Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920
Biển Đông
Tin tức, sự kiện, quan điểm, bình luận về tình hình Biển Đông, tranh chấp lãnh thổ, biển đảo.

Việt Nam muốn hoà bình ở Biển Đông

© TTXVN - An Văn ĐăngBộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng
Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.07.2023
Đăng ký
Nhân kỷ niệm 7 năm phán quyết Biển Đông khi Philippines thắng kiện Trung Quốc, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò hay đường chín đoạn của Bắc Kinh, Việt Nam ra tuyên bố đề cao giải quyết các tranh chấp biển đảo bằng biện pháp hoà bình.
Đại diện chính quyền Hà Nội tái khẳng định, Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông

Bắc Kinh luôn tìm cách độc chiếm Biển Đông, nỗ lực áp đặt yêu sách đường chín đoạn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của các quốc gia có chung tranh chấp biển đảo ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines hay Malaysia.
Ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực đã ra Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Dịp này, vừa tròn 7 năm ngày Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc đặt tại La Haye, Hà Lan (PCA) ở Hà Lan ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines với những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông với cái gọi là "đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn".
Sau nhiều bất đồng, mâu thuẫn, tháng 1 năm 2013, chính quyền cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino đã nộp đơn kiện lên PCA, nhấn mạnh, cái gọi là "đường chín đoạn" hay "đường lưỡi bò" là do Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông không phù hợp với UNCLOS và cần được tuyên bố là vô căn cứ.
Chính quyền Philippines khởi kiện Trung Quốc 15 nội dung, tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau:
Thứ nhất, Philippines cho rằng, yêu sách đường chín đoạn Trung Quốc đưa ra dựa trên "quyền lịch sử" không phù hợp với UNCLOS và vô giá trị. Manila nhấn mạnh vào tính bất hợp pháp của bản đồ đường 9 đoạn được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế.
Thứ hai, Philippines yêu cầu PCA xác định một số thực thể địa lý, mà cả Philippines lẫn Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi ngầm nằm hoàn toàn dưới mực nước biển, trên cơ sở đó để xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể này đến đâu (tức có hay không có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý). Trong đó, 9 thực thể bao gồm Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên, Gạc Ma, Vành Khăn, Cỏ Mây, Subi, Kennan và Gaven. Nhìn từ phía Philippines, Scarborough, Chữ Thập, Châu Viên và Gạc Ma là các bãi đá, do vậy, có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Trong khi đó, Subi, Vành Khăn, Cỏ Mây, Kennan và Gaven là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền và chiếm đóng.
Tàu Trung Quốc trên Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.07.2023
Biển Đông
Cảnh sát biển Philippines cáo buộc tàu Trung Quốc hành động "nguy hiểm"
Thứ ba, Philippines yêu cầu PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi cản trở Philippines thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền tự do của Philippines theo UNCLOS.
Manila lưu ý đến tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines. Chính quyền tổng thống Benigno Aquino cáo buộc Bắc Kinh vi phạm UNCLOS vì đã tiến hành đánh cá và các hoạt động xây dựng gây phương hại đến các quyền lợi biển của Philippines.
Tiếp đó, Philippines kêu gọi tòa án lên tiếng để Trung Quốc không tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa.

Phán quyết cuối cùng

Sau 3 năm thụ lý và xem xét, ngày 12/7/2016, Toà Trọng tài Quốc tế PCA đã ra phán quyết tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" hay "đường lưỡi bò" bao phủ 3,5 triệu km2 ở Biển Đông của Trung Quốc là "không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế".
Toà PCA khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có hiệu lực để có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây hại cho môi trường biển, làm trầm trọng thêm tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết của Toà Trọng tài PCA là phán quyết cuối cùng và có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên liên quan, cũng là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Cùng với đó, PCA đã khẳng định vai trò tối thượng của luật pháp quốc tế trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông dù toà này không có cơ chế thi hành phán quyết.
Trung Quốc không tham gia vụ kiện và bác bỏ phán quyết của PCA, dù là một thành viên của UNCLOS. Trung Quốc tuyên bố vụ kiện không hợp pháp vì đã vi phạm "Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông" (DOC) cũng như một thỏa thuận song phương giữa Trung Quốc và Philippines không đơn phương kiện đối phương ra Tòa trọng tài trong khi vẫn còn những kênh giải quyết tranh chấp hiệu quả khác.
Biển Đông - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.06.2023
Biển Đông
Việt Nam theo dõi sát tàu Hướng Dương Hồng 10 trên Biển Đông
Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ thủ tục bắt buộc nào của Tòa đối với cả việc phân định biên giới biển cũng như giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Cũng từ đó đến nay, Bắc Kinh liên tục phủ nhận phán quyết của PCA và tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông bằng cách bồi đắp, quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo tại khu vực vùng biển tranh chấp.

Lập trường của Việt Nam

Trong các tuyên bố chính thức của mình, Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hà Nội bác bỏ yêu sách đường chín đoạn và nhấn mạnh mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Đồng thời, các bên liên quan cần đóng góp vào duy trì hoà bình ở Biển Đông.
Ngày 15/7, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam nhân dịp 7 năm Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhất quán lập trường rằng, Hà Nội muốn hoà bình ở Biển Đông.

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp ở Biển Đông giữa các Bên liên quan cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, đóng góp cho hòa bình và hợp tác ở Biển Đông", - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng bày tỏ.

Hà Nội tái khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
"Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS", - phát ngôn viên Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала