Kỳ vọng gì ở Tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh sau thời ông Nguyễn Đức Chung?

© Ảnh : Văn Điệp - TTXVNĐồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi công bố quyết định.
Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi công bố quyết định. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Sau thời của ông Nguyễn Đức Chung, có rất nhiều kỳ vọng của người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với Tân Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, người vừa được Bộ Chính trị cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt và thống nhất cao để phân công về ban lãnh đạo thành phố Hà Nội nhằm “chuẩn bị một bước nhân sự nhiệm kỳ tới”.

Trước đó, phát biểu khi đảm trách vị trí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí Chu Ngọc Anh “hứa” sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn lắng nghe tiếng nói của người dân và doanh nghiệp.

Bộ Chính trị điều động ông Chu Ngọc Anh để chuẩn bị một bước nhân sự nhiệm kỳ tới?

Việc đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ được dự kiến thay thế vị trí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung (sau khi ông Chung bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến ba vụ án hình sự) vẫn đang tiếp tục nóng dư luận.

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội. - Sputnik Việt Nam
Phía sau việc bãi nhiệm ông Nguyễn Đức Chung, bầu ông Chu Ngọc Anh làm Chủ tịch Hà Nội

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 18/9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, chỉ định đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Tại Hội nghị này, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình đã công bố Quyết định số 2346-QĐ/TW, ngày 16/9/2020 của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020.

Ngày 22/9, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 24/HĐND về nội dung, thời gian tổ chức Kỳ họp thứ 16, HĐND TP. Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 -2021. Theo đó, kỳ họp sẽ được tổ chức vào sáng 25/9 tới đây để hoàn thiện công tác nhân sự cấp cao thuộc thẩm quyền của thành phố.

Về nội dung phiên họp của HĐND TP. Hà Nội lần này, thông báo cho biết, kỳ họp bất thường thứ 16 tới là để tiến hành bãi nhiệm chức danh Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đối với ông Nguyễn Đức Chung – người đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam hôm 28/8, đồng thời bầu ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đương nhiệm, người vừa được Bộ Chính trị điều động về giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Chủ tịch UBND thành phố.

Giống như đồng chí Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu trước đó khi trao quyết định về công tác nhân sự cho biết, việc điều động ông Chu Ngọc Anh về Hà Nội là nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Trung ương, “đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP. Hà Nội”, đồng thời cũng là để “chuẩn bị một bước nhân sự nhiệm kỳ tới đây”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, quyết định điều động Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về Hà Nội đã được Bộ Chính trị “cân nhắc kỹ lưỡng, nhiều mặt và có được sự thống nhất cao”.

“Với bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, quản lý, cùng sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Nội, Bộ Chính trị tin tưởng đồng chí Chu Ngọc Anh tiếp tục kế thừa thành quả của thế hệ lãnh đạo đi trước để cùng tập thể Thường trực, Ban Chấp hành Đảng bộ và nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục đoàn kết, thống nhất, chung tay, chung sức thực hiện thành công Đại hội Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ XVII, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính tin tưởng.

Kỳ vọng gì về tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh?

Chia sẻ về quyết định nhân sự quan trọng này của Bộ Chính trị, nhiều vị chuyên gia, Đại biểu quốc hội đều bày tỏ hy vọng, đồng chí Chu Ngọc Anh, trong vai trò là cán bộ được đào tạo cơ bản, đã trải qua một số vị trí công tác ở Trung ương và địa phương. Dù ở nhiệm vụ công tác nào cũng sẽ đều phấn đấu, nỗ lực, vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hà Nội sẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và những năm sau này, để tiếp tục là một trong hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục và khoa học của cả nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hà Nội khẳng định thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết liệt, truy vết nhanh, cách ly kịp thời và xét nghiệm ngay. - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị ung thư, xin tại ngoại điều trị

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ với Lao Động về Tân Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, bản thân bà và tất cả mọi người đều đặt kỳ vọng rất lớn vào vị lãnh đạo mới của thủ đô.

Theo đó, bà Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, Hà Nội có vị trí quan trọng, có nhiều trọng trách to lớn với Trung ương, do đó khi Trung ương và Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội quyết định bổ sung một vị Chủ tịch mới là điều tất yếu.

Vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường bày tỏ sự tin tưởng rằng, khi được bầu vào vị trí mới, Tân Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh “sẽ hiểu mình phải làm gì”.

“Hiện nay hành chính công đang có nhiều vấn đề và tồn tại hạn chế. Do đó cần phải tiếp tục đấu tranh, lên tiếng để cho cán bộ không còn mắc sai phạm, bị kỷ luật”, bà Khánh nêu rõ.

Theo vị chuyên gia, chính vì vậy, Tân Chủ tịch Hà Nội phải phát huy những điều tích cực mà Hà Nội đã và đang làm được. Còn công việc mới, HĐND TP có những nghị quyết ghi rất rõ cần làm những gì, những mục tiêu giải pháp rất lớn để làm.

Ngoài ra, bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội thì việc giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội càng phải tốt hơn nữa.

“Một vị lãnh đạo mới đã có kinh nghiệm bây giờ tiếp tục sang quản lý đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực sẽ phát huy tốt. Trên cơ sở ổn định xã hội, cần tiếp tục xây dựng thành phố kỷ cương, văn minh, văn hóa. Từ đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế”, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội - Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII cho hay, Hà Nội là thủ đô của cả nước nên sẽ mang nhiều đặc thù và đặc trưng riêng.

“Do đó, tân Chủ tịch trong nhiệm kỳ của mình phải có dấu ấn cho sự phát triển hiện đại của Thành phố”, bà An nêu rõ.

Theo nguyên ĐBQH đoàn TP.Hà Nội, trong công việc, Tân Chủ tịch Hà Nội phải đối mặt với nhiều lĩnh vực, các ngành nên tầm của người lãnh đạo Hà Nội phải khác những địa phương khác.

Bà An phân tích, lãnh đạo cần có dự báo chiến lược, tầm nhìn xa và có chiều sâu trong mỗi ngành như văn hóa, xã hội, y tế, kinh tế. Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia, lãnh đạo phải biết tập hợp, tận dụng được tri thức và chất xám để có bước phát triển đột phá, chất lượng mọi thứ phải được tăng lên như lãnh đạo cấp cao kỳ vọng.

Đặc biệt, theo PGS.TS Bùi Thị An, Tân Chủ tịch UBND TP Hà Nội phải lắng nghe nhân dân, cần phải thường xuyên vi hành, biết tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điều bức xúc cho người dân.

“Tiếp tục rà soát lại hệ thống cán bộ của địa phương trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo xem nơi nào làm tốt. Cần lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho chính vị Chủ tịch đó để xem Hà Nội thay đổi về chất, thay đổi về lượng”, bà Bùi Thị An khẳng định.

Vị chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn ngoài công việc với dân, với nước thì vị Chủ tịch mới cần phải quán xuyến được các công việc. Bà Bùi Thị An nêu ví dụ nhiều công việc vẫn còn tồn đọng cần lãnh đạo mới thực hiện như vấn đề quy hoạch, trật tự trị an, tiếp tục chống dịch do coronavirus (Covid-19).

Bàn về vấn đề nhân sự, việc tìm, giữ người tài và tinh giản biên chế, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng điều này phụ thuộc rất lớn vào sự lãnh đạo của Thành ủy và sự chỉ đạo của Trung ương.

Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá, bản thân Tân Chủ tịch Hà Nội cũng phải là người tham mưu cũng như tiến hành các quy định trong việc giữ chân người tài.

"Chúng ta hy vọng tân Chủ tịch sẽ tham mưu được những kế sách hay, từ đó huy động được đội ngũ cán bộ tài năng, những người có khả năng hoạch định các vấn đề mang tính chiến lược lâu dài cho quá trình phát triển, tránh tình trạng bỏ lỡ và mất người hiền tài”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Liên quan tới công tác cán bộ, công tác nhân sự nói chung, nhất là hướng đến Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện chính trị rất lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân mong đợi, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, công tác cán bộ phải luôn “trong sạch, công tâm, vô tư trong sáng”. Cùng với đó là sự lắng nghe, nắm bắt, thấu hiểu và trân trọng ý kiến của người dân.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, quyết tâm của Đảng ta là làm sao chọn được những cán bộ có đức, có tài vào vị trí lãnh đạo.

“Quyết tâm đã rất rõ còn bây giờ là làm thế nào để những người thực sự tiêu biểu vào cấp ủy, và quan trọng nhất là phải chọn được những người có tâm trong sáng, không dính đến tham nhũng, không vụ lợi, được đào tạo để phát huy thật tốt trong công việc”, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh.

Đồng chí Chu Ngọc Anh: Sẽ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức

Đây chính là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, người vừa được điều về làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và dự kiến được bầu giữ chức Chủ tịch Hà Nội ngày 25/9 tới đây trong cuộc họp của HĐND TP. Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Chung - Sputnik Việt Nam
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị bắt

Phát biểu hôm 18/9, Tân Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ sự cảm ơn chân thành, sâu sắc tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương. Ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, đảm nhận nhiệm vụ mới là niềm vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng bộ và nhân dân Thủ đô bởi Hà Nội có vị thế đặc biệt quan trọng - là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị-hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế.

“Tôi nhận thức sâu sắc rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cá nhân tôi phải đặt mình trong tập thể, tổ chức, luôn nỗ lực phấn đấu, cầu thị, đoàn kết cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tập trung trí lực xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, khơi nguồn tinh thần lao động sáng tạo, nhiệt huyết và hiệu quả của toàn thể cán bộ công chức, viên chức và nhân dân”, đồng chí Chu Ngọc Anh phát biểu khẳng định.

Theo đó cũng đồng thời, nỗ lực huy động mọi nguồn lực, phát huy ý chí của Đảng bộ và nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội thủ đô toàn diện và bền vững.

“Bản thân tôi sẽ không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực nghiên cứu lý luận, bám sát thực tiễn, vận dụng và phát huy tối đa những kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy. Luôn lắng nghe tiếng nói của người dân và doanh nghiệp để đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phục vụ phát triển thủ đô”, Tân Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Đồng chí Chu Ngọc Anh sinh ngày 17.6.1965 tại Ba Vì, Hà Nội. Ông có trình độ học vấn là Tiến sĩ Vật lý, từng công tác ở vị trí giảng viên ở Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Ông Chu Ngọc Anh là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Ngày 9/4/2016 tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội Khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ông Chu Ngọc Anh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ.

Hiện nay, mặc dù đã được điều động về ban lãnh đạo TP. Hà Nội nhưng ông Chu Ngọc Anh vẫn giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và phải tới kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới đây, tân Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội mới được xem xét miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала