Việt Nam không có quyền tự quyết, mất ăn mất ngủ vì Lọc dầu Nghi Sơn trục trặc

© Ảnh : Lọc hóa dầu Nghi SơnNhà máy Lọc dầu Nghi Sơn
Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.05.2023
Đăng ký
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cứ mỗi lần Lọc dầu Nghi Sơn bị làm sao là “chúng tôi mất ăn mất ngủ”.
Lọc hoá dầu Nghi Sơn là nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam, chiếm tới 35-40% nguồn cung xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Cô-oét và nhà đầu tư Nhật Bản. Phía doanh nghiệp Việt Nam - PVN chỉ góp vốn 25,1%, do vậy “tiếng nói cũng chỉ có mức độ".

Lọc dầu Nghi Sơn có nguy cơ dừng hoạt động?

Tình hình thoả thuận tái cấu trúc và nguy cơ dừng hoạt động nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là chủ đề làm nóng cuộc họp báo thường kỳ chiều ngày 18/5 của Bộ Công Thương.
Tại họp báo, nhiều cơ quan báo chí đặt câu hỏi liên quan đến thông tin Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Lọc dầu Nghi Sơn - NSRP) hiện vẫn thiếu hụt dòng tiền, không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc tài chính và lại có nguy cơ dừng hoạt động, đóng cửa.
Xuất hiện nhiều thông tin về việc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) của Việt Nam không đạt được thỏa thuận tái cấu trúc nợ với các chủ nợ, dẫn đến nguy cơ vỡ nợ sớm nhất vào tháng 11 và có thể phải dừng hoạt động.
“Chúng tôi muốn có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ Nhật Bản và Việt Nam”, - Nikkei dẫn lời Tổng giám đốc NSRP So Hasegawa báo cáo với các nghị sĩ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản vào ngày 7/5.
Hiện NSRP đang xin gia hạn khoản vay tài trợ dự án từ một nhóm các ngân hàng do Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đứng đầu.
Hôm nay, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề cung ứng xăng dầu trong thời gian tới cũng như tình hình nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, lọc hoá dầu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu trong nước, chiếm tới 35-40% nguồn cung.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.04.2023
Việt Nam quyết liệt trong tái cấu trúc Lọc dầu Nghi Sơn
Trong 4 tháng đầu năm, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó riêng tháng 4/2023 sản xuất được hơn 67.000 tấn xăng dầu và hiện nay là giữa tháng 5, nhà máy vận hành vẫn ổn định.
Trong tháng 6 và quý III, quý IV, theo kế hoạch, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương.
Về việc thu hút dòng tiền của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Tùng cho rằng, ngày 19/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi doanh nghiệp này và các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án.
“PVN khẳng định rằng, việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy và vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề “nội tại” của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các nhà đầu tư tham gia góp vốn - trên cơ sở cam kết các thỏa thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam”, - ông Tùng cho biết.
Đại diện Bộ Công Thương nhắc lại, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài, các bên phải chủ động, cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà máy này, đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường.

Nghi Sơn trục trặc là mất ăn mất ngủ

Thông tin thêm về các vấn đề liên quan đến nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ:
“Nghi Sơn chiếm tới 35-40% cho nhu cầu của thị trường nội địa mà mỗi một lần trục trặc, có bị làm sao thì chúng tôi mất ăn mất ngủ. Thực tế là như vậy, hiện nay Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đang và sẽ tiếp tục gặp tình trạng như vậy. Chúng ta phải làm thế nào, liệu có “không ngủ” mãi được không, phải có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này”, - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trăn trở.
Thứ trưởng Bộ Công Thương bổ sung thêm, nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Kuwait và nhà đầu tư Nhật Bản.
“Phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%, do vậy tiếng nói cũng chỉ có mức độ thôi”, - ông Hải thừa nhận.
Công tác nhập dầu thô của NMLD Dung Quất - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.02.2023
Lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất gặp sự cố, Petrolimex, PVOIL phải tăng nhập xăng dầu

Không có quyền quyết định

Như Sputnik đã thông tin, Nghi Sơn bản chất là một liên doanh giữa các tập đoàn Idemitsu Kosan và Mitsui Chemicals của Nhật Bản, tập đoàn dầu khí Kuwait và PetroVietnam. PVN chỉ nắm hơn 25% cổ phần nên rõ ràng Việt Nam khó tự quyết về các vấn đề liên quan đến nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này.
Thực tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành trong lĩnh vực dầu khí, việc giải quyết trong nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề nội tại của nhà máy này.
Còn Chính phủ, bộ ngành hoặc bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào cũng chỉ tham gia theo đúng các thoả thuận của các bên đã có cam kết.
“Đây cũng là điểm khó trong vấn đề xử lý, nhưng cái khó nhất là nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, mà chúng ta lại không có quyền quyết được”, - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thêm nữa, trong quá trình hoạt động mỗi một năm, nhà máy có ít nhất 30-45 ngày bảo dưỡng, chưa kể các trục trặc về kỹ thuật.
“Suốt mấy năm, từ khi bắt đầu đưa vào sản xuất thường xuyên có tình trạng như vậy. Một doanh nghiệp, nhà máy cung ứng xăng dầu lớn cho thị trường mà thường xuyên không ổn định cho thị trường là điều rất khó. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi rất bám sát nhà máy này, xem hàng ngày, hàng giờ có gặp vấn đề gì không. Nhưng tinh thần, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt bám sát, làm mức tốt nhất, cao nhất đảm bảo nguồn cung”, - ông Hải cho biết.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Tại họp báo, thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu, trong bối cảnh giá và nguồn cung xăng dầu trong nước cũng như thế giới còn nhiều biến động khó lường, Bộ Công Thương sẽ theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện.
Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.
Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
Chủ động nguồn hàng (từ nguồn trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới.
Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp.
Đồng thời, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Hội nghị - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.02.2022
Quốc hội Việt Nam ‘sờ đến’ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn
Đại diện Bộ Công Thương nhắc lại, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu (tại hợp đồng ký kết giữa các bên), đảm bảo các thương nhân sản xuất xăng dầu thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng nội dung, sản lượng đã ký kết tại hợp đồng mua bán xăng dầu ký kết giữa các bên.
Bộ Công Thương kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các thương nhận đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, giảm khó khăn cho doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần chỉ đạo các nhà máy lọc dầu (Nghi Sơn, Dung Quất - PV) ổn định trong hoạt động sản xuất và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ”, - ông Tuấn nói.
Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Công Thương, ngành Công Thương cả nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tạo nguồn xăng dầu, hỗ trợ cho lưu thông xăng dầu để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các địa bàn trên cả nước.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала