Việt Nam phủ nhận thao túng tiền tệ

© Sputnik / Taras IvanovNgân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Mỹ muốn gây áp lực lên Việt Nam để áp thuế trừng phạt thông qua cáo buộc thao túng tiền tệ? Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chính thức lên tiếng về việc việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ (US Department of the Treasury) cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chính sách tiền tệ của Việt Nam không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng như cáo buộc của chính quyền Mỹ mà chỉ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Trong một động thái liên quan, Phòng Thương mại Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không nên áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến những cáo buộc phá giá tiền tệ Việt Nam đồng vì sẽ gây tổn hại đến quan hệ song phương hai nước.

Vì sao Việt Nam bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ?

Sáng ngày 17/12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra thông cáo chính thức, nêu phản ứng trước việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thực hiện chính sách thao thúng tiền tệ.

Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 16/12, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ  - Sputnik Việt Nam
Bộ Tài chính Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam và Thụy Sĩ thao túng tiền tệ

Trong báo cáo tháng 12/2020 này, Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam và Thụy Sĩ là hai quốc gia thao túng tiền tệ theo Đạo luật Cạnh tranh và Thương mại quốc tế Omnibus năm 1988 với đầy đủ các tiêu chí mà chính quyền Hoa Kỳ đang áp dụng.

Ngoài Việt Nam và Thụy Sĩ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng đưa vào danh sách giám sát 10 nền kinh tế gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Singapore, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan.

Việt Nam và Thụy Sĩ bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump xác định là thao túng tiền tệ khi đáp ứng đủ ba tiêu chí cụ thể.

Thứ nhất, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Hoa Kỳ đạt ít nhất 20 tỷ USD. Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP. Thứ ba, can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

“Đối với mỗi quốc gia, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đều dựa trên một loạt các bằng chứng, chỉ ra hành vi thực hiện quản lý tỷ giá hối đoái của Việt Nam và Thụy Sĩ bốn quý trước tháng 6/2020 và các can thiệp ngoại hối ít nhất cũng có một phần hướng tới việc nhằm ngăn chặn các điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán. Trong trường hợp của Việt Nam là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh khi thực hiện giao dịch thương mại quốc tế” – thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về việc Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ

Phản ứng về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, theo quy định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Mỹ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỷ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lại cũng như can thiệp ngoại tệ.

“Việc điều hành tỷ giá trong những năm qua đều “nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung” – nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố, trong đó có các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Tiền đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam
Mỹ nghi Việt Nam thao túng tiền tệ: Hà Nội làm gì để tránh Trump “hiểu lầm”?

Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng đưa ra lý giải về việc thực hiện can thiệp thông qua mua ròng ngoại tệ.

Theo đó, việc Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ can thiệp thời gian qua nhằm “đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ” trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ dồi dào, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời củng cố Dự trữ ngoại hối Nhà nước vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

“Việt Nam coi trọng mối quan hệ kinh tế-thương mại ổn định và bền vững với Hoa Kỳ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ.

Khẳng định về chính sách tiền tệ “linh hoạt” và chỉ nhằm đảm bảo tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, “không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.

“Việt Nam không thao túng tiền tệ”

Thao túng tiền tệ (currency manipulation) là vấn đề chính thức được luật pháp Hoa Kỳ đưa thành đạo luật năm 1988, theo đó yêu cầu Bộ Tài chính (hay còn gọi là Bộ Ngân khố - US Department of the Treasury) theo dõi và báo cáo hàng năm về tình hình tỷ giá hối đoái giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ trong hoạt động giao thương quốc tế.

Bộ Tài chính Mỹ - Sputnik Việt Nam
Mỹ vẫn nghi ngờ Việt Nam thao túng tiền tệ?

Trong Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” tháng 12/2020 này, Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh sẽ yêu cầu các quốc gia phê duyệt và thông qua chính sách cho phép điều chỉnh hiệu quả cán cân thanh toán và giải quyết vấn đề cạnh tranh không lành mạnh thuận lợi trong thương mại.

Cụ thể, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết sẽ tiến hành phân tích chi tiết, cụ thể hơn liên quan đến hai quốc gia là Việt Nam và Thụy Sĩ trong Báo cáo Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” tháng 12/2020 và cũng sẽ bắt đầu “tăng cường cam kết song phương” với mỗi quốc gia phù hợp với Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường thương mại năm 2015.

Phía Hoa Kỳ sẽ thúc giục Việt Nam và Thụy Sĩ xây dựng kế hoạch hành động với những chính sách cụ thể để giải quyết các nguyên nhân cơ bản gây ra hành vi định giá thấp đồng tiền quốc gia, can thiệp một chiều vào thị trường ngoại tệ, gây mất cân đối với giao dịch bên ngoài.

Đây không phải lần đầu tiên, Việt Nam “rơi vào tầm ngắm” của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan đến các cáo buộc không minh bạch chính sách tiền tệ hay chủ ý cố hạ giá thấp Việt Nam đồng để hưởng lợi thế cạnh tranh.

Hồi tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách giám sát do thỏa mãn hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai.

Riêng trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất tích cực phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để làm việc với các đối tác, khẳng định Việt Nam điều hành tiền tệ và tỷ giá theo diễn biến thị trường và không dùng tỷ giá để cạnh tranh thương mại, không gây bất bình đẳng với các đối tác Việt Nam có quan hệ thương mại.

Tiếp đến, ngày 14/1/2020, trong báo cáo "Kinh tế vĩ mô và chính sách tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại chính" do Bộ Tài chính Mỹ ban hành, Việt Nam bị xếp vào danh sách một trong 10 nước phải theo dõi thao túng tiền tệ.

Ở thời điểm này, Việt Nam lọt vào danh sách do đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương (Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỷ USD), còn các yếu tố khác như thặng dư cán cân vãng lai chỉ tương đương 1,7% GDP; can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP.

Trong thông báo phát đi hồi đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng khẳng định, Việt Nam không thao túng tiền tệ.

“Ngân hàng Nhà nước không bao giờ dùng tỉ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa. Việt Nam không thao túng tiền tệ”, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ.

Vào tháng 8/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục cáo buộc chính quyền Việt Nam “cố tình hạ giá thấp tiền tệ quốc gia – Việt Nam đồng (VND) so với đồng đôla Mỹ (USD)”.

Về vấn đề này, vào tháng 10/2020, trong cuộc Họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN, khi đó ông Lê Minh Hưng còn đảm trách cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuyên bố cho biết, Việt Nam không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế. Quan điểm đó sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành thời gian tới bao gồm duy trì sự ổn định của tỷ giá để tạo lập khuôn khổ vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế bền vững sau dịch (Covid-19)”, ông Lê Minh Hưng khẳng định.
Áp thuế tiền tệ lên Việt Nam gây tổn hại quan hệ Việt – Mỹ?

Ngày 15/12, Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ không nên áp thuế đối với Việt Nam liên quan đến những cáo buộc phá giá tiền tệ.

Sản xuất phôi thép tại Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang. - Sputnik Việt Nam
Mỹ chính thức áp thuế 456% lên một số sản phẩm thép nhập từ Việt Nam

Tạp chí Công Thương, của Bộ Công Thương Việt Nam dẫn phát biểu của ông John Goyer, Giám đốc điều hành khu cực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ trong một bài phỏng vấn vừa qua cho biết, bất kỳ động thái nào trước phiên điều trần cuối tháng 12 của chính phủ nước này nhằm áp thuế lên Việt Nam đều không tuân thủ các thủ tục chính thức.

“Hành vi áp thuế này sẽ gửi thông điệp xấu đến Việt Nam và có tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương”, Giám đốc điều hành khu cực Đông Nam Á của Phòng Thương mại Mỹ nhấn mạnh.

Hồi tháng 10/2020 vừa qua, cùng với các cáo buộc nghi thao túng tiền tệ trước đó, Chính phủ Mỹ đã có động thái sẽ áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong các tuyên bố được Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đồng thời, các chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính, tiền tệ được các cơ quan quản lý điều hành một cách đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam nhằm ổn định các cân đối vĩ mô, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chứ không nhằm phương hại đến bất kỳ quốc gia hay nền kinh tế nào.

Đọc thêm:

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала