Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Chiều hướng tái vũ trang đáng lo ngại trên Biển Đông

© Ảnh : U.S. Navy/Petty Officer 3rd Class Nicholas HuynhUSS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry
USS Bunker Hill (CG 52) và USS Barry - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.04.2024
Đăng ký
Cuộc tập trận Balikatan của “tứ quốc hải quân” (Mỹ, Philippines, Pháp, Australia) từ ngày 22/4/2024 đến ngày 8/5/2024 cho thấy một chiều hướng tái vũ trang đáng lo ngại trên Biển Đông. Đó là triệu chứng cho thấy người Mỹ đang muốn tái lập lại khối SEATO dưới một mô hình mới… Việt Nam chọn đối thoại và hợp tác thay cho đối đầu.
Một trong những nội dung chính của cuộc diễn tập sắp tới là tiến hành “cuộc tập trận phòng không và phòng thủ tên lửa tổng hợp”, trong đó Lực lượng vũ trang Philippines sử dụng hệ thống tên lửa phòng không SPYDER và kiểm tra khả năng tương thích của chúng với các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Để hiểu rõ hơn về cuộc tập trận nói trên, chính sách quyết ngả theo Mỹ của Philippines và tác động của nó tới tình hình trên Biển Đông Sputnik đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích chính trị và quân sự quốc tế, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An Việt Nam.

Những điểm đáng chú ý của cuộc tập trận “Balikatan 2024”

Sputnik: Trong cuộc tập trận “Balikatan 2024”, Philippines sẽ lần đầu tiên thực hành quy trình trong khuôn khổ khái niệm “Phòng thủ quần đảo” mới nhằm chống lại Trung Quốc, đi ngược lại với tuyên bố của các chính trị gia Philippines, những người được cho là muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Đại tá có thể cho biết về những điểm đặc biệt của Balikatan năm nay và sự tham gia của Philippines?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích chính trị và quân sự quốc tế, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Khác với các cuộc tập trận trước đó, cuộc tập trận “Balikatan 2024” của “tứ quốc hải quân” (Mỹ, Philippines, Pháp, Australia) từ 22/4 đến 8/5 năm nay có nhiều điểm đáng chú ý.
Trước hết, đây là lần đầu tiên, một cuộc tập trận lớn do Mỹ bảo trợ không chỉ tiến hành trong vùng lãnh hải 12 hải lý của Philippines mà còn diễn ra cả trên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines. Điều này tạo ra nguy cơ xung đột với các nước khác tiếp giáp với Biển Đông nếu khu vực được lựa chọn để tập trận có chứa đựng các vùng chống lấn về EEZ giữa Philippines với các nước đó.
Điểm thứ hai, lần đầu tiên, quân đội Philippines đem chiếc tàu chở hàng duy nhất mà Philippines mua được của Trung Quốc đã hết thời hạn sử dụng ra làm “bia tập bắn”. Dư luận cho rằng hành động này nhằm “chọc tức” Trung Quốc cũng như thể hiện chính sách mới của tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr. là đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, quyết ngả theo Mỹ.
Điểm thứ ba là cuộc tập trận theo kiểu “phòng thủ quần đảo toàn diện” sẽ xác định năng lực kết nối giữa hải quân của 4 nước tham gia cuộc tập trận. Còn đối với Philippines, nó có nghĩa là quân đội nước này sẽ cùng với các đồng mình tiến hành cuộc chiến giả định để phòng thủ quần đào từ xa chứ không đợi đến khi vùng chủ quyền lãnh hải bị xâm phạm.
Điểm thứ tư lần đầu tiên, lực lượng tuần duyên Philippines (PCG) tương đương với cảnh sát biển hoặc biên phòng biển, gồm 4 tàu tuần tra cỡ nhỏ và 2 pháo hạm sẽ tham gia tập trận như một lực lượng hải quân chính quy. Trước đây, PCG chỉ tham gia bảo vệ vòng ngoài, ngăn chặn tàu thuyền dân sự đi vào khu vực diễn ra cuộc tập trận. Và đây là lần đầu tiên, PCG tham gia tập trận với hải quân nước ngoài. Điều này một mặt tăng cường cho lực lượng hải quân yếu kém của Philippines nhưng mặt khác, cũng khiến các quốc gia láng giềng của Philippines coi PCG không còn là lực lượng chấp pháp trên Biển Đông mà có thể trở thành lực lượng quân sự chính quy.
Điểm thứ năm là lần đầu tiên, lực lượng hậu cần của các bên tham gia được triển khai để vận chuyển nhanh loại tên lửa phòng không hiện đại RIM-174 Standard Missile 6 (SM-6) đến các trận địa dự kiến sẽ được bố trí ở phía Bắc đảo Luzon, đối diện với Trung Quốc và Đài Loan qua eo biển Luzon, cửa ngõ ra vào phía Đông Bắc Biển Đông và khu vực đảo Palawan, đối diện với huyện đảo Trường Sa của Việt Nam. Để giữ bí mật về vũ khí, trong kịch bản cuộc tập trận “Balikatan” lần này không có khoa mục xạ kích tên lửa SM-6.
Máy bay Không lực Hoàng gia Malaysia (RMAF) bay qua hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt trong  cuộc tập trận ở Biển Đông. - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.04.2024
Biển Đông
Việt Nam tránh xung đột, tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông
Điểm mới cuối cùng là sự tham gia của hải quân Pháp lần đầu tiên tham gia một cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông sau nhiều năm vắng bóng. Mặc dù chỉ đưa đến một lực lượng nhỏ nhưng đây là một hành động có tính tượng trưng để nói lên sự hiện diện trở lại của quân đội Pháp tại đây.
Người Mỹ đang muốn tái lập lại khối SEATO dưới một mô hình mới. Philippines quyết ngả theo Mỹ.
Sputnik: Ông đánh giá như thế nào về cuộc tập trận này từ khía cạnh khả năng làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh trên Biển Đông?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích chính trị và quân sự quốc tế, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Trong 3/4 thế kỷ qua kể từ khi Mỹ ký kết Hiệp ước phòng thủ chung 1951 với Philippines, quân đội hai nước này đã tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung đối với cả ba quân chủng, hải, lục, không quân và nhiều cuộc diễn tập chung về cứu hộ, cứu nạn. Trước khi khối xâm lược SEATO giải tán năm 1977, trên các vùng lãnh thổ đảo và lãnh hải của Philippines cũng diễn ra nhiều cuộc tập trận chung của khối này gồm Anh, Australia, Mỹ, Philippines, Pakistan, Pháp, New Zealand và Thái Lan.
Việc Mỹ và Philippines cùng các nước Australia, Pháp mở cuộc tập trận chung trên vùng biển thuộc Philippines từ ngày 22/4/2024 đến ngày 8/5/2024 cho thấy một chiều hướng tái vũ trang đáng lo ngại trên Biển Đông. Đó là triệu chứng cho thấy người Mỹ đang muốn tái lập lại khối SEATO dưới một mô hình mới. Điều này càng cho thấy những cuộc tập trận được người Mỹ gọi là “phòng thủ quần đảo” không những không đem lại hòa bình, ổn định và an toàn ở Biển Đông mà ngược lại, nó làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang trong khu vực khi Mỹ và Trung Quốc liên tục có những hành động khiêu khích và trả đũa lẫn nhau cả trên không và trên biển.
Việc Mỹ và Philippines bố trí các tên lửa phòng không SM-6 ở Bắc Luzon và Palawan là kịch bản bổ sung mới nhất vào các kịch bản tập trận “Balikatan”. Lý do của việc triển khai này được rút ra từ vụ không kích trả đũa bằng tên lửa hành trình và UAV cảm tử của Iran vào Israel hồi đầu tuần trước.
Trong quá trình phòng thủ, Mỹ đã hỗ trợ Israel không chỉ bằng các thông tin tình báo được chia sẻ mà còn bằng các hệ thống SM-6 đã viện trợ cho Israel trước đó. SM-6 là hệ thống tên lửa đa năng, có thể sử dụng vào mục đích phòng không chống tên lửa đạn đạo, phòng không hạm và chống hạm nổi. Hệ thống này gồm 4 bệ phóng và 1 đài điều khiển. Tên lửa SM-6 có tổng trọng lượng 1,5 tấn, tốc độ gấp 3,5 lần tốc độ âm thành, tầm bắn tối đa 240km với đầu nổ mảnh nặng 64kg; giá khoảng 4 triệu 870 nghìn USD/quả. Hải quân Philippines là lực lượng thứ 5 trên thế giới được trang bị SM-6 sau Mỹ, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc.
Sputnik: Hoạt động trên của Philippines đi ngược lại với tuyên bố của các chính trị gia Philippines, những người muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông. Như vậy, có thể nói, chính quyền Philippines hiện nay chọn con đường đối đầu với Trung Quốc?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích chính trị và quân sự quốc tế, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte rời chính trường, chính giới Philippines đang có sự chia rẽ nghiêm trọng. Một số chính trị gia, chủ yếu là các doanh nhân và giới trí thức muốn tiếp tục đường lối đối ngoại cân bằng của ông Duterte. Số còn lại, chủ yếu thuộc giới quân sự và một bộ phận giới ngoại giao ủng hộ đường lối tiếp tục “bắt tay chặt hơn” với Mỹ. Trong khi đó, thì vụ tranh chấp xuyên thế kỷ giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough chưa thể chấm dứt đã kích động chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng Philippines.
Giới truyền thông Mỹ và phương Tây luôn “tô đậm” những cuộc va chạm trên hai bãi cạn này để kích động tâm lý chống Trung Quốc ở Philippines. Điều này hoàn toàn có lợi cho Mỹ khi họ muốn hình thành “bộ ngũ hổ” gồm Mỹ, Nhật, Anh, Australia và Philippines để kiềm chế và phong tỏa Trung Quốc ở Tây Bắc Thái Bình Dương.

Việt Nam đã chọn chính sách đối thoại và hợp tác thay cho đối đầu

Sputnik: Một số nhà phân tích ở Nga đánh giá cao cách giải quyết xung đột của Việt Nam khi so sánh với Philippines…
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nhà phân tích chính trị và quân sự quốc tế, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin và khoa giáo, Bộ Công An:
Việt Nam khác Philippines ở cái thế “Bối tựa sơn, diện đối hải” (lưng tựa núi, mặt đối biển) nên có vị thế địa chiến lược, địa quân sự vững chắc hơn nhiều so với thế “tứ diện hải” của Philippines. Hơn nữa, đường lối đối ngoại quân sự “4 không” của Việt Nam được thực thi và duy trì trong 1/4 thế kỷ qua cùng với nhiều thành tựu về phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng và an ninh cho thấy vị thế quốc tế của Việt Nam ở một tầm mức vượt xa Philippines.
Mặc dù năm 2021, Cơ quan nghiên cứu “Hỏa lực toàn cầu” (Global Firepower) xếp Việt Nam có năng lực hải quân đứng thứ 5 Đông Nam Á nhưng các tiêu chí của Global Firepower lại chỉ dựa vào lực lượng và phương tiện mặt nước, tức là các chiến hạm, tàu sân bay và các tàu nổi khác. Global Firepower cũng không tính đến mục đích sử dụng hải quân để phòng thủ hay để tấn công nên cũng không thể có những cách sắp xếp phù hợp giữa mục tiêu nhiệm vụ và cơ cấu vũ khí, khí tài.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã thu hút sự tham gia của hơn 170 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.01.2024
Thứ quân đội Việt Nam sở hữu, không phải nước nào cũng có
Các lực lượng khác của hải quân như tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ, pháo binh – tên lửa bờ và đặc công hải quân đã không được tính đến. Đó là chưa nói đến chất lượng đội ngũ chỉ huy, sĩ quan và thủy thủ. Nếu tổng hợp tham số của tất cả các lực lượng trên đây thì chắc chắn năng lực phòng thủ của Hải quân Việt Nam không chỉ vượt xa Philippines mà còn có thể ngang tầm với những nước đứng đầu Đông Nam Á về hải quân.
Chính vì vậy mà mặc dù cùng có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc như Philippines nhưng Việt Nam đã chọn chính sách đối thoại và hợp tác thay cho đối đầu, lại càng không bao giờ “gọi quân dội nước ngoài đến cứu mình” như Philippines.
Ngày 11/4/ vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký bản ghi nhớ về lập đường dây nóng giữa Quân chủng Hải quân của Việt Nam với Chiến khu miền Nam của Trung Quốc. Sự kiện này không chỉ một lần nữa khẳng định mối quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt giữa hai nước mà còn giúp hai bên có những điều kiện thuận lợi để trao đổi những thông tin nóng, giúp giải quyết kịp thời những tranh chấp, không để xảy ra đụng độ, giảm thiểu căng thẳng, thông qua đó giữ gìn hòa bình và ổn định đường biên giới trên bộ, trên biển và trên không.
Bất chấp việc người Mỹ muốn lôi kéo Việt Nam về phe mình trong cuộc đối đầu giữa họ với Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình và ổn định, có quan tâm nhưng không bao giờ can thiệp và công việc nội bộ của nước khác, vào quan hệ song phương của đối tác với nước thứ ba và đặc biệt là không bao giờ tham gia một liên minh quân sự.
Sputnik: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn cho Sputnik.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала