Quy hoạch Hà Nội: Cứ như hiện nay, trăm năm nữa cũng chưa xong 5-7 tuyến metro

© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangBộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc hội nghị - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2024
Đăng ký
Nhấn mạnh phát triển cơ sở hạ tầng phải là «ưu tiên số 1» trong quy hoạch thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn, cứ như hiện nay thì trăm năm nữa cũng chưa xong 5-7 tuyến đường sắt đô thị (metro).
Chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội có thể tham khảo Singapore, Seoul, Tokyo trong việc vừa hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, vừa bảo tồn giá trị văn hoá, lịch sử.

Quy hoạch thủ đô Hà Nội theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế

Sáng nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trình bày về những đột phá của quy hoạch Hà Nội, đại diện đơn vị tư vấn, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, Quy hoạch Thủ đô nhấn mạnh tới yếu tố tạo sức lan tỏa, thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển.
Về tổ chức không gian, quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung “theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển”, theo ông Cường. Quy hoạch Hà Nội chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Quy hoạch Hà Nội cũng đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.
Xây dựng ga tàu điện ngầm Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.01.2024
Dự án Metro Nhổn-Ga Hà Nội: Xem xét trách nhiệm tổ chức và cá nhân có liên quan
Đáng chú ý, trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 – 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 – 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 – 70%.
Trong khi đó, về tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại diện cho “hình ảnh vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng” có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước tiên tiến châu Á.
Để đạt được mục tiêu tham vọng này, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đưa ra 3 kịch bản kinh tế. Kịch bản 1 – kịch bản thuận lợi, tăng trưởng GRDP của Hà Nội sẽ đạt 9,5-10,0%; kịch bản 2 – kịch bản nỗ lực tăng trưởng đạt 8,5-9,5% và kịch bản 3 – kịch bản cơ sở GRDP Hà Nội sẽ đạt 7,5-8,5%.
“Thủ đô là đô thị đặc biệt, do vậy, toàn bộ lãnh thổ phải được quản lý, phát triển theo quy chuẩn đô thị đặc biệt, quy chuẩn phát triển đô thị và nông thôn riêng của Thủ đô; không áp dụng các chuẩn nông thôn mới quốc gia cũng như tiêu chí phân loại đô thị, thị trấn, thị xã. Một vùng phát triển đặc thù, cần có những cơ chế và quyền tự quyết khác biệt so với các vùng khác”, - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, Quy hoạch Thủ đô xác định có 13 tuyến đường bộ cao tốc; 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168 km; 38 tuyến đường tỉnh với 390 km.
Quy hoạch Hà Nội cũng định hướng phát triển tổng 14 bến xe khách, hiện đã có 6 bến đang khai thác; 8 bến xe tải, hiện đã có 1 bến khai thác. Đối với cầu vượt sông, quy hoạch xác định có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư), sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.
Với hệ thống đường sắt, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị (metro), 2 tuyến tàu điện một ray (monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.

Hà Nội có thể tham khảo Singapore, Seoul, Tokyo

Phát biểu tại hội nghị, ông Christopher Lewis Malone - Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á cho rằng, Hà Nội cần tập trung vào một số ngành trọng điểm, cân nhắc lợi thế với thành phố khác, đặc biệt là TPHCM.
Chuyên gia cho rằng, tài chính, công nghiệp, công nghệ sẽ mũi nhọn giúp kinh tế Hà Nội phát triển hơn nữa. Về quy hoạch không gian, thử thách cho Hà Nội là hiện đại hoá thành phố, vẫn giữ văn hoá, lịch sử sẵn có. Ông Christopher Lewis Malone cũng khuyến nghị Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của 3 thành phố đã làm được điều này thành công là Singapore, Seul, Tokyo.
“Những thành phố này làm tốt nhiệm vụ hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá, phục vụ cho phát triển du lịch”, - Giám đốc Điều hành Dalberg khu vực Đông Nam Á nhấn mạnh.
Ông Malone cũng nhận định, hiện Hà Nội có nguồn lực cả về không gian, con người để phát triển công nghiệp, tuy nhiên những ưu thế này chưa được tận dụng tốt, nếu được tận dụng sẽ mang lại ưu thế rất lớn cho thủ đô của Việt Nam.
Đồng chí Phan Văn Mãi trao đổi cùng TS Trương Minh Huy Vũ tại phiên họp. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.12.2023
220km metro ở TPHCM: 100 năm hay 12 năm?
Nêu ý kiến tại buổi tham vấn, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, Hà Nội cần đặt ra những mục tiêu “phù hợp với chiến lược phát triển của cả nước chứ không chỉ vượt lên so với chính Hà Nội”.
Nêu một số vấn đề còn băn khoăn về cấu kinh tế, ông Sinh đặt câu hỏi rằng: “Tăng trưởng của Hà Nội đang giảm dần, cho thấy cơ cấu kinh tế chưa hợp lý?”.
Nguyên Thứ trưởng Cao Viết Sinh nhấn mạnh, tỷ trọng công nghiệp trong tổng sản phẩm địa phương (GRDP) hiện của Hà Nội còn “quá thấp”, không giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Ngoài ra, tỷ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ cũng có giới hạn, nhất là khi dịch vụ của Hà Nội vẫn thuộc loại giản đơn, không mang lại giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, định hướng chuyển đổi số, chú trọng đổi mới sáng tạo chưa thể hiện rõ, trong 4 năm chỉ tăng 0,5% và thứ hạng vẫn thấp.
“Muốn tăng trưởng nhanh, nhất định phải xem lại khâu này”, - TS Cao Viết Sinh lưu ý.

Hạ tầng giao thông phải là ưu tiên số 1 của Hà Nội

Đối với việc giải tỏa điểm nghẽn hạ tầng, GS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị chú trọng đến đặc thù của Hà Nội, theo đó nên chú trọng đầu tư phát triển giao thông ngầm.
“Nếu hạ tầng giao thông Hà Nội ngày mai vẫn như bây giờ thì rất khó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước”, - VnEconomy dẫn lời ông Khuê nêu quan điểm.
Nguyên thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, ngay cả trong quy hoạch, Hà Nội đã đề xuất xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thì cũng phải có chương trình đột phá chiến lược nhằm thiết lập và vận hành hệ thống giao thông đô thị bởi quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thì cũng chỉ còn vài năm nữa trong khi thời gian chuẩn bị một dự án cũng đã hơn 5 năm rồi.
Nguyên Giám đốc Chương trình định cư, con người của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UN - Habitat) TS. Nguyễn Quang góp ý rằng, quy hoạch hiện tại của Hà Nội chưa rõ được vai trò kết nối vùng của thủ đô với Đồng bằng sông Hồng, tam giác vàng "Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh".
Tuyến metro số 1 tại TP HCM - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.11.2023
Việt Nam gặp rắc rối với nhà thầu Nhật Bản ở dự án Metro số 1
Vị chuyên gia nhắc lại, nền kinh tế phi chính thức đóng góp khoảng 30% cho nền kinh tế, nhưng quy hoạch chưa được làm rõ, cần chính thức hoá để tổ chức tốt hơn, quản lý, thu thuế.
Phát biểu tại hội nghị tham vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, dù gấp nhưng quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
Góp ý tại hội nghị, người đứng đầu Bộ KH&ĐT lưu ý, Hà Nội phải giữ được vai trò liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Thủ đô. Hà Nội tác động thế nào đến sự phát triển của vùng, và vùng tác động ra sao tới sự phát triển của Hà Nội trong tương lai.
Bày tỏ trăn trở về cơ chế chính sách thu hút nhân tài, tinh hoa, các chuyên gia, nhà khoa học để phát triển thủ đô, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quy hoạch Thủ đô cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, kết cấu đồng bộ, hiện đất, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, khai thác mạnh không gian ngầm, đường sắt đô thị, các hình thức giao thông công cộng khác.
“Phát triển hạ tầng phải là ưu tiên số một, dẫn dắt các đột phá khác. Nếu làm được việc này, chúng ta cùng lúc giải quyết được nhiều vấn đề, giảm tắc nghẽn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm, giảm thiểu ô nhiễm, trở thành thành phố đáng sống. Chúng ta cần có cơ chế mạnh về vấn đề này”, - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Metro 2 - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.10.2023
Chính phủ báo cáo về đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các dự án metro ở Hà Nội và TP.HCM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trao đổi với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cách đây nửa năm, Hà Nội, TPHCM có thể sẵn sàng vay 30 - 40 triệu USD làm chương trình riêng, không được 10 tuyến thì cũng phải có 5-7 tuyến đường sắt đô thị.
“Như hiện nay, cả trăm năm nữa chúng ta cũng chưa làm xong, như vậy giải quyết thế nào vấn đề tăng trưởng”, - báo Tiền phong dẫn ý kiến của người đứng đầu Bộ KH&ĐT trăn trở.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc lại, việc có hạ tầng hiện đại, đồng bộ sẽ tạo động lực mới cho Hà Nội phát triển vũ bão, thậm chí tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài, chứ không chỉ như mục tiêu 8,5-9% hiện nay.
Bộ trưởng cũng nhất trí với quan điểm điều chỉnh hợp lý tỷ trọng công nghiệp, nhưng phải là công nghiệp xanh, sạch. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình phát triển giao thông đô thị nên có lộ trình thải bỏ phương tiện giao thông cũ, sử dụng nguyên liệu hoá thạch không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và dần dần chuyển sang sử dụng xe điện.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала