Việt Nam là Chủ tịch HĐBA: Hà Nội đủ khôn khéo để ‘làm hòa’ xung đột

© Ảnh : Thomas ParkHội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.04.2021
Đăng ký
Việt Nam chính thức bắt đầu đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) trong tháng 4. Trong khi các cường quốc liên tục có bất đồng, Hà Nội làm gì để đảm bảo cam kết “đối tác vì hòa bình bền vững” và tìm được lối thoát cho những xung đột, chia rẽ?

Việt Nam luôn để lại dấu ấn và bản lĩnh ngoại giao đặc biệt của một đất nước yêu chuộng hòa bình, hiểu rõ những nỗi đau chiến tranh không gì bù đắp được, đồng thời là thành viên có trách nhiệm luôn nỗ lực tìm kiếm giải pháp đồng thuận cho các xung đột.

Ngày 31/3, Hội đồng Bảo an họp về tình hình Myanmar, bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực. Đại diện Việt Nam – Đại sứ Đặng Đình Quý lên án và kêu gọi chấm dứt ngay những hành động bạo lực nhằm vào dân thường ở Myanmar.

Việt Nam chính thức làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Chính thức từ hôm nay, ngày 1 tháng 4, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc. Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai, đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch luân phiên cuối cùng – cơ hội đặc biệt quan trọng để Hà Nội khẳng định tiếng nói, uy tín và vị thế trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ 2020 – 2021.

Đại diện chính quyền Việt Nam cho biết, trong lần thứ hai đảm trách vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc này, Hà Nội sẽ nỗ lực và sẵn sàng tham gia tích cực, chủ động, trên tinh thần trách nhiệm để hoàn thành tốt nhất vai trò Chủ tịch bằng chính sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Đỗ Hùng Việt, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.03.2021
‘Điệp viên 007 James Bond’ dự kiến tham dự sự kiện khi Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA LHQ

Trước đó, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, ở kỳ Chủ tịch luân phiên HĐBA lần thứ nhất tháng 1/2020, Việt Nam đã được các nước đánh giá tích cực, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ trong vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA năm 2020.    

Trong bài viết của mình nhân dịp Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA vào tháng 4 này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch.

Theo ông Phạm Bình Minh, đây là trọng trách đa phương đầu tiên mà Việt Nam đảm nhiệm sau thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đề ra tầm nhìn và những định hướng và chủ trương lớn cho sự phát triển của đất nước, trong đó có đường lối đối ngoại trong giai đoạn tới.

Nhấn mạnh việc lần thứ hai tham gia HĐBA, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cạnh tranh nước lớn gia tăng, các điểm nóng xung đột, bất ổn tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới và nhất là đại dịch Covid-19 hoành hành, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam đã triển khai hiệu quả công tác Hội đồng Bảo an, hoàn thành tốt một khối lượng công việc lớn trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao, thông qua nhiệm kỳ này cũng đã ghi rõ “dấu ấn Việt Nam” tại cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc về duy trì hòa bình và an ninh quốc tế hiện nay.

“Đó là dấu ấn và bản sắc đối ngoại của một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, phản đối mọi hình thức chiến tranh và sử dụng vũ lực, đề cao Hiến chương LHQ, tuân thủ luật pháp quốc tế”, đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam đã thể hiện rõ trách nhiệm của một ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ “luôn thúc đẩy đồng thuận chung, nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột”.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao chỉ rõ, Hà Nội kiên trì nguyên tắc độc lập, tự chủ, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, hài hòa với lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam đã đóng góp gì cho Hội đồng Bảo an?

Trong suốt nhiệm kỳ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, cũng như đảm nhận trọng trách Chủ tịch luân phiên, Việt Nam đã tích cực đề xuất các sáng kiến, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong một số vấn đề quan trọng.

Trong lần đầu tiên làm Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, Việt Nam đã chủ trì thành công Thảo luận mở về “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại New York - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.03.2021
Việt Nam và HĐBA Việt Nam kêu gọi sớm thành lập chính phủ mới ở Lebanon

Ông Minh nhấn mạnh, cuộc họp về “Hợp tác giữa LHQ và ASEAN” lần đầu tiên tạo diễn đàn trao đổi hợp tác giữa HĐBA và ASEAN, tạo sự gắn kết, phát huy tốt vai trò kép là Ủy viên không thường trực HĐBA và Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Sự kiện này góp phần thúc đẩy, đề cao đoàn kết, vai trò của ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN với Liên Hợp Quốc cũng như HĐBA.

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã chủ trì thành công Hội nghị quốc tế về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, với sự tham gia của hơn 400 đại biểu từ gần 90 quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế liên chính phủ và phi chính phủ quan trọng.

Ông Phạm Bình Minh nhấn mạnh, các nước đặc biệt ủng hộ và đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm đăng cai sự kiện này của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Cộng đồng quốc tế cũng biểu dương vai trò chủ trì của Việt Nam trong việc xây dựng văn kiện “Cam kết hành động Hà Nội” với nội dung đề cao và thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong mọi tiến trình hòa bình, được 75 nước từ tất cả các khu vực tuyên bố đồng bảo trợ, được lưu hành là tài liệu chính thức của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam còn có những đóng góp cụ thể và thiết thực góp phần duy trì ổn định, tái thiết và kiến tạo hòa bình thông qua việc tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi như đã thông tin.

“Lực lượng của ta triển khai tại các Phái bộ LHQ đã hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, được Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được nhân dân sở tại yêu mến, tin tưởng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Đồng chí Phó Thủ tướng cũng khẳng định, những kết quả tích cực nêu trên đã góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.

“Đồng thời, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và tiếp tục đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt của chúng ta với các nước và đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, lan tỏa và gắn kết chặt chẽ đối ngoại đa phương và song phương”, theo ông Phạm Bình Minh.

Việt Nam giải quyết xung đột ở HĐBA thế nào?

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, trên cương vị Chủ tịch, Việt Nam sẽ tổ chức, chủ trì, điều hành khoảng 30 cuộc họp của Hội đồng Bảo an, đại diện HĐBA trong quan hệ với các nước thành viên ngoài HĐBA, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, báo chí.

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Lê Hoài Trung thông báo về việc Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.12.2019
Việt Nam đã sẵn sàng làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Trong bối cảnh các thành viên HĐBA “chia rẽ sâu sắc” và khó tìm được tiếng nói chung, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, phương châm làm việc sẽ là tích cực, chủ động, có trách nhiệm, vừa bảo đảm sự khách quan, minh bạch, vừa linh hoạt, xử lý hài hòa, cân bằng quan tâm của các nước đối với các vấn đề được thảo luận và thúc đẩy hợp tác, đồng thuận tại Hội đồng Bảo an.

“Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy các ưu tiên và sự kiện mang đậm dấu ấn, đồng thời là cam kết của Việt Nam nhiệm kỳ này là ‘Đối tác vì hòa bình bền vững’”, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Việt Nam, đó là tìm giải pháp thỏa đáng và bền vững cho các cuộc xung đột, thúc đẩy đối thoại, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực.

Điểm đặc biệt mà chính quyền Việt Nam hướng đến, đồng thời là yếu tố then chốt khẳng định Hà Nội coi trọng nhân quyền – đó chính là quan điểm đặt người dân vào vị trí trung tâm, chính sách nhân văn hướng tới các đối tượng dễ bị tổn thương.

Cũng trong lần thứ hai làm Chủ tịch HĐBA, Việt Nam sẽ chủ trì 3 sự kiện dấu ấn quan trọng, có ý nghĩa và mang tính thời sự.

Một trong những cuộc họp quan trọng Việt Nam phải điều hành chính là Phiên Thảo luận mở Cấp cao “Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” ngày 19/4.

“Đây là sự tiếp nối ưu tiên của chúng ta về tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực, là dịp để chúng ta cùng các nước chia sẻ bài học kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực trong xử lý các thách thức toàn cầu nói chung và ngăn ngừa, giải quyết xung đột ở các khu vực nói riêng”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.

Theo đó, đây chủ đề hết sức thiết thực, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và đáp ứng quan tâm, trông đợi của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ tổ chức phiên họp cấp Bộ trưởng về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” ngày 8/4, “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” ngày 27/4.

Theo đồng chí Phạm Bình Minh, là một nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp thúc đẩy, thu hút sự quan tâm của HĐBA về vấn đề này.

© Ảnh : TTXVN phátPhó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Việt Nam là Chủ tịch HĐBA: Hà Nội đủ khôn khéo để ‘làm hòa’ xung đột - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.04.2021
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Thông qua phiên họp này, Việt Nam muốn cùng các nước khẳng định ủng hộ khía cạnh nhân đạo, nhân văn cao cả và sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn.

“Với quyết tâm cao khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, với tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước, chúng ta hoàn toàn có niềm tin vững chắc rằng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 4/2021 với những đóng góp, dấu ấn mới”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kết luận.
HĐBA họp về Myanmar, Việt Nam kêu gọi tránh “chia rẽ nội bộ”

Ngày 31/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tiến hành họp thảo luận về tình hình Myanmar.

Thực tế, đây đã là lần thứ ba trong chỉ một tháng, các thành viên HĐBA LHQ phải tiến hành họp về leo thang xung đột do cuộc chính biến xảy ra hôm 1 tháng 2 ở Myanmar sau khi phe quân sự lên nắm quyền và bắt giữ cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Ky và lãnh đạo đảng NLD.

Người biểu tình ở Myanmar. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.03.2021
Hãy giúp một cách “thiện chí”: Việt Nam kêu gọi chấm dứt bạo lực ở Myanmar

Phát biểu tại cuộc họp này, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, có chung quan điểm với các nước thành viên HĐBA khác về lo ngại bạo loạn leo thang.

Theo ông Quý, Việt Nam quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực tại Myanmar, trong đó có những diễn biến xảy ra ngày 27/3 vừa qua.

Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ lên án và kêu gọi chấm dứt ngay những hành động bạo lực nhằm vào dân thường ở Myanmar.

“Ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và hỗ trợ nhân đạo không bị cản trở cho những người cần được trợ giúp, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội Myanmar”, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ.

Đại diện Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, hoà giải, hợp tác và xây dựng lòng tin, với trọng tâm vì người dân, trong tìm kiếm giải pháp cho tình hình hiện nay, đóng góp vào hoà bình, ổn định của Myanmar và khu vực.

Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Myanmar chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình.

“Đặc biệt, cần tránh các hành động có thể làm gia tăng chia rẽ trong nội bộ Myanmar và thúc đẩy một giải pháp toàn diện, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp của Myanmar cũng như đáp ứng ý chí và nguyện vọng của người dân”, Đại sứ Đặng Đình Quý nêu rõ.

Tại phiên họp hôm 31/3, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener thông tin về tình hình tại Myanmar thời gian qua.

Đại sứ Christine Schraner Burgener cho biết từ ngày 1/2 đến nay đã có hơn 520 người chết, trong đó có cả trẻ em và phụ nữ.

Do đó, HĐBA vô cùng bày tỏ lo ngại tình hình có thể diễn biến xấu hơn, kêu gọi các cơ quan của Liên Hợp Quốc xem xét có hành động tập thể để tránh tiếp tục đổ máu và sự hy sinh tính mạng vô tội của dân thường.

Sau khi nghe báo cáo của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar 15 nước thành viên HĐBA đã phát biểu thể hiện quan điểm.

Các bên đều đồng loạt bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng leo thang bạo lực, dẫn đến cái chết của hàng trăm dân thường, lên án việc sử dụng bạo lực và yêu cầu các bên giảm căng thẳng, đối thoại để giải quyết vấn đề.

Các nước cũng đồng thời đề cao vai trò của ASEAN, mong muốn các hội nghị của ASEAN tới đây sẽ giúp Myanmar tìm ra giải pháp thỏa đáng để ổn định tình hình.

Cùng với đó, các nước cũng ủng hộ Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar trong các nỗ lực duy trì đối thoại với tất cả các bên liên quan tại Myanmar và trong chuyến thăm khu vực sắp tới đây.

Trưởng đoàn năm nước Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 mới được bầu chụp ảnh lưu liệm tại phòng họp của HĐBA. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.06.2019
Việt Nam sẽ là thành viên xuất sắc của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Cũng nhân dịp này, Việt Nam lên tiếng khẳng định những nỗ lực của ASEAN trong việc tìm kiếm giải pháp hỗ trợ Myanmar, kêu gọi các nước ủng hộ những nỗ lực này của ASEAN.

Đại diện Việt Nam cũng ủng hộ vai trò của Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về Myanmar và khuyến khích Đặc phái viên tăng cường phối hợp với ASEAN nhằm tìm giải pháp tốt nhất sớm giúp quốc gia Đông Nam Á này ổn định tình hình.

Trong nội bộ HĐBA, thực tế chia rẽ sâu sắc và xung đột quan điểm không chỉ về vấn đề tình hình ở Myanmar. Việt Nam sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Tuy nhiên, đối với lần thứ hai làm Chủ tịch HĐBA này, chúng tôi tin rằng, bằng chính những nỗ lực và kinh nghiệm thực tế của Hà Nội trong quá trình phục hồi, tái thiết sau chiến tranh và phát triển đất nước “có cơ đồ, vị thế được như ngày nay”, Việt Nam sẽ tìm được tiếng nói chung, luôn đóng góp tích cực, chủ động, xây dựng và có trách nhiệm, xử lý thỏa đáng các vấn đề phức tạp trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала