đề nghị Hà Nội giải quyết nhiều vấn đề quan trọng

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 47 trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát với những diễn biến phức tạp hơn.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã có, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, nhất là các các địa phương với sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, cả hệ thống chính trị tiếp tục đoàn kết, đồng lòng với tâm thế bình tĩnh, quyết liệt, khẩn trương, tập trung cao độ khoanh vùng, kiểm soát lây nhiễm, xử lý triệt để các ổ dịch. Cùng với sự hy sinh dốc lòng, dốc sức của  đội ngũ tuyến đầu chống dịch, người dân, cộng đồng xã hội đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác, chủ động trong phòng chống dịch, khẳng định niềm tin chiến thắng.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức phải nỗ lực thích ứng với tình hình hiện nay để có kế hoạch triển khai và hoàn thành tốt nhiệm vụ của những tháng cuối năm 2020. Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau, với các cơ quan tổ chức hữu quan để chủ động điều hành linh hoạt lịch làm việc bảo đảm các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.

Phiên họp 47 diễn ra đúng lịch trình để xem xét các nội dung theo thẩm quyền. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thốt Nốt - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri Cần Thơ

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, xem xét dự án Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Ngoài ra, cũng tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, cho ý kiến về Báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, sau khi cân nhắc nhiều vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định không tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 47 này để đảm bảo các Bộ trưởng, các cơ quan tập trung cao cho nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Luật cư trú (sửa đổi): Nhiều vấn đề cần lưu ý

Trong sáng nay, ngay sau Phiên khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

457/457 Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA). - Sputnik Việt Nam
Tuần làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 9: Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật cư trú (sửa đổi).

“Đây là dự án luật quan trọng liên quan đến việc tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương thức quản lý dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho công dân và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về cư trú. Do đó, Dự án Luật nhận được sự quan tâm lớn của đại biểu quốc hội, cử tri cả nước”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Đồng thời, ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổ chức hội nghị lấy ý kiến, dự kiến nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.

© Ảnh : Trọng Đức - TTXVNPhó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.
Việt Nam sắp bỏ Sổ Hộ khẩu: Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ - Sputnik Việt Nam
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.

Tại phiên họp sáng nay, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã nêu 4 vấn đề lớn để xin ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp sáng 13/6 - Sputnik Việt Nam
Quốc hội thảo luận về kinh tế – xã hội và Ngân sách Nhà nước

Cụ thể là về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú (Điều 2), về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21), về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30), về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40).

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú tại Điều 2 như “cư trú”, “nơi thường trú”, “nơi tạm trú” để làm rõ hơn sự khác biệt giữa việc đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú và phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.

“Theo đó, cư trú là việc công dân sinh sống tại chỗ ở hợp pháp thuộc đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện không có đơn vị hành chính cấp xã dưới hình thức thường trú, tạm trú (khoản 3). Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú (khoản 9) và nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú (khoản 10)”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích đối với một số từ ngữ khác có liên quan như “chỗ ở hợp pháp”, “tạm vắng”, “cơ quan đăng ký cư trú” để bảo đảm chặt chẽ và chính xác hơn. Có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định một hình thức cư trú, không phân biệt thường trú, tạm trú vì cho rằng để quản lý thực chất việc cư trú của người dân thì chỉ cần xác định nơi mà công dân đang thực tế sinh sống, điều này cũng thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự.

Đối với điều kiện đăng ký thường trú, quy định tại Điều 21, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với việc không quy định điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương, có ý kiến tán thành nhưng đề nghị cần có lộ trình cụ thể cho việc thực hiện tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để bảo đảm sự đáp ứng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ thiết yếu tại đô thị lớn.

Có ý kiến đề nghị vẫn cần duy trì điều kiện riêng về đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương như Luật hiện hành.

Trình bày báo cáo về xóa đăng ký thường trú, quy định tại Điều 25, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung quy định về xóa đăng ký thường trú trong trường hợp:

“Công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài” (điểm d khoản 1 Điều 25), một số ý kiến không tán thành quy định này vì cho rằng sẽ dẫn đến việc công dân không có nơi thường trú, ảnh hưởng đến người dân khi thực hiện các quyền và các thủ tục hành chính có liên quan.

Đề xuất cho Sổ hộ khẩu tồn tại đến 2025?

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng nhấn mạnh, mắc dù Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân từ cách thức thủ công, truyền thống bằng “Sổ hộ khẩu”, “Sổ tạm trú” và các tàng thư văn bản sang quản lý bằng số hóa, có kết nối thông suốt giữa các cơ quan đăng ký, quản lý cư trú trên cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và số định danh cá nhân là hoàn toàn phù hợp với xu thế hiện đại hóa phương thức quản lý nhà nước, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia phát biểu tại Lễ ra mắt Hội đồng bầu cử quốc gia. - Sputnik Việt Nam
Quốc hội phê chuẩn 20 thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Điều này, vừa bảo đảm thuận lợi cho công dân trong việc thực hiện tốt hơn quyền, vừa nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí giao dịch.

Tuy nhiên, còn ý kiến cho rằng, Luật cần quy định rõ về lộ trình chuyển tiếp phù hợp đế đảm bảo tính khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, ý kiến của đại biểu là xác đáng. Theo kết quả rà soát sơ bộ, có gần 30 thủ tục hành chính ở cấp bộ đang có yêu cầu xuất trình Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và các giấy tờ chứng minh nơi cư trú. Trong khi đó, một số điều kiện kỹ thuật bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành với cơ quan, Bộ, ngành, địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phải cần một số năm nữa mới có thể hoàn thành”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết.

Do đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nếu bỏ ngay Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong khi các cơ quan chưa sẵn sàng cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập trực tuyến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định thông tin về nơi cư trú của công dân thì sẽ gây xáo trộn lớn đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, gây khó khăn, phiền phức cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự khác có đòi hỏi chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, trong quá trình chỉnh lý, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn đề nghị quy định thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật là từ ngày 01/7/2021, chuyển hoàn toàn việc quản lý cư trú sang phương thức mới và Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.

“Trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, ở những nơi đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì công dân được sử dụng số định danh cá nhân để xác định thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú; cơ quan nhà nước không được yêu cầu người dân phải nộp thêm giấy tờ xác nhận về cư trú khi thực hiện các thủ tục hành chính”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu bỏ phiếu. - Sputnik Việt Nam
Quyết định nhân sự quan trọng của Quốc hội Việt Nam
Do còn ý kiến khác nhau, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về vấn đề này.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, liệu có nên “giống như thu phí không dừng trong giao thông là có hai làn” – một là ai đủ điều kiện thì không cần sổ và một là có thể áp dụng cho những trường hợp còn vướng mắc để khi có trục trặc kỹ thuật từ hệ thống hay từ người dân thì linh hoạt xử lý được thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân.

Bộ Công an nói gì về việc bỏ Sổ Hộ khẩu?

Phát biểu tại Phiên họp sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Tô Lâm không đồng tình với đề xuất thời gian chuyển tiếp kéo dài đến năm 2025 như cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) nêu ra.

Quốc hội Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Quốc hội bắt đầu đợt họp tập trung, quyết định nhiều nội dung quan trọng

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, đến 15/9, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống thông tin, đảm bảo tuân thủ các quy định về mã định danh điện tử. Nếu căn cứ vào việc này hệ thống chung kết nối của Chính phủ điện tử rất thuận lợi.

“Chúng tôi thấy không có căn cứ gì kéo dài cho tới năm 2025 để song hành giữ sổ hộ khẩu. Với sự nỗ lực chung, tôi thấy hoàn toàn có thể làm được. Chính phủ đã có kế hoạch để thực hiện. Lộ trình, bước đi chúng tôi đã vạch ra, quyết tâm để thực hiện đến 1/7/2021 khi luật có hiệu lực”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Bộ Công an đã có đề án chương trình quốc gia và cơ bản tới giữa năm 2021, các tỉnh sẽ kết nối được trung tâm dữ liệu nên có thể thực hiện Cơ sở dữ liệu về cư trú từ ngày 1/7/2021 như Bộ Công an đã đề ra.

Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính có quy định nơi cư trú và nơi cư trú không ổn định nhưng trong Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) lại không có khái niệm này.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ các khái niệm nơi cư trú có phải là chỗ ở hợp pháp và khái niệm này nơi cư trú ổn định và nơi cư trú không ổn định được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. - Sputnik Việt Nam
Khai tử tín dụng đen: Gần 78% Đại biểu Quốc hội Việt Nam ủng hộ cấm kinh doanh đòi nợ

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cư trú có nhiều khái niệm như cư trú hợp pháp và bất hợp pháp. Nơi thường trú và nơi tạm trú để quản lý dân cư.

“Để đăng ký thường trú hoặc tạm trú thì cần có chỗ ở hợp pháp. Vậy đâu là chỗ ở hợp pháp, điều này đang còn nhiều vướng mắc và ý kiến khác nhau”, Đại tướng Tô Lâm thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ Công an dẫn chứng, thời gian qua người dân ở khu vực Tây Bắc di chuyển vào Tây Nguyên để xây dựng nhà ở nhưng không đăng ký hộ khẩu được do nguồn gốc đất không hợp pháp…

“Đây là thực tế đang tồn tại, khiến công tác quản lý dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sắp tới, ban soạn thảo sẽ rà soát lại những tồn tại, vướng mắc này để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Chỉ có Việt Nam còn Sổ hộ khẩu: Giảm bớt thủ tục cho dân được nhờ

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành quan điểm của Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng và hoan nghênh tinh thần cải cách của Bộ Công an.

Đặng Đình Quý - Sputnik Việt Nam
Việt Nam chủ trì họp Nhóm công tác của Hội đồng Bảo an về tòa án quốc tế

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu câu hỏi, trên thế giới bây giờ có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu?

“Nước Lào cạnh chúng ta còn không? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình Sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân”, bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định có một số ý kiến lo ngại không đủ thời gian thực hiện, nhưng Chính phủ, Bộ Công an khẳng định đủ thời gian thưc hiện chuyển tiếp. Nếu trong quá trình thực hiện, có vướng mắc thì Quốc hội có thể ra nghị quyết gia hạn thêm thời gian thực hiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc đưa ra mốc thời gian cụ thể để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cố gắng phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra, bởi thực tế, hiện cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cũng đang được triển khai.

“Vì vậy, chúng ta cần ủng hộ cái mới. Tôi ủng họ việc này. Cái nào tiến bộ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn thì ủng hộ. Thủ tục định ra mà lạc hậu rồi thì phải bỏ, phải cải cách, tại sao cứ bám những cái cũ? Giảm bớt thủ tục cho dân nhờ. Cái gì thuận tiện cho nhân dân, hiện đại thì ta làm. Đừng luyến tiếc thủ tục hành chính quá rườm rà. Tôi từng mất sổ hộ khẩu, làm lại vất vả, khai tới khai lui”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ.

Với nhận định này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ và Bộ Công an khẳng định có thể làm được để luật có hiệu lực từ 1/7/2021 thì nên ủng hộ để có mốc thời gian phấn đấu. Trường hợp còn vấn đề lấn cấn thì khi đó Quốc hội có thể ra Nghị quyết gia hạn thêm. Với những điểm trong dự thảo còn ý kiến khác nhau thì trình Quốc hội cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc - Sputnik Việt Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự và quyết định nhiều vấn đề quan trọng

Đáng chú ý, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy tỏ ra khá bất ngờ vì ông “tưởng Bộ Công an sẽ đề xuất quy định quản lý chặt hơn, giành nhiều quyền hơn nhưng dự thảo lại rất cởi mở, tạo điều kiện cho công dân đúng theo tinh thần Hiến pháp”, ông Túy ủng hộ tư duy mới của dự thảo và nhấn mạnh, vấn đề quản lý bằng công nghệ là hoàn toàn trong tầm tay.

Riêng về vấn đề thành phố lớn sẽ tăng áp lực khi dân đổ về ngày một đông, theo ông Trần Văn Tuý, đó là quy luật, dân bao giờ cũng tìm nơi tốt hơn để hướng tới, cả thế giới không ngăn được. Để giải quyết được áp lực di dân thì phải đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc làm sao cho nông thôn phát triển hơn, tốt hơn nữa và thực tế Đảng, Nhà nước đang làm để phát triển các vùng miền.

“Còn họ đi và về thì có quản lý được không? Như làng chúng tôi đi 1/3 làng, không hiểu vào thành phố lớn thì quản lý thế nào? Không ngăn được bằng biện pháp hành chính”, Trưởng Ban công tác đại biểu đặt vấn đề và bày tỏ ủng hộ thời điểm luật có hiệu lực để quyết tâm thực hiện vì tinh thần giảm bớt thủ tục hành chính được nhân dân ủng hộ.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu rõ, trong quá trình làm chắc chắn sẽ có cải tiến.
“Hiện Thẻ căn cước công dân mới có mấy chục trường quản lý, tiến tới có thể phối hợp để tích hợp các trường như bảo hiểm, y tế, bằng lái xe... Chỉ cần 1 thẻ là biết hết thông tin mà không cần nhiều giấy tờ, nhờ hỗ trợ của công nghệ”, Đại tướng Tô Lâm nêu rõ.

Toàn cảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp. - Sputnik Việt Nam
Quốc hội bắt đầu xem xét cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng
Phát biểu kết luận nội dung cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Cư trú (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiêm túc thiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Pháp luật, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp cuối năm nay.

Cùng với đó, Chính phủ và Bộ Công an cũng cần xây dựng dự toán kinh phí ngân sách dành cho lĩnh vực này, trình Quốc hội vào cuối năm 2020 để sang năm 2021 có kinh phí để triển khai, nhằm sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала