Президент Демократической республики Вьетнам Хо Ши Мин в окружении пионеров в Крыму - Sputnik Việt Nam, 1920
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến Liên Xô vào ngày 30 tháng 6 năm 1923, Người đã có hơn 6 năm học tập, lao động, giác ngộ lý tưởng Cộng sản và lãnh đạo phong trào cách mạng ngay trên chính quê hương của Cách mạng Tháng Mười lịch sử.

Đài Matxcơva phát thanh bằng tiếng Việt phủ sóng toàn cầu

© Ảnh : The voice of VietnamĐài tiếng nói Việt Nam
Đài tiếng nói Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.12.2023
Đăng ký
Sputnik tiếp tục loạt bài mạn đàm về những giai đoạn đáng nhớ và những sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Nga-Việt.
Đầu thập niên 50 của thế kỷ trước được đánh dấu bằng một bước ngoặt trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp. Vào tháng 9 và tháng 10 năm 1945, Hồ Chí Minh đã hướng tới Stalin yêu cầu giúp đỡ nước cộng hòa non trẻ. Tuy nhiên, trong điều kiện các cảng của Việt Nam do quân Pháp kiểm soát và các khu vực phía nam Trung Quốc do Quốc dân đảng kiểm soát, Liên Xô chỉ có thể hỗ trợ ngoại giao cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng, năm 1950, tình hình đã thay đổi hoàn toàn.
Matxcơva chính thức công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Còn các khu vực Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhờ đó, các lực lượng yêu nước của Việt Nam tiếp cận được các nước bạn bè và các nước bạn bè có cơ hội thực sự để cung cấp cho Chính phủ Hồ Chí Minh nhiều sự hỗ trợ. Những chiến thắng của lực lượng yêu nước đã mở ra một giai đoạn mới của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thính giả đầu tiên của Đài phát thanh Matxcơva tại Việt Nam

Các chiến sĩ thuộc đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam nơi anh Ngô Thi tham chiến đã tịch thu chiếc radio tại một trạm kiểm soát của Pháp. Chỉ huy của đơn vị này phân công người trực phải đạp chiếc xe đạp mà các thợ thủ công biến thành máy phát điện để nghe đài. Ngày 3/9/1951, khi lần lượt xoay núm điều chỉnh, anh Ngô Thi nghe thấy câu "Đây là Đài phát thanh Matxcơva" bằng tiếng Việt. Đây là lần phát sóng đầu tiên bằng tiếng Việt của đài phát thanh trung ương ra nước ngoài từ Matxcơva, khi đó được gọi là "Đài phát thanh Mátxcơva", sau sự sụp đổ của Liên Xô - Đài Tiếng nói nước Nga, và sau đó là Sputnik.
Nhiệm vụ của các chiến sĩ trực bên chiếc radio là kể lại nội dung chương trình phát thanh của Đài Matxcơva cho các bạn đồng đội. Anh Ngô Thi, người mà tác giả của bài này đã gặp lần đầu tiên vào những năm 2000 tại tòa soạn báo Nhân Dân, cho biết rằng, những chương trình này đã gây được sự quan tâm lớn: xét cho cùng, các chương trình này không chỉ là nguồn thông tin quan trọng và thường xuyên về Liên Xô, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi phát huy mối quan hệ hữu nghị với nước này, mà còn là tiếng nói đoàn kết của nhân dân Liên Xô với cuộc đấu tranh của những người yêu nước Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.11.2023
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lần thứ hai ở Matxcơva. Và lại ẩn danh

Các chương trình từ Matxcơva là những việc làm chung tay

Nga thời đó chưa có chuyên gia biết tiếng Việt. Vì vậy, sinh viên Việt Nam mới bắt đầu học tập tại Matxcơva đã dịch sang tiếng mẹ đẻ và đọc các tài liệu phát sóng. Vì khi đó họ chưa có thời gian để học giỏi tiếng Nga nên các dịch giả người Nga đã dịch cho họ đầu tiên từ tiếng Nga sang tiếng Pháp và tiếng Trung, để sau đó các sinh viên Việt Nam dịch từ ngôn ngữ mà họ biết giỏi hơn sang tiếng Việt.
Những nhân viên đầu tiên của Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Matxcơva cũng chung tay giúp đỡ. Đã hơn một lần tôi có cơ hội tiếp xúc với các nhà ngoại giao lỗi lạc của Việt Nam, họ tự hào kể lại rằng, khi khởi đầu sự nghiệp ngoại giao họ đã có thời gian làm việc tại Đài phát thanh Matxcơva. Còn vào nửa cuối thập niên 50, trên đài Matxcơva đã xuất hiện các chuyên gia người Nga có thể dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt và đọc bài bằng tiếng Việt trước micro.
Tuy nhiên, Đài phát thanh Matxcơva không bao giờ chỉ dựa vào sức riêng của mình. Sau khi Hà Nội được giải phóng, một thỏa thuận đã được ký kết với Đài Tiếng nói Việt Nam, theo đó các phát thanh viên và biên dịch viên người Việt đến làm việc tại Matxcơva, thay thế nhau 3 đến 4 năm một lần. Phạm Quế Lâm, Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bùi Thị Thiệp, Nguyễn Hữu Thanh, Trung Truý, Nguyễn Văn Hiếu đã làm việc cùng với các chuyên gia Nga - tổng cộng có hơn 40 người. Hiện tại, việc hỗ trợ Ban tiếng Việt của Sputnik được thực hiện bởi các công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Matxcơva.

Chương trình của đài Matxcơva – trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam

Những năm 1950, công suất phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam vô cùng yếu kém. Khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, Đài Tiếng nói Việt Nam đã được đưa đi sơ tán về miền núi, và toàn bộ thiết bị của đài chỉ chở gọn trên một chiếc xe bò. Vì vậy, tìm sóng phát thanh từ Matxcơva dễ dàng hơn so với Đài Tiếng nói Việt Nam. Một điều nữa là người dân có rất ít máy thu thanh. Sau khi Hà Nội được giải phóng, thính giả đầu tiên của đài chúng tôi - anh Ngô Thi - bắt đầu làm việc ở tòa soạn báo Nhân Dân, việc nghe các chương trình phát thanh từ Matxcơva bằng tiếng Việt lại trở thành trách nhiệm của anh.
Khi đó tòa soạn chưa có máy ghi âm, anh Ngô Thi được hướng dẫn cách tốc ký thành thạo để ghi lại tin tức và bình luận, sau đó chuẩn bị đăng báo. Thông tấn xã Việt Nam khi đó chưa có văn phòng ở Matxcơva cũng lấy thông tin từ các chương trình của đài phát thanh Matxcơva.
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, vào cuối những năm 1950, ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định phát lại các chương trình của Đài Matxcơva qua mạng vô tuyến điện quốc gia. Lịch trình các chương trình của chúng tôi trong những năm đó đã được đăng trên các tờ báo hàng đầu và báo địa phương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào đầu những năm 1960, việc phát lại các chương trình của Đài phát thanh Matxcơva cũng như Đài phát thanh Bắc Kinh bị dừng ở Việt Nam. Nhưng, những chiếc radio bán dẫn ngày càng trở nên phổ biến, nhờ đó việc nghe các chương trình phát sóng từ Matxcơva trở nên dễ dàng hơn.
Đài phát thanh Sputnik - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.11.2023
Chuyện đáng kinh ngạc
Sputnik gặp gỡ biên dịch viên Việt Nam đầu tiên của Đài Moskva

Ban Việt ngữ vinh dự đón nhận Giải thưởng của Việt Nam

Nhà báo Trần Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam, đã gọi các chương trình phát thanh từ Matxcơva bằng tiếng Việt là cầu nối hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta. Trong nhiều năm liền, hàng chục nhà báo Liên Xô và Nga, nhân viên của Ban Việt ngữ, đã làm việc để chuẩn bị các chương trình này. Trong số đó có Leonid Krichevsky, người đứng đầu Ban tiếng Việt vào giữa thập niên 1960, và sau đó trong hơn mười lăm năm là phóng viên của đài phát thanh và truyền hình Liên Xô tại Việt Nam, kể cả trong những năm Mỹ ném bom tàn khốc nhất; Nikolai Solntsev, người đã lãnh đạo Ban Việt ngữ trong một phần tư thế kỷ và trong những chuyến đi sáng tạo tới Việt Nam, ông đã tạo ra hơn chục bộ phim tài liệu dài tập về đất nước này, về lịch sử và văn hóa Việt Nam, về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì tự do để thống nhất đất nước.
Huân chương Hữu nghị của Việt Nam được tặng cho Leonid Krichevsky và Nikolai Solntsev, bốn nhân viên khác của Ban Việt Ngữ được tặng Huy chương Hữu nghị Việt Nam. Toàn bộ tập thể của Ban tiếng Việt vinh dự nhận kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Phát thanh" của Việt Nam.

Giọng nói của họ đã vang lên trong các chương trình phát thanh từ Matxcơva

Những người Nga trở nên nổi tiếng ở Việt Nam đã tham gia tích cực vào các chương trình của chúng tôi, đặc biệt là trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước và tái thiết sau chiến tranh. Tôi chỉ kể tên một vài người.
Các nhà du hành vũ trụ German Titov, Valentina Tereshkova và Viktor Gorbatko; ông Pavel Bogachenko, Tổng chuyên viên Liên Xô trên công trường Hòa Bình; nhà địa chất Evgeny Areshev mà dưới sự lãnh đạo của ông đã phát hiện ra các mỏ dầu trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam; Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt Vladimir Buyanov, chuyên gia Liên Xô tại công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam, nhà khoa học tên lửa Nikolai Kolesnik; tác giả tượng đài Hồ Chí Minh ở Matxcơva, nhà điêu khắc Vladimir Tsigal; ông Garold Isakovich - kiến trúc sư nổi tiếng, tác giả thiết kế công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trước khi nước Việt Nam được thống nhất, hàng trăm nghìn lá thư phản hồi các chương trình của chúng tôi đã được gửi từ miền Bắc Việt Nam đến Matxcơva. Chỉ riêng cuộc thi dành riêng cho chuyến bay vào vũ trụ của Yury Gagarin đã nhận được 55.000 phản hồi. Đôi khi thính giả mời các nhân viên Ban Việt ngữ đến dự đám cưới của chính họ hoặc của con cái họ hoặc tới dự các sự kiện thú vị sắp diễn ra ở thành phố của họ.
Ở miền Nam Việt Nam, trước khi giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975, người nghe các chương trình phát thanh từ Matxcơva có thể bị phạt tù. Nhưng người dân vẫn lắng nghe các chương trình này, bằng chứng là rất nhiều lá thư của cư dân miền Nam được chuyển đến Matxcơva qua vùng giải phóng.
Hành trình vòng quanh thế giới của Yuri Gagarin - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.04.2023
Multimedia
Hành trình vòng quanh thế giới của Yuri Gagarin

Đài phát thanh mở rộng cánh cửa sang Nga

Điều quan trọng cần lưu ý là trong số thính giả của đài Matxcơva, ngoài công dân Việt Nam chiếm đa số, đặc biệt là sau khi thống nhất đất nước, còn có cả người Việt Nam sống ở Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản, Đức và Canada. Cho dù ý thức hệ và quan điểm chính trị của họ có khác nhau đến đâu, mọi người đều nhất trí rằng các chương trình phát thanh từ Matxcơva là bằng chứng về sự tôn trọng của Nga đối với Việt Nam và người dân nước này.

Các chương trình phát thanh từ Matxcơva dành cho thính giả Việt Nam, như chính họ đã nhận xét, là một loại cửa sổ vào nước Nga. Nhà ngôn ngữ học, Tiến sĩ Khoa học Trần Văn Cơ lưu ý: "Nhờ các chương trình phát sóng từ Mátxcơva, mỗi ngày chúng tôi học được rất nhiều điều về lịch sử vẻ vang của đất nước Nga, về truyền thống và phong tục tập quán của các dân tộc sinh sống ở đó. Chúng tôi làm quen với nền văn học vĩ đại của Nga; những cái tên Pushkin, Dostoevsky, Tolstoy, Gogol càng trở nên gần gũi hơn với chúng tôi; chúng tôi tìm hiểu về tác phẩm của các nhà văn Nga - những người cùng thời với chúng tôi. Nhờ các chương trình phát thanh từ Matxcơva, chúng tôi theo dõi được những thành tựu kỹ thuật vượt trội của Nga và làm quen với những khám phá nổi bật của các nhà khoa học Nga".

"Có thể nói, chúng tôi thực hiện cuộc hành trình tinh thần qua các nước cộng hòa và thành phố của Nga, làm quen với những danh lam thắng cảnh, tìm hiểu về những đóng góp của các địa phương này về sự phát triển của nước Nga. Cuộc hành trình như vậy đặc biệt thú vị trong những năm gần đây, khi ở Nga đang diễn ra những thay đổi lớn thu hút sự quan tâm của thính giả Việt Nam", - ông nói thêm.

Các chương trình phát thanh của Ban tiếng Việt cũng là một diễn đàn, nơi mà công dân Việt Nam đến thăm Liên Xô và Nga có thể chia sẻ quan niệm, ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ với thính giả những ấn tượng về chuyến thăm chính thức Matxcơva. Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã kể về việc ông tham gia cuộc nổi dậy của thuỷ thủ Pháp tại Biển Đen để bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga. Nhân tiện, chính ông Tôn Đức Thắng đã cho chúng tôi biết về sự tham gia của một nhóm người Việt Nam trong chiến dịch bảo vệ Matxcơva năm 1941. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về tầm quan trọng to lớn của sự hỗ trợ kỹ thuật quân sự của Liên Xô, công việc của các nhà khoa học tên lửa Liên Xô cũng như các chuyên gia và cố vấn quân sự Liên Xô ở Việt Nam đã giúp kết thúc thắng lợi cả hai cuộc kháng chiến.
Tội ác và hình phạt - nhà văn Fyodor Dostoyevsky - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.10.2023
Văn học Nga sẽ trở lại Việt Nam?
Chính Đài Matxcơva đã phát sóng cuộc phỏng vấn đầu tiên của Phạm Tuân sau chuyến bay vào vũ trụ, cuộc phỏng vấn của Mai Lộc - sau khi bộ phim "Cánh đồng hoang" được trao Huy chương vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva, cuộc phỏng vấn của Đặng Thái Sơn sau khi anh chiến thắng tại cuộc thi piano quốc tế. Đài phát thanh Matxcơva là đài phát thanh nước ngoài đầu tiên phát sóng bằng tiếng Việt tường thuật về chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam ngày 30/4/1975.
Chúng tôi đã thu hút sự chú ý của người nghe đến một sự trùng hợp mang tính biểu tượng: ngày 30 tháng 4 năm 1975, các chiến sĩ Việt Nam phất cao lá cờ đỏ chiến thắng trên dinh thự thủ phủ của chế độ Sài Gòn. Và cũng vào ngày 30 tháng 4 nhưng là năm 1945, những người lính Xô-viết đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc nhà nghị viện Berlin - tòa nhà chính của nước Đức phát-xít.

Tìm kiếm các chiến sĩ Hồng quân người Việt

Ban tiếng Việt đã góp phần không nhỏ trong việc tìm kiếm thông tin về những người Việt Nam mà ông Tôn Đức Thắng nhắc đến, đã tình nguyện gia nhập Hồng quân và đã chiến đấu chống nước Đức Quốc xã gần Matxcơva. Trong quá trình nghiên cứu thư viện và kho lưu trữ, nhờ các cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh của Quốc tế Cộng sản và những người tham gia trận chiến Matxcơva, nhờ thông tin nhận được từ thính giả của Đài Matxcơva, đã xác định được tên, tuổi của 5 chiến sĩ Hồng quân người Việt.
Năm 1985, nhân lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng phát xít Đức, 5 chiến sĩ Hồng quân người Việt đó được truy tặng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng Nhất của Liên Xô. Quá trình tìm kiếm thông tin về những người lính Hồng quân khác của Việt Nam vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Ví dụ, chúng tôi đã thu thập thông tin về thêm hai người Việt đã tiếp tục phục vụ trong Hồng quân sau trận Matxcơva.
Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Quốc phòng thăm và dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội và hải quân Liên Xô, tháng 2/1988 - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.10.2023
Những trang sử vàng
Người Việt đã hiến máu cứu sống những thương binh Hồng quân

Internet đang thay đổi định nghĩa về đài phát thanh

Lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần lên tiếng khen ngợi Ban tiếng Việt, các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân,Tiền phong, Thanh Niên Hà Nội, Phụ nữ Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các ấn phẩm của cộng đồng người Việt ở Nga đã viết bài về Ban Việt ngữ.
Vào giữa thập kỷ thứ hai của thế kỷ này, việc phát thanh từ Matxcơva bằng tiếng Việt, cũng như bằng hầu hết các ngôn ngữ khác, đã bị ngừng lại. Đài phát thanh được thay thế bởi trang web Sputnik bằng tiếng Việt được cập nhật 24/24, ngay lập tức trở nên phổ biến ở Việt Nam và các nước khác. Vào tháng 5 năm 2020, văn phòng đại diện của MIA Rossiya Segodnya bao gồm Sputnik đã được mở tại Hà Nội. Văn phòng đại diện này là người kế thừa của văn phòng đại diện Đài Mátxcơva đã được đăng ký ở Hà Nội theo địa chỉ: phố Hồ Xuân Hương, số nhà 12, và đã hoạt động ở đó từ những năm sáu mươi đến những năm chín mươi của thế kỷ trước.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала