Mỹ tìm đến Việt Nam để giải cơn khát nhân lực ngành chip bán dẫn

© Sputnik / Alexey Kudenko / Chuyển đến kho ảnhSản xuất chip
Sản xuất chip - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2023
Đăng ký
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) John Neffeur và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu nước Mỹ đang có mặt tại Việt Nam để tìm hiểu khả năng đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng chip bán dẫn.
Mỹ hiện đang trong cơn khát nhân lực bán dẫn. Ngay từ thời đại dịch Covid-19, nhân lực Việt Nam đã trở thành nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này. Đồng thời, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn.

Mỹ thăm dò thị trường bán dẫn Việt Nam

Cổng thông tin Chính phủ cho biết, chiều ngày 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) cùng lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Hoa Kỳ đang thăm và làm việc tại Việt Nam.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, sáng 7/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và SIA đồng tổ chức tọa đàm quan trọng trọng mang chủ đề “Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam”.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Neffeur nhấn mạnh, hầu hết các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ đều bay từ Mỹ sang Việt Nam công tác lần này.
Công nghệ sản xuất chip - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.10.2023
Việt Nam có thể sản xuất chip bán dẫn chuyên biệt
“Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của các cam kết nhằm tăng cường hợp tác và thúc đẩy tăng trưởng với Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn”, - lãnh đạo SIA tuyên bố.
Hiện nay, các thành viên của SIA như Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere và Infineon… đều đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư chỉ trong vài năm. Ông John Neffeur nhắc lại, đây chính là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.
“Chúng tôi nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cho biết.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Mỹ về bán dẫn

Trước chuyến thăm này, bản thân Chủ tịch SIA John Neffeur đã sang và làm việc tại Việt Nam 2 lần vào tháng 1 và tháng 10/2023 nhân dịp Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam và lễ khánh thành cơ sở Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thậm chí trước đó, tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Chủ tịch SIA và các lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ ngay trên đất Mỹ (tại thủ đô Washington DC vào tháng 9/2023), hai bên đã thống nhất thúc đẩy các đoàn doanh nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam và hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp hai nước.
Phát biểu tại toạ đàm hôm qua với lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Chủ tịch SIA cho hay, năm 2024, ngành bán dẫn toàn cầu sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng 13,1% và đạt doanh thu 588 tỷ USD.
Người đàn ông châu Á cầm một con chip điện tử - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.07.2023
Bao giờ Việt Nam có thể tự sản xuất chip vi mạch bán dẫn?
“Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam – quốc gia ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn thế giới đón nhận nhà đầu tư trong lĩnh vực này”, - ông Neffeur nói.
Phát biểu với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc gặp chiều 7/12, Chủ tịch SIA bày tỏ, các thành viên trong đoàn “có ấn tượng tình cảm tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam”.
Thậm chí, ông Neffeur còn cho rằng, hương vị cà phê Việt Nam “ngon nhất thế giới”.
Lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ đánh giá cao những bước tiến, thay đổi quan trọng và ấn tượng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, trở thành điểm đến, nhân tố có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn.
Đề cao nguồn nhân lực bán dẫn nói riêng và lĩnh vực công nghệ cao nói chung của Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bán dẫn Mỹ cho biết Hoa Kỳ đang có cơn khát nhân lực chất bán dẫn và ngay từ trong đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực Việt Nam đã là nguồn bù đắp quan trọng cho sự thiếu hụt này.
“Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong lĩnh vực bán dẫn và có thể đóng vai trò đối tác chiến lược trong cung cấp nguồn nhân lực”, - cổng TTĐT Chính phủ dẫn lời Chủ tịch SIA cho hay.
Thông báo với người đứng đầu Chính phủ về kết quả làm việc với các cơ quan chức năng phía Việt Nam, ông John Neffeur bày tỏ:
“Các doanh nghiệp Hoa Kỳ hào hứng chờ đón chiến lược quốc gia về bán dẫn của Việt Nam. Họ tin tưởng và mong muốn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng tận dụng được những cơ hội mới đang mở ra trong lĩnh vực này, đặc biệt là khâu thiết kế chip vốn không đòi hỏi nhiều đầu tư so với sản xuất”, - lãnh đạo SIA nói
Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam với chủ đề Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á vừa diễn ra vào ngày 29/9, tại Hà Nội. Tại sự kiện, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.10.2023
Vì sao tập đoàn chip bán dẫn nước ngoài thích Việt Nam?
Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phía Hoa Kỳ sẵn sàng thắt chặt quan hệ, thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, nhất là đào tạo các nhân tài, nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai quốc gia cùng có lợi.

Việt Nam đề nghị Mỹ chuyển giao công nghệ và giúp đào tạo nhân lực

Phát biểu với Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ và các doanh nghiệp vi mạch hàng đầu Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển, đề án phát triển nguồn nhân lực, cùng với cơ chế ưu đãi phù hợp để thu hút các doanh nghiệp sản xuất, thiết kế, phát triển sản phẩm chip bán dẫn hàng đầu của nước ngoài vào Việt Nam.
Thủ tướng dẫn chứng, Việt Nam hiện có khoảng 6.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Việt Nam đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới năm 2030, trong đó ưu tiên đào tạo các kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.
Việt Nam có gần 30.000 sinh viên sang học tập tại Hoa Kỳ mỗi năm, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng trong top 5 các nước có nhiều du học sinh nhất tại Hoa Kỳ. Cùng với đó, đang có khoảng 2,2 triệu Việt kiều tại Hoa Kỳ.
Tại cuộc trao đổi lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị SIA thúc đẩy phía Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam và bãi bỏ những kiểm soát không cần thiết trong chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất, hợp tác đào tạo nhân lực, xây dựng các phòng thí nghiệm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu của Hoa Kỳ, hợp tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách để phát triển bền vững lĩnh vực bán dẫn.
Hình ảnh chip - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.09.2022
Việt Nam rộng đường chinh phục ngành sản xuất chip bán dẫn
Trên cơ sở này, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ liên quan để tiếp tục triển khai các công việc hợp tác cụ thể với SIA.
Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại, trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thống nhất đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành một trụ cột mới quan trọng trong quan hệ hai nước.
“Do đó, cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn – lĩnh vực mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, phù hợp với người Việt Nam”, - Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Trong khuôn khổ cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông John Neffeur cũng đánh giá tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn là rất lớn và có nhiều ý nghĩa đối với quan hệ ngoại giao của hai nước trong thời kỳ mới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала