Vụ Đại học Đông Đô cấp bằng giả: Bộ Công an đề nghị truy tố 10 bị can

© Depositphotos.com / AlphaBabyBằng cấp
Bằng cấp - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.02.2021
Đăng ký
Liên quan đến vụ án Đại học Đông Đô cấp văn bằng giả, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã xác định và cung cấp cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao danh sách 203 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả mạo.

Trong kết luận điều tra bổ sung vừa ban hành, Bộ Công an cũng đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố 10 bị can về tội “giả mạo trong công tác” xảy ra trong vụ án tại trường Đại học Đông Đô.

Bộ Công an làm rõ thêm 10 người dùng bằng giả Đại học Đông Đô

Bộ Công an vừa thông tin diễn biến mới nhất trong vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô.

Sai phạm của Đại học Đông Đô được làm rõ sau khi cơ quan điều tra Bộ Công an xác định đơn vị này cấp hàng trăm văn bằng 2 tiếng Anh giả mạo.

Sinh viên tốt nghiệp - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.12.2020
Vụ bằng giả tại Đại học Đông Đô: Bộ Công an đề nghị cung cấp thông tin

Thậm chí, có nhiều cán bộ, viên chức nhà nước của Việt Nam đã được phát hiện dùng “bằng rởm” của Đại học này do Trần Khắc Hùng (nguyên là Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) chỉ đạo cấp dưới thông báo tuyển sinh ồ ạt và cấp bằng không đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngày 17/2, sau gần hai tháng hoàn tất quá trình điều tra, Cơ quan An ninh Điều Tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung và chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố 10 bị can trong vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại Đại học Đông Đô.

Trong bản kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an làm rõ ngoài 193 người được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả đã nêu trong kết luận trước đó hồi tháng 11/2020, còn có 10 cá nhân khác được trường này cấp bằng giả.

Bộ Công an cho biết, trong số 10 người này, có 5 trường hợp đã sử dụng bằng giả để học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hai người dùng giấy tờ giả để học nghiên cứu sinh ở Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và một trường hợp để học nghiên cứu sinh tại Học viện Cán bộ TP.HCM. Còn lại hai trường hợp khác ở Học viện Khoa học xã hội.

Đáng chú ý, Bộ Công an cũng chỉ ra một trường hợp bị phát hiện sử dụng văn bằng giả do Trường Đại học Đông Đô cấp để thi thăng hạng viên chức tại UBND tỉnh Thái Bình.

Theo kết quả điều tra này, Bộ Công an khẳng định có cơ sở kết luận Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả cho 203 trường hợp.

“Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã lập danh sách, cung cấp cho VKSND Tối cao (kèm theo hồ sơ vụ án) 203 trường hợp được Đại học Đông Đô cấp bằng giả”, Bộ Công an cho biết.

Xử lý những người dùng bằng giả Đại học Đông Đô thế nào?

Bộ Công an đã có văn bản kiến nghị đơn vị chủ quản của những đối tượng sử dụng văn bằng giả và cơ sở giáo dục mà những cá nhân này nộp văn bằng để làm hồ sơ học Thạc sĩ, Tiến sĩ hay thi nâng ngạch công chức để xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả theo quy định.

Cụ thể, liên quan đến việc việc xử lý hậu quả việc làm, cấp bằng giả theo yêu cầu điều tra bổ sung, kết luận điều tra của Bộ Công an cho biết đối với 58 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả của Trường ĐH Đông Đô, ngày 12/11/2020, Cơ quan An ninh Điều tra đã có văn bản kiến nghị cụ thể.

Đại học Tôn Đức Thắng - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.11.2020
Bộ GD&ĐT lên tiếng vụ Đại học Đông Đô “vô tư” cấp bằng giả

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 43 trường hợp thông báo có kết quả xử lý. Còn 15 trường hợp cá nhân sử dụng văn bằng chưa có kết quả xử lý, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản đề nghị các đơn vị chủ quản sớm xử lý, cung cấp kết quả.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng khẳng định, nội dung này không ảnh hưởng đến việc truy tổ, xét xử đối với các bị can trong vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra ở Đại học Đông Đô.

Về 11 trường hợp sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh giả của Trường Đại học Đông Đô được phát hiện trong giai đoạn điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra cũng có kiến nghị đơn vị chủ quản của người sử dụng văn bằng và cơ sở giáo dục mà các cá nhân này sử dụng văn bằng để làm hồ sơ học thạc sĩ, tiến sĩ để xử lý sai phạm, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng thông tin cho biết, trong số 203 trường hợp được Trường Đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả, đã thu hồi tổng số 127 văn bằng, 24 trường hợp chưa nhận bằng, còn lại đã làm thất lạc hoặc tự tiêu hủy.

Cũng theo kết quả điều tra bổ sung của Bộ Công an, cơ quan An ninh Điều tra làm rõ tổng số tiền học phí hệ văn bằng 2 tiếng Anh Đại học Đông Đô thu hơn 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ cung cấp danh sách 2.500 người, không có địa chỉ cụ thể đã nộp 18 tỷ đồng.

Bộ Công an cho biết, trong số tiền đã thu, Đại học Đông Đô kê khai đã chi 780 triệu làm kinh phí tổ chức thi và chấm thi hệ văn bằng 2 tiếng Anh. Toàn bộ số tiền còn lại các bị can khai nhận với Công an rằng đã sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường nhưng không cung cấp được đầy đủ chứng từ liên quan.

“Do cơ sở này không cung cấp đủ tài liệu về việc sử dụng tiền nên cơ quan chức năng không thể xác định cụ thể thêm”, cơ quan điều tra nhận định.

Đáng chú ý, trong số 203 người được xác định nhận bằng giả, cơ quan điều tra chỉ có tài liệu xác định Đại học Đông Đô đã thu hơn 2,6 tỷ đồng của 166 cá nhân.

Vụ bằng giả tại Đại học Đông Đô

Như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ngày 20/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định số 272 truy nã bị can Trần Khắc Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô với tội danh Giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự

Đến ngày 24/11/2020, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Đại học Đông Đô.

Đại học Đông Đô  - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2020
Bộ Công an thông tin khởi tố hai cán bộ Trường Đại học Đông Đô

Trong đó, có 10 bị can là cán bộ Trường ĐH Đông Đô bị đề nghị truy tố về tội danh “Giả mạo trong công tác” gồm có Dương Văn Hòa, Hiệu trưởng, Trần Kim Oanh, Phó hiệu trưởng kiêm Phó Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục, Lê Ngọc Hà, Phó hiệu trưởng, Trần Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên, Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Tài chính, kế toán, Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương, cán bộ Trường Đại học Đông Đô.

Theo kết luận của cơ quan Công an, dù chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo hệ văn bằng 2 ngôn ngữ tiếng Anh nhưng Trần Khắc Hùng (nguyên là Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Đô) đã chỉ đạo cấp dưới (trực tiếp là Dương Văn Hòa và Trần Kim Oanh) ký thông báo, tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh, làm giả các quyết định, ồ ạt tuyển sinh, đồng thời mời cả nhiều cơ sở và cá nhân tham gia hợp tác đào tạo.

Cơ quan điều tra cho biết, Đai học Đông Đô đã ký hợp đồng, hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo, trong đó có 12 cơ sở đã tuyển sinh được hơn 2.500 học viên, thu về số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra Bộ Công an đồng thời cũng xác định Trường Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không thông qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Cùng với đó, các bị can còn có hành vi hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân.

Kết luận điều tra cho thấy, đến thời điểm phát hiện sai phạm, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh văn bằng 2 cho 626 trường hợp. Tuy nhiên, công an chỉ xác định và làm việc được với 217 trường hợp (một người đã chết).

Lần lượt các bị can Dương Văn Hòa, Trần Ngọc Quang, Phạm Vân Thùy.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.08.2019
Hiệu trưởng Đại học Đông Đô bị bắt

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, bị can Trần Khắc Hùng cùng đồng phạm đã lợi dụng sơ hở thiếu sót trong quy định của Bộ GD&ĐT về công tác quản lý tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2 cũng như chính sách tự chủ giáo dục đại học để thực hiện những hành vi trái pháp luật nêu trên.

Bộ Công an xác định hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, có tổ chức, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ sở giáo dục đại học nói chung và Trường Đại học Đông Đô nói riêng, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành giáo dục.

Cùng với đó, cơ quan điều tra đã kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý những người đã sử dụng bằng, còn các trường hợp chưa sử dụng thì đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định huỷ bỏ, thu hồi. Cơ quan tố tụng cũng yêu cầu xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức Nhà nước khi sử dụng bằng giả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì về vụ trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả?

Liên quan đến vụ việc của trường Đại học Đông Đô, theo lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), sau khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức, bộ sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm đối với những đơn vị, những cá nhân có liên quan nếu có sai sót, vi phạm.

“Ngay từ khi sai phạm ở Trường ĐH Đông Đô được phát hiện và xử lý, Bộ đã và đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về quản lý nhà nước để theo kịp với thực tiễn”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.

Theo đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục, việc vừa đảm bảo quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường khả năng giám sát của các cơ quan quản lý và của toàn xã hội. Việc cải tiến quy trình, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT đang được thực hiện.

Cơ sở 1, Trường ĐH Đông Đô tại 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.10.2019
Hai phó hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô bị bắt

Thứ trưởng Sơn cũng khẳng định, các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT vẫn luôn “chủ động phối hợp, hợp tác chặt chẽ” với Bộ Công an để làm sáng tỏ thông tin và bản chất sự việc liên quan đến Đại học Đông Đô.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho hay, Bộ Giáo dục đang xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học cùng các công cụ phân tích dữ liệu, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực quản lý và giám sát hoạt động của toàn hệ thống.

Về công tác hậu kiểm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong hai năm gần đây cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục Đại học, nhất là trong các hoạt động đào tạo liên thông, liên kết, văn bằng 2.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chủ quản, địa phương để giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm trong đào tạo.

Ông Sơn nhấn mạnh, biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp là các trường thực hiện chặt chẽ đánh giá năng lực thực chất của học viên trong quá trình đào tạo.

“Ngoài ra, các đơn vị sử dụng lao động cũng phải quan tâm đánh giá năng lực thực chất của người lao động sở hữu văn bằng, chứng chỉ trong quá trình công tác”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn bày tỏ.

Thứ trưởng Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT cũng sẽ có đầu tư hoàn thiện các quy chế sắp được ban hành với những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của các trường trong công tác thẩm tra hồ sơ đầu vào, đồng thời tăng cường bảo đảm chất lượng trong quá trình đào tạo.

“Phải làm sao để những học viên không có năng lực thực chất, gồm cả ngoại ngữ phải bị đào thải”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Liên quan vụ án này, ngày 14/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị VKSND Tối cao chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sớm đưa các đối tượng phạm tội ra xét xử nghiêm minh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала