Sự thật Bamboo Airways phá sản và Sacombank là ngân hàng cho vay nhiều nhất

© Ảnh : Airbus S.A.S. 2018/FIXION/DreamstimeMáy bay Bamboo Airways A321neo
Máy bay Bamboo Airways A321neo - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2023
Đăng ký
Bamboo Airways lên tiếng về tin hãng hàng không khá lớn của Việt Nam xin phá sản và khẳng định, CTCP hàng không Tre Việt vẫn đang hoạt động ổn định.
Trước đó, tin đồn một hãng hàng không xin Chính phủ bảo hộ phá sản được lan truyền sau khi ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thông tin về tình hình hãng hàng không rất khó khăn và tiết lộ, đã có một hãng xin bảo hộ phá sản.
Đại diện Bamboo Airways khẳng định, Bamboo Airways không có chủ trương phá sản, công ty vẫn đang cố gắng tái cấu trúc, làm việc với đối tác để kêu gọi nhà đầu tư.

Tin đồn về một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam xin phá sản

Những ngày qua, dư luận tại Việt Nam xôn xao về thông tin một hãng hàng không "khá lớn" đã xin Chính phủ bảo hộ phá sản.
Như đã đưa tin, trước đó, tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa đã chia sẻ thẳng thắn về tình hình khó khăn chung của các hãng hàng không trong nước.
Sếp Vietnam Airlines cũng tiết lộ về thông tin "có một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản".
"Các hãng bay đang rất khó khăn, thậm chí theo tôi được biết, đã có hãng hàng không khá lớn của Việt Nam gần đây đã phải xin Chính phủ bảo hộ phá sản. Vì vậy đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không để phục hồi", - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho hay.
Thông tin này sau đó gây xôn xao dư luận. Trên Google xu hướng ghi nhận các từ khoá tìm kiếm như "hãng hàng không nào xin bảo hộ phá sản", "Bamboo Airways phá sản", "Bamboo xin bảo hộ phá sản", "FLC phá sản", "Pacific Airlines", "Jetstar Pacific Airlines", "các hãng hàng không Việt Nam"…
Các từ khoá tìm kiếm trên Google Xu hướng liên quan tin đồn về Bamboo Airways
Các từ khoá tìm kiếm trên Google Xu hướng liên quan tin đồn về Bamboo Airways - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.07.2023
Các từ khoá tìm kiếm trên Google Xu hướng liên quan tin đồn về Bamboo Airways

"Bamboo Airways không có chủ trương phá sản"

Thậm chí, đến chiều 14/7, trên mạng xã hội tại Việt Nam, nhất là các group về chứng khoán trên Facebook lan truyền bản chụp trang cuối báo cáo có đóng dấu của Phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) liên quan đến tin đồn Bamboo Airways xin phá sản.
Trong văn bản có nội dung: "Với thực tế hiện nay, nhóm nhà đầu tư mới không còn nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ tái cơ cấu Bamboo Airways. Vì vậy hãng đang dự kiến thực hiện việc nộp hồ sơ xin phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật".
Cùng với đó, Bamboo Airways cũng "xin trân trọng cảm ơn và kính mong nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".
Trả lời báo Tuổi trẻ ngày 14/7, thành viên hội đồng quản trị Bamboo Airways Phan Đình Tuệ khẳng định Bamboo Airways không có chủ trương phá sản.
Ông Tuệ cho hay, nội dung báo cáo gây hiểu lầm. Theo vị này, đúng là một Phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật trước đây của Bamboo Airways có ký một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo thực trạng khó khăn của Bamboo Airways và đề xuất Chính phủ có những giải pháp hỗ trợ.
Tuy nhiên, trên thực tế không chỉ Bamboo Airways mà thời gian qua những doanh nghiệp lớn gặp khó khăn cũng có những văn bản báo cáo xin Chính phủ xem xét, hỗ trợ.
Văn bản này do cá nhân phó chủ tịch thời điểm đó mong muốn báo cáo (khó khăn), chứ không phải nghị quyết của hội đồng quản trị. Hiện vị này cũng đã thôi làm phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật của Bamboo Airways.

Theo ông Tuệ: "Mục đích của văn bản chỉ báo cáo Thủ tướng để xin giải pháp, nhưng cách diễn đạt đã gây hiểu lầm. Cộng với thông tin úp mở về việc một hãng hàng không khá lớn của Việt Nam báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản gần đây khiến tin đồn lan rộng".

Cũng theo ông Tuệ, đúng là Bamboo Airways có khó khăn thật nhưng công ty vẫn đang cố gắng tái cấu trúc, làm việc với đối tác để kêu gọi nhà đầu tư.
Bamboo Airways cũng đang đàm phán với các chủ tàu xin gia hạn các khoản thanh toán đến hạn và họ cũng đồng ý do công ty hiện đang hoạt động tốt.
Máy bay Airbus A321Neo của Bamboo Airways - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.07.2023
Ai đang nắm Bamboo Airways?

STB của Sacombank bị ảnh hưởng vì tin đồn liên quan Bamboo Airways

Đáng chú ý, tin đồn Bamboo Airways xin phá sản còn ảnh hưởng đến cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), đặc biệt, kèm với bản chụp báo cáo là thông tin "Sacombank cho vay nhiều nhất".
Sau khi xuất hiện nhiều thông tin lan truyền, cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có lúc rớt sàn về mức 27.900 đồng/cổ phiếu, đến cuối phiên đã hồi phục về mức 29.000 đồng/cổ phiếu.
Thành viên hội đồng quản trị Bamboo Airways Phan Đình Tuệ cho biết Sacombank cho Bamboo Airways vay hơn 2.000 tỷ đồng. Khẳng định với Tuổi Trẻ, ông Tuệ nêu rõ, đây là hạn mức đã được Sacombank cấp cho Bamboo Airways nhiều năm nay.
Hiện doanh thu mỗi tháng của Bamboo Airways từ 1.500 - 2.000 tỷ đồng và dòng tiền về Bamboo Airways đều thanh toán đầy đủ cho ngân hàng các khoản đến hạn.
Đợt dịch COVID-19, Sacombank cũng đồng hành với Bamboo Airways theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp hàng không, du lịch, tàu xe.

"Chúng tôi vẫn đang hoạt động ổn định"

Trước các tin đồn lan truyền, ngày 14/7, hãng hàng không Bamboo Airways đã phát đi phản hồi chính thức.
Cụ thể, trong thông báo phát đi vào chiều nay, Bamboo Airways cho biết trong thời gian vừa qua, hãng đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ.
"Đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối", - hãng hàng không Tre Việt nhấn mạnh.
Trong đó, Bamboo Airways đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục phụng sự khách hàng, đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm", - thông báo của Bamboo Airways nêu rõ.
Bộ áo vest - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.05.2023
Profile "khủng" của tân Tổng giám đốc Bamboo Airways

Thay đổi nhân sự quan trọng ở Bamboo Airways

Mới đây, Hội đồng quản trị Bamboo Airways đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm của 4 thành viên HĐQT.
Bốn cá nhân xin từ nhiệm bao gồm Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways ông Oshima Hideki; Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Nguyễn Ngọc Trọng; Phó Chủ tịch HĐQT Doãn Hữu Đoàn và Phó Chủ tịch HĐQT Phan Đình Tuệ.
HĐQT Bamboo Airways đã thông qua quyết định bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023 - 2028 thay thế các thành viên từ nhiệm.
Theo đó, như Sputnik đưa tin, ông Lê Thái Sâm sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, ông Oshima Hideki giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Lê Bá Nguyên và ông Nguyễn Ngọc Trọng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT.
Ông Nguyễn Minh Hải, người được kỳ vọng giúp Bamboo Airways có lãi cũng đã xin từ nhiệm dù mới nhận vị trí CEO hãng bay này vào cuối tháng 5.
Thay ông Hải, ông Nguyễn Ngọc Trọng sẽ kiêm đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Bamboo Airways.
Hàng không Tre Việt khẳng định, việc điều chỉnh cơ cấu HĐQT và Ban Tổng giám đốc là một phần trong tiến trình tiếp tục kiện toàn bộ máy nhân sự trong công cuộc tái cơ cấu tổ chức của Bamboo Airways.
Máy bay của Vietnam Airlines - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2023
Đã có hãng bay Việt xin phá sản, sếp Vietnam Airlines đi Trung Quốc xin slot thất bại

Cục Hàng không chưa nắm thông tin hãng bay Việt nào xin phá sản

Liên quan đến thông tin một hãng hàng không Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phá sản, ngày 14/7, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho hay, Cục Hàng không vẫn chưa nắm thông tin.
"Tôi chưa nắm được thông tin và không có bình luận gì về vấn đề hãng bay Việt Nam nào phá sản", - báo Người lao động dẫn lời ông Thắng cho biết.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, luật phá sản có các quy định pháp luật về phá sản và phải thực hiện theo trình tự.
Phát biểu bên lề hội nghị công bố quy hoạch các cảng hàng không, sân bay hôm nay, Cục trưởng Đinh Việt Thắng nhấn mạnh Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam luôn cố gắng hỗ trợ tối đa cho các hãng bay vì thông cảm và hiểu được khó khăn của các hãng sau đại dịch COVID-19.
Ông Thắng chỉ rõ, đây không chỉ là khó khăn riêng của Việt Nam mà các hãng bay trên thế giới đều gặp phải. Theo lãnh đạo Cục Hàng không, cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các hãng hàng không trong thời gian tới.
Lý giải về việc liệu các hãng bay gặp khó khăn về nguồn lực có dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng an toàn bay hay không, ông Đinh Việt Thắng cho rằng, Cục Hàng không đang kiểm soát chặt chẽ an toàn bay.
Do đó, các khó khăn của các hãng bay về nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến an toàn bay, không có chuyến bay nào không bảo đảm an toàn có thể cất cánh.
Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là Nhà chức trách hàng không sẽ quản lý hết sức chặt chẽ vấn đề này dù thời gian qua có xảy ra một số vụ việc về an toàn bay nhưng không phải do các hãng hàng không gặp khó khăn.
"Cục đang điều tra và sẽ thông tin sớm về các sự cố nhằm rà soát và bổ sung nguyên tắc an toàn trong công tác điều hành bay", - lãnh đạo Cục Hàng không nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала