Công an Hà Nội chấn chỉnh cán bộ sau vụ Đại úy bấm điện thoại, kệ tài xế bắt cướp

© Depositphotos.com / SirichaiYotatikunchaiCông an
Công an - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2021
Đăng ký
Sau vụ ông Nguyễn Văn Lâm, Đại úy Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai chỉ đứng bấm, gọi điện thoại ‘gọi chi viện’, mặc kệ tài xế taxi G7 Nguyễn Trần Minh vật lộn với tên cướp Đặng Phạm Sáu, Công an TP.Hà Nội có động thái chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ.

Giám đốc Công an TP.Hà Nội yêu cầu toàn bộ cán bộ, chiến sĩ phải nghiêm khắc chấn chỉnh, có thái độ phục vụ nhân dân, siết chặt kỷ cương, tác phong, cung cách ứng xử và ‘thường xuyên rèn luyện đạo đức’, ‘coi trọng danh dự, tư cách người Công an Nhân dân’.

Công an Hà Nội chấn chỉnh cán bộ sau vụ Đại úy để mặc tài xế bắt cướp

Sau vụ Đại úy Công an Nguyễn Văn Lâm (nguyên Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai) gây bức xúc dư luận khi chỉ đứng bấm, gọi điện thoại, mặc kệ tài xế xe taxi một mình vật lộn với tội phạm, lãnh đạo Công an TP. Hà Nội đã ngay lập tức có văn bản chấn chỉnh cán bộ, chiến sĩ.

Nhiều người dân thấy bóng dáng của lực lượng chức năng mới đeo khẩu trang để đối phó - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.05.2021
Cách Đại úy Lâm xử lý vụ cướp: "Thiếu chuyên nghiệp, quá yếu kém"

Theo đó, ngày 21/5, Công an thành phố Hà Nội đã công văn số 3722/CAHN-PV01 về việc chấn chỉnh chấp hành điều lệnh tư thế, tác phong, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, chiến sĩ.

Cụ thể, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, chấp hành Điều lệnh Công an nhân dân, văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ đơn vị mình.

“Tổ chức quán triệt, rút kinh nghiệm chung đối với 100% cán bộ chiến sĩ về vụ việc, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tương tự”, Giám đốc Công an TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Trung tướng Nguyễn Hải Trung cũng yêu cầu chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp nâng cao chất lượng công tác “giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 05 (15/5/2016) của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 04 của Bộ Công an về đổi mới nâng cao chất lượng phong trào “Công an Nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” trong tình hình mới, gắn với văn hóa ứng xử trong Công an Thủ đô.

Ông Trung nhắc lại, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần tự giác, tự rèn luyện mình, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần coi trọng “danh dự”, tư cách người Công an nhân dân, phát huy tinh thần trách nhiệm, “màu áo” trong khi làm nhiệm vụ.

“Giữ gìn uy tín của người chiến sĩ Công an Thủ đô “Vì nhân dân phục vụ”; xây dựng phong cách người công an Thủ đô “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nêu rõ.

Giám đốc Công an Hà Nội đề nghị tiếp tục tập huấn, phổ biến cho 100% cán bộ chiến sĩ nắm vững, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật. Phải bảo đảm cán bộ chiến sĩ nắm vững và thực hiện đúng quy trình, quy định, quy chế công tác trong khi thực thi nhiệm vụ, tiếp xúc với nhân dân.

Tướng Trung yêu cầu vận dụng thành thạo, nhuần nhuyễn các biện pháp nghiệp vụ và kỹ năng xử lý đối với từng tình huống, từng vụ việc cụ thể.

Đồng thời, Công an các đơn vị, quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực tham gia tố giác tội phạm, đấu tranh phòng, chống tội phạm và có cơ chế để quần chúng nhân dân phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia hỗ trợ, phối hợp với lực lượng công an, khống chế, ngăn chặn ngay các hành vi phạm tội, truy bắt tội phạm.

Ngoài ra, lãnh đạo Công an Hà Nội yêu cầu tất cả chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Bộ Công an, Công an Thành phố. Thủ trưởng các đơn vị phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện của đơn vị và cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định.

Cũng tại công văn số 3722/CAHN-PV01, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên và phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nếu để xảy ra sai sót, vi phạm.

Hình ảnh người Công an bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Công an Hà Nội cho biết, trước đó, vào hồi 16/5/2021, trong lúc điều khiển xe taxi G7 mang BKS30A-38854 qua đoạn đường Cienco 5 thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội, anh Nguyễn Trần Minh bị khách đi xe là Đặng Phạm Sáu (sinh năm 1970, trú tại: xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về hành vi giết người) dùng dao tấn công. Đặc biệt, dù bị Đặng Phạm Sáu đâm trọng thương nhưng anh Nguyễn Trần Minh vẫn quyết tâm khống chế tên cướp ngay trên lòng đường. Nhờ có sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, đối tượng đặc biệt nguy hiểm Đặng Phạm Sáu bị bắt.

Những ngày sau đó, một số cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội đồng loạt đăng tải bài viết, hình ảnh, video clip phản ánh một người đàn ông mặc trang phục Công an, áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang, có mặt tại hiện trường, không tham gia hỗ trợ, khống chế, bắt giữ đối tượng, mà chỉ gọi điện thoại, đi lại xung quanh hiện trường.

Công an. - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.05.2021
Giám đốc Công an Hà Nội lên tiếng về vụ kỷ luật Đại úy Lâm “quá nhẹ”

“Cán bộ Công an” này thể hiện sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, gây bất bình trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín lực lượng Công an Thủ đô Hà Nội nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an Thành phố đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự, phối hợp với Công an huyện Thanh Oai điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.

Công an Hà Nội cho biết, chỉ đạo làm rõ nam thanh niên nêu trên là Đại úy Nguyễn Văn Lâm (sinh năm 1985, cán bộ Công an xã Cự Khê, huyện Thanh Oai).

“Khoảng hơn 16h00’, trên đường từ nhà đến xã Cao Viên, huyện Thanh Oai để tham gia Tổ cấp căn cước công dân lưu động, khi đến khu vực đường Cienco 5 phát hiện sự việc, đồng chí Lâm đã dừng lại và gọi điện thoại báo cáo vụ việc với Chỉ huy Công an xã Cự Khê để xin hỗ trợ lực lượng”, Công an TP. Hà Nội cho biết.

Theo lãnh đạo Công an thành phố, việc làm của đồng chí Lâm đã “phần nào thể hiện trách nhiệm trong công việc nhưng không phù hợp”, bởi lẽ ra ngay lập tức đồng chí Lâm phải nhanh chóng tiếp cận, phối hợp bắt giữ đối tượng phạm tội.

“Qua đó thể hiện sự non kém về nghiệp vụ, về tinh thần kiên quyết tấn công trấn áp tội phạm, về ý thức phục vụ nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và uy tín của lực lượng Công an Nhân dân nói chung, Công an Thủ đô nói riêng”, Công an thành phố Hà Nội nêu rõ.

Đại úy Lâm sau đó đã nhận hình thức kỷ luật. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an TP. Hà Nội, ngay trong ngày 17/5/2021, Trưởng Công an huyện Thanh Oai đã ra Quyết định kỷ luật cảnh cáo theo quy định và điều chuyển đồng chí Nguyễn Văn Lâm về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Huyện (để không trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc của Nhân dân).

Cùng với đó, để kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào vì an ninh Tổ quốc, Giám đốc Công an Thành phố đã báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ Công an, Chủ tịch UBND Thành phố có hình thức khen thưởng đối với anh Nguyễn Trần Minh và anh Phạm Văn Thưởng.

Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã có Thư khen và thưởng tiền đối với anh Nguyễn Trần Minh. Đồng thời, Giám đốc Công an Thành phố đã trực tiếp thăm hỏi, động viên và Quyết định tặng Giấy khen của Giám đốc cho anh Nguyễn Trần Minh và anh Phạm Văn Thưởng về thành tích tham gia bắt giữ đối tượng Đặng Phạm Sáu.

Bộ Công an nói gì về việc kỷ luật Đại úy Nguyễn Văn Lâm “quá nhẹ”?

Dư luận đánh giá cao việc Công an TP. Hà Nội đã nhanh chóng điều tra, làm rõ danh tính và chỉ đạo xử lý, kỷ luật nghiêm người đàn ông mặc trang phục cảnh sát nhưng không hỗ trợ cứu tính mạng nhân dân mà lại thản nhiên đứng bấm điện thoại ‘gọi viện trợ’.

Nhân dân cũng đánh giá cao việc lãnh đạo Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội, Công an Hà Nội đã khen thưởng động viên anh Nguyễn Trần Minh và anh Phạm Văn Thưởng vì “có công bắt cướp”, giúp cơ quan chức năng bắt giữ tội phạm, góp thành tích trong phong trào vì an ninh Tổ quốc.

Công an - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.05.2021
Việt Nam: Xôn xao clip ‘công an vô tư đứng gọi điện thoại’ mặc tài xế vật lộn với cướp

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến dư luận đều cho rằng, hình thức xử lý kỷ luật Đại úy Lâm là “quá nhẹ” và “không phù hợp”. Ông Nguyễn Văn Lâm chỉ bị kỷ luật cảnh cáo, được điều về Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an Huyện Thanh Oai. Thậm chí có người còn cho rằng, ông Lâm không xứng đáng đứng trong hàng ngũ Công an Nhân dân vì hành xử vô cảm, thiếu trách nhiệm trước cảnh tính mạng người dân bị đe dọa, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người Công an.

Về hình thức kỷ luật Đại úy Lâm, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, lãnh đạo Bộ Công an đã nắm được thông tin, Công an TP Hà Nội đã có báo cáo về sự việc. Sau đó, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan xem xét trên các khía cạnh, thực hiện đúng quy chế, quy trình để ra quyết định phù hợp.

Về quan điểm cho rằng, mức độ kỷ luật đối với Đại úy Nguyễn Văn Lâm còn nhẹ, chưa phù hợp, phải cho ra khỏi ngành mới đúng với tính chất sự việc này, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, cơ quan chức năng sẽ xem xét.

Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung trao đổi với báo chí cho biết, kỷ luật cũng phải tuân thủ đúng quy trình, quy định.

“Chúng tôi làm gì cũng phải đúng theo trình tự, quy định. Cán bộ chiến sĩ vi phạm thì phải xử lý. Tuy nhiên, còn phải tuyên truyền, giáo dục, xem xét sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала