Rút tiền hàng loạt ở SCB, NHNN can thiệp sớm tránh vết xe đổ như các ngân hàng Mỹ

© TTXVN - Bùi Doãn TấnUBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
UBTV Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.06.2023
Đăng ký
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quy định can thiệp sớm được đưa vào dự thảo trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như từ sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10/2022.
Đặc biệt là Việt Nam đã tham khảo, đúc rút kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới gần đây, điển hình như tại Mỹ.
Người đứng đầu NHNN cũng lưu ý, trong quá trình hoạt động của các ngân hàng khó tránh khỏi giai đoạn gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro để họ chấn chỉnh kịp thời. Trường hợp diễn biến xấu, có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân, mức độ quản lý, can thiệp sẽ mạnh hơn.

Từ vụ SCB, can thiệp sớm để ngăn rút tiền hàng loạt

Một nội dung quan trọng được bàn thảo nhiều liên quan đến Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều ngày 10/6, đó là quy định sáu trường hợp áp dụng “can thiệp sớm” tổ chức tín dụng.
Trước đó, như đã thông tin, nhà chức trách Việt Nam đang xem xét việc ngoại trừ trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt cần phải xử lý ngay, tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém trong thời gian dài cũng có thể được áp dụng biện pháp can thiệp sớm để phòng rủi ro.
Cụ thể, nhà băng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ.
Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác.
Góp ý về dự thảo luật, ông Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị làm rõ bị rút tiền hàng loạt ở mức độ nào thì cần có sự can thiệp của Ngân hàng nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.06.2023
Xảy ra rút tiền hàng loạt ở ngân hàng SCB chưa từng có trong lịch sử, Thống đốc nói
Ông lưu ý, dự thảo hiện chưa có đánh giá để làm rõ tương quan giữa giám sát tăng cường và can thiệp sớm, chưa có biện pháp kiểm soát đặc biệt để nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn của các bên liên quan.
“Để tránh nguy cơ đổ vỡ kéo theo dây chuyền là rất nguy hiểm, cần quy định can thiệp sớm với tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý nhà nước. Nếu để xảy ra trường hợp phải can thiệp sớm mà chưa có biện pháp xử lý từ đầu thì thế nào?”, - ông Hòa đặt vấn đề.
Việc này để đảm bảo minh bạch, kịp thời, tránh rủi ro như sự việc rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng Sài Gòn - SCB tháng 10 năm ngoái.
Cũng từ vụ việc SCB vừa qua, đại biểu đề nghị bổ sung biện pháp không cho phép tổ chức tín dụng thực hiện các khoản đầu tư. Đồng thời, quy định cần làm rõ việc rút tiền hàng loạt ở mức độ nào sẽ cần sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo sự minh bạch, cân đối kịp thời.
Về khoản vay đặc biệt, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng tình với những nội dung quy định trong dự thảo là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống, tạo lòng tin tuyệt đối với khách hàng. Tuy nhiên, cũng cần rạch ròi khi áp dụng sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống, gây bất ổn cho xã hội.
Về thẩm quyền cho vay đặc biệt, đại biểu Hoà kiến nghị, quyết định tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt phải khoanh nợ vay, đến khi nào thu hồi nợ được, khách hàng sẽ hoàn trả lại.
Nếu không quy định rõ sẽ không công bằng với các tổ chức tín dụng hoạt động có hiệu quả. Về tài sản đảm bảo cho vay đặc biệt, ông Hoà cho rằng, cần có chính tài sản đảm bảo của khách hàng gửi cho tổ chức tín dụng.
Về bán nợ xấu và tài sản đảm bảo quy định bán phù hợp với giá thị trường, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cần có quy định hướng dẫn chi tiết thực hiện.
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (đoàn TP Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định theo hướng yêu cầu tổ chức tín dụng khi áp dụng các biện pháp can thiệp sớm thì hằng quý báo cáo tình hình thực hiện phương án khắc phục để bảo đảm được tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.05.2023
Hậu SCB-Vạn Thịnh Phát, Chứng khoán Tân Việt TVSI bị kiểm soát đặc biệt
ĐBQH Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu. Từ đó hoàn thiện các quy định bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Tránh hành chính hóa quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.

NHNN là người cho vay ‘cứu cánh’ cuối cùng

Giải trình tại Quốc hội sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề can thiệp sớm - đây là điểm mới trong dự thảo luật lần này và là biện pháp rất cần thiết.
“Luật hiện hành có quy định can thiệp sớm nhưng quy định thời hạn một năm là rất ngắn và lại không quy định các biện pháp hỗ trợ nên trong thực tiễn rất khó triển khai”, - Thống đốc thẳng thắn.
Những quy định này được dự thảo trên cơ sở thực tiễn những vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thời gian qua, cũng như thực tiễn từ sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB tháng 10/2022. Đặc biệt là tham khảo kinh nghiệm từ sự đổ vỡ của các ngân hàng trên thế giới gần đây tại Mỹ.
Theo đó, với một tổ chức tín dụng được thành lập, cấp phép, khi đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì trong quá trình hoạt động của mình do những yếu tố khách quan và chủ quan sẽ có những thời điểm, giai đoạn gặp khó khăn. Trong quá trình thanh tra, giám sát, cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời.
“Còn nếu các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn thông qua quá trình can thiệp sớm”, - người đứng đầu NHNN nêu rõ.
Thống đốc cho rằng, trong quá trình can thiệp sớm này, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu của ngân hàng. Họ phải có phương án xây dựng để khắc phục những khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động của họ. Đặc biệt trong giai đoạn này các ngân hàng sẽ cần các cái giải pháp hỗ trợ.
Dự thảo luật lần này quy định các biện pháp hỗ trợ, nhưng trong biện pháp hỗ trợ đó có cả hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước với vai trò là “người cho vay cứu cánh cuối cùng” khi các tổ chức tín dụng bị khó khăn về thanh khoản, đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.04.2023
Ngăn rút tiền hàng loạt như ở SCB: Ngân hàng Nhà nước được thêm quyền
Ngoài hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, dự thảo luật cũng quy định các giải pháp hỗ trợ từ việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng khác, từ bảo hiểm tiền gửi và từ ngân hàng hợp tác xã.
Việc thiết kế theo hướng huy động nguồn lực như vậy cũng là để tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung và giúp giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng nói riêng.
“Chúng ta cần các giải pháp can thiệp sớm để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng bình thường, có thể có lý do nào đó vẫn có sự cố rút tiền hàng loạt, thì sẽ đưa vào quá trình can thiệp sớm. Còn trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt là giai đoạn rất khó khăn rồi, không thực hiện giải pháp hỗ trợ sẽ khó đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng”, - Thống đốc lý giải.

Ngăn sự kiện rút tiền hàng loạt như SCB và các ngân hàng Mỹ

Theo đó, ở lần sửa đổi này, các biện pháp can thiệp sớm được thiết kế dựa trên thực tế vướng mắc trong tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB và tham khảo kinh nghiệm từ đổ vỡ của các ngân hàng tại Mỹ vừa qua.
Dẫn chứng điển hình, như ngân hàng của Mỹ, có tổng tài sản trên 200 tỷ USD, nợ xấu thấp chỉ dưới 1%, có dự phòng rủi ro so với giá trị nợ xấu gấp 4-6 lần, song vẫn bị rủi ro rút tiền hàng loạt, Thống đốc nhắc lại, chỉ trong vài ngày, các ngân hàng này bị rút tới 100 tỷ USD, buộc phải nhận hỗ trợ từ ngân hàng Trung ương và khoản vay vài chục tỷ USD từ các nhà băng khác.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.05.2023
SCB không sụp đổ nhờ sự linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ Việt Nam
“Thực tế kinh nghiệm của quốc tế vừa qua cho thấy, không phải chờ đến khi các tổ chức tín dụng khó khăn về thanh khoản mới cần phải xử lý mà chúng ta cần các giải pháp can thiệp sớm để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, - Thống đốc NHNN đúc rút.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала