Cử nhân “lao đao” tìm việc: Thiếu kỹ năng hay nhu cầu tuyển dụng thu hẹp?

© Depositphotos.com / DragonImagesSinh viên Việt nam.
Sinh viên Việt nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.12.2023
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Đứng trước bối cảnh suy thoái, lao động có trình độ, đặc biệt là cử nhân mới ra trường, cũng không nằm ngoài “kiếp nạn” tìm việc. Thực tế này có đúng cho hầu hết các lĩnh vực hiện nay tại Việt Nam?

Cắt giảm mạnh ngành công nghệ

Báo cáo "Thực trạng & Xu hướng tuyển dụng ngành Công Nghệ Thông Tin năm 2023" do VietnamWorks inTECH (trực thuộc Navigos Group) công bố, các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM chịu tác động mạnh bởi làn sóng sa thải nhân sự công nghệ hơn các tỉnh thành khác. TP.HCM có tỉ lệ cắt giảm nhân sự ngành này cao nhất (22,2%), Hà Nội thấp hơn và thường chọn cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác (chiếm 14,7%).
Chia sẻ với Sputnik, bạn Lương Tường Vi, cử nhân Học viện Bưu chính Viễn thông, cho biết:

“Mình trước làm cho một công ty công nghệ. Do công ty không có doanh thu nên dần cắt bớt nhân sự và mình là một trong số đó. Hiện giờ mình vẫn đang tìm công việc đúng ngành IT đã được đào tạo. Mình có rải hồ sơ rất nhiều bên nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Mình phải làm freelance để trang trải cuộc sống hiện giờ”.

Tường Vi chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các cử nhân đại học “chật vật” tìm việc trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Yên, Giám đốc kỹ thuật Công ty CoAsia SEMI Vietnam, phân tích:

“Vi mạch được nhắc đi nhắc lại nhiều bởi vấn đề nguồn nhân lực, nhưng thực chất là rất khó tuyển các bạn có kinh nghiệm chứ không nằm ở đào tạo. Với việc tuyển dụng các bạn sinh viên mới ra trường thì các công ty ngày càng giảm nhiệt tình, không phải vì năng lực của các bạn không đủ tốt mà vì thời gian để các bạn trưởng thành thường là 3~5 năm. Nhưng trong 3~5 năm đó các bạn có rất nhiều lời mời chào hấp dẫn không thể từ chối. Sẽ rất mất thời gian để thuyết phục công ty tin rằng tuyển sinh viên mới ra trường có lợi hơn việc tuyển trực tiếp từ nguồn nhân lực sẵn có trên thị trường”.

Đối với ngành vi mạch nói riêng, công nghệ thông tin nói chung, chuyên gia trên cho rằng, đây là vòng hồi tiếp âm, không nhiều công ty tuyển sinh viên mới ra trường thì sẽ không có nguồn kỹ sư có kinh nghiệm để các công ty mới gia nhập thị trường tuyển dụng.

“Dần dần, số lượng tuyển dụng sinh viên mới ra trường chỉ đủ đề bù số lượng nhân viên nghỉ việc. Với quy mô 40 công ty, rất có thể chúng ta sẽ đối mặt với nguy cơ bão hoà ở con số 5.000~6.000 kỹ sư thiết kế chip trong vài năm tới. Nhưng một điều chắc chắn là thu nhập của các bạn sẽ ngày càng được cải thiện. Do đó, nếu thu nhập càng tăng nhanh thì bão hoà ở số lượng 5.000-6.000 cũng ngày càng nhanh”, ông Yên cho biết thêm.

Ngân hàng vẫn cần nhân sự

Nguyên nhân sinh viên mới ra trường khó tìm việc có nhiều yếu tố tác động, trong đó bản thân nhu cầu của từng lĩnh vực cũng đóng vai trò không nhỏ. Chia sẻ với Sputnik, một chuyên viên nhân sự cấp cao của ngân hàng quốc tế tại Việt Nam, nhận định:

“Đối với ngân hàng, việc tuyển dụng vẫn diễn ra bình thường do chính sách dành cho ngân hàng thay đổi từ tháng 9/2023. Ngân hàng chúng tôi ưu tiên lấy fresher (sinh viên mới ra trường) tốt nghiệp các trường top đầu như ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), Học viện Ngân hàng hay FPT. Chúng tôi không tuyển nhân sự từ các ngân hàng có uy tín thấp do đặc thù ngành này là uy tín, tạo niềm tin nên con người phải có độ tin cậy”.

Theo chuyên gia này, tỷ lệ cạnh tranh khi làm việc đối với các fresher ngân hàng khá cao. Vị chuyên gia cho biết thêm:

“Trong số 100 người tuyển được thì vẫn sẽ có 8-10 người không qua được thử việc vì áp lực công việc của ngành cao. Việc tuyển dụng còn phụ thuộc vào thị trường. Cuối năm, nhân sự cũng “án binh bất động” vì ai cũng chờ nhận thưởng cuối năm và thưởng Tết. Do đó, thị trường việc làm cũng kém sôi động hơn. Ra Tết mới là mùa nhảy việc”.

Đối với khối ngân hàng, việc tuyển dụng sau Tết là đương nhiên do nhân sự đi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, không có nhiều biến động.

“Khi các bạn tích đủ kinh nghiệm, có thể quay trở lại ngân hàng ban đầu với vị trí và mức lương cao hơn. Tôi tin rằng, những bạn sinh viên mới ra trường có trình độ và năng lực hãy tự tin ứng tuyển. Nhà tuyển dụng sẽ không bỏ sót các ứng viên tiềm năng ”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần gì ở ứng viên?

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phân tích từ dữ liệu của hơn 20.100 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và hơn 78.000 lao động tìm việc từ tháng 4-2023 đến hết tháng 6-2023, nhận định gần một nửa lao động chấp nhận mức lương thấp để có việc làm.
Trong 42% người tìm việc có bằng cử nhân trở lên thì có 53% ứng tuyển làm nhân viên, 28% tìm kiếm vị trí quản lý bậc trung (gấp đôi so nhu cầu tuyển dụng) và chỉ 2% lao động tìm kiếm vị trí quản lý bậc cao.
Trưởng phòng nhân sự một tập đoàn viễn thông lớn của Việt Nam chia sẻ với Sputnik, tập đoàn này trước đây chỉ tuyển tân cử nhân từ các trường Đại học thuộc top đầu Việt Nam, nhưng nay cũng phải “hạ chuẩn”.

“Các bạn trẻ hiện nay nhanh nhẹn, được tiếp cận với nhiều công nghệ và thông tin cần thiết từ rất sớm, song cũng không ít bạn vẫn còn thụ động chờ đợi sự giúp đỡ. Điểm lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp là kỹ năng các bạn sinh viên mới ra trường. Ở đây không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn mà còn cả những nghiệp vụ thực tế đơn giản", trưởng phòng nhân sự cho biết.

Lý giải nhiều tân cử nhân rải CV khắp nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc ưng ý, chuyên gia này cho rằng đó là do mức độ employability (khả năng được tuyển dụng) của các bạn chưa cao vì thiếu những kỹ năng thiết yếu.

“Bên cạnh đó, nhiều bạn chưa tìm hiểu đủ sâu các doanh nghiệp cũng như vị trí ứng tuyển mà cứ rải CV ồ ạt, không biết công việc đòi hỏi những gì, thậm chí không cho thấy bản thân có thể đáp ứng được gì cho nhà tuyển dụng”, trưởng phòng nhân sự nhấn mạnh.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала