"Ngôi vương" của xuất khẩu Việt Nam

© TTXVN - Nguyễn Thị VânNông dân thu hoạch rau củ để cung ứng cho thị trường Tết
Nông dân thu hoạch rau củ để cung ứng cho thị trường Tết - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.02.2024
Đăng ký
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 của Việt Nam ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất từ tháng 9/2022.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng đột biến 56,3% so với tháng trước là do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1 vừa qua.

Xuất khẩu của Việt Nam tăng cao

Thống kê từ Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước.
Nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2024 của Việt Nam đã tăng tới 42%.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 62,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 35,6%. Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất kể từ tháng 9/2022.
Trong tháng 1/2024 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 65,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam gồm: gỗ và sản phẩm gỗ; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Về cơ cấu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng tới 98,6%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 38,4%).
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong tháng 1/2024 chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, ước đạt 28,52 tỷ USD, tăng 7,4% so với tháng trước. Đây là nhóm hàng chiếm vị thế "ngôi vương" của xuất khẩu Việt Nam.
Đà tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong tháng đầu tiên của năm 2024 ước đạt 5,8 tỷ USD, tăng 56,3% so với tháng trước do Samsung mới cho ra mắt dòng sản phẩm mới Samsung Galaxy S24 vào giữa tháng 1/2024.
Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu của gỗ và sản phẩm gỗ cũng tăng 4,6% so với tháng trước, ước đạt 1,4 tỷ USD.
Tương tự, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,8%, ước đạt 1,3 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 8,1%, ước đạt 900 triệu USD.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng hai đến ba con số như hàng dệt may tăng 28,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 74,6%; giày dép các loại tăng 35%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 57,4%.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông sản An Hòa, xã An Hòa, huyện Tam Dương được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật mới trong sản xuất rau, phát huy hiệu quả cao.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.02.2024
28 Tết Thủ tướng ra công điện thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản

Nông sản lên ngôi

Nhóm hàng nông, thuỷ sản vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 3,33 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và chiếm 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Riêng sắn và sản phẩm sắn tăng tới 93,4%, ước đạt 274 triệu USD; tiếp đến là rau quả tăng 24,9%, ước đạt 510 triệu USD; hạt điều và chè tăng trên 10%; cà phê, gạo, hạt tiêu tăng nhẹ từ 2 - 3,5% so với tháng trước.
Nguyên nhân chủ yếu là do lợi thế về giá các mặt hàng nông sản trong tháng 1/2024 khi tiếp tục tăng, trong khi giá của các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến vẫn trong xu hướng giảm.
Trong đó, giá cà phê tăng tới 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.955 USD/tấn; giá gạo tăng 33,5%, đạt bình quân 693 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng 14,8%, đạt 3.953 USD/tấn; giá cao su tăng 3,7%...; trong khi giá xuất khẩu phân bón giảm 13,6%, giá chất dẻo giảm 11,7%; giá xơ, sợi dệt các loại giảm 11,7%...
Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 279 triệu USD trong tháng đầu tiên của năm 2024, giảm mạnh 40% so với tháng trước.
Các mặt hàng chủ lực trong nhóm này như dầu thô, xăng dầu giảm lần lượt là 12,2% và 51,9%.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng trong tháng 1/2024 có phần chững lại hoặc giảm so với tháng trước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 12,1%, ước đạt 5 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 0,7%, ước đạt 3,8 tỷ USD; hàng dệt may giữ nguyên ở mức 2,9 tỷ USD; giày dép giảm 0,4%, ước đạt 1,85 tỷ USD.

Suất siêu gần 3 tỷ USD, các thị trường lớn đều phục hồi

Bộ Công Thương cho biết, nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024.
Trong số này, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với tháng 12/2023 và tăng đột biến tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác ước tính cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái như: Trung Quốc tăng 57,8%, ước đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, ước đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, ước đạt 3,04 tỷ USD; Nhật Bản ước tăng 39,6%; Hàn Quốc ước tăng 22,4%; EU ước tăng 18%...
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 1/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 28,84 tỷ USD, chiếm 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước.
Sầu riêng trồng theo hướng hữu cơ tại huyện Ia Grai (Gia Lai) - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.01.2024
"Át chủ bài". Hơn 90% sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường cung cấp hàng hoá lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 1/2024 với kim ngạch ước đạt 10,9 tỷ USD, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2024 ước tính xuất siêu 2,92 tỷ USD.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 2,12 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 5,04 tỷ USD.
Tháng 1/2024, xuất siêu sang thị trường Mỹ ước tính đạt 8,2 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu sang EU ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 200 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 138 triệu USD); nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 39,8%; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 2,8 tỷ USD, giảm 24,9%; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 704 triệu USD, giảm 11,4%.
Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa dù giảm 4,4% so với năm trước (ước đạt 355,5 tỷ USD), song vẫn có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Trong bối cảnh còn nhiều diễn biến khó lường từ thế giới, Bộ Công Thương lưu ý, doanh nghiệp cần ở tâm thế sẵn sàng để đón cơ hội quay trở lại cũng như linh hoạt ứng phó trước các thách thức để đưa ra sách lược phù hợp nhất cho mình.
Sang năm 2024, với tình hình kinh tế khởi sắc, tình trạng hàng tồn kho tại nhiều thị trường đang dần được khắc phục, đồng thời, các doanh nghiệp trong nước sẽ tiếp tục tận dụng những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do cho xuất nhập khẩu, hàng hoá Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6% - 6,5%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng 6% kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала