Nhìn vào tiềm lực quốc phòng Việt Nam qua hạm đội tàu chiến quy mô “khủng”

© Sputnik / Ildus Gilyazutdinov  / Chuyển đến kho ảnhTàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 - 016 Quang Trung của Hải quân Việt Nam
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 - 016 Quang Trung của Hải quân Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.02.2024
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Trong những năm gần đây, công nghiệp đóng tàu quân sự của Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc. Không chỉ trang bị đầy đủ cho hải quân trong nước, Việt Nam đang từng bước hướng tới việc xuất khẩu các sản phẩm này cho hải quân các nước trên thế giới.
Các công ty đóng tàu Việt Nam như Nhà máy Damen Sông Cấm nghiên cứu, chế tạo thành công và xuất khẩu hàng loạt tàu hiện đại trang bị cho lực lượng hải quân các nước như tàu cứu hộ tàu MV Besant và MV Stoker, Tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore (Úc); Tàu tuần tra lớp Spa 5009 (Venezuela) v.v.
Sputnik có cơ hội phỏng vấn Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân về quy mô hạm đội tàu chiến xuất khẩu và tiềm lực quốc phòng của Việt Nam.
Sputnik: Xin chào Đại tá Nguyễn Minh Tâm! Xin ông đánh giá tiềm năng xuất khẩu tàu chiến của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Đại tá Nguyễn Minh Tâm:
Công nghiệp đóng tàu thủy của Việt Nam đã hình thành từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước với sự giúp đỡ của Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trong đó, các nhà máy Z173 (nay là Tổng Công ty Hồng Hà), Z187 (nay là Công ty Sông Cấm), các nhà máy đóng tàu Hạ Long (nay là Công ty đóng tàu Hạ Long) và Bến Kiền (nay là Công ty đóng tàu Bến Kiền) là những “đứa con đầu lòng” của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam. Các nhà máy này đã đóng mới hàng trăm tàu vận tải ven bờ, trung tu, đại tu, bảo trì, bảo dưỡng nhiều tầu quân sự cho Hải quân Nhân dân Việt Nam non trẻ như các tàu phóng lôi lớp Turya và Schershen, các tàu quét mìn lớp Sonya và Korund, các tàu vận tải trong “Đoàn tàu không số”, nay là Lữ đoàn 125 nổi tiếng với “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”v.v…
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiềm lực công nghiệp tàu thủy của Việt Nam được phát triển mạnh hơn nhờ sự tiếp quản và vận hành Công ty công nghiệp tàu thủy Ba Son có lịch sử hàng trăm năm từ thời Pháp thuộc. Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Sông Thu (nguyên là Công ty Đồng Tiến) cũng được thành lập chỉ 1 năm sau khi thành phố Đà Nẵng được giải phóng. Công ty này cùng với Tổng Công ty Hồng Hà và Tổng Công ty Ba Son hợp thành bộ ba cơ sở đóng tàu quân sự hiện đại của Việt Nam. Ngoài công nghệ đóng tàu chiến mặt nước được tiếp thu từ Liên Xô, Ba Lan, các tổng công ty này đều có các trung tâm thiết kế ứng dụng công nghệ đóng tàu chiến hiện đại từ Nga, Hàn Quốc. Hà Lan, Ấn Độ.v.v…
CHIẾN HẠM TIA CHỚP - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.02.2024
Việt Nam cử tàu chiến thăm Malaysia và dự Diễn tập Hải quân Milan ở Ấn Độ
Cũng như các ngành công nghiệp quốc phòng khác, phân ngành công nghiệp đóng tàu chiến của Việt Nam luôn đi theo hướng phát triển lưỡng dụng. Một mặt, ưu tiên cho sản xuất phương tiện chiến đấu mặt nước từ xuồng cao tốc đến các loại tàu chiến đa năng và chuyên dụng. Mặt khác, tham gia sản xuất các phương tiện thủy phục vụ cho nền kinh tế quốc dân như tàu vận tải biển, tàu đánh cá, tàu cứu hộ, tàu chở khách, tàu du lịch và nhiều sản phẩm khác.
Nhiều công nghệ mới đã được đưa vào khai thác như công nghệ đóng tàu theo phương pháp mô đun hóa sản phẩm (đóng tổng đoạn); công nghệ hàn hợp kim titan; nghiên cứu, làm chủ công nghệ phóng dạng trên máy cắt công nghệ cao, rút ngắn thời gian thi công vỏ tàu, nâng cao chất lượng, tiết kiệm được nguyên liệu nhờ tối ưu hóa trong triển khai cắt tấm đã cắt giảm tối đa tỷ lệ phế liệu.
Bên cạnh đó, ngành đóng tàu quân sự còn làm chủ các phần mềm đóng tàu tiên tiến, như: Shipconstructor, 3D inventor… Trong đó, Shipconstructor là phần mềm rất tiên tiến, chuyên dụng cho thiết kế thi công tàu thủy và công trình nổi. Phần mềm 3D inventor cho phép tạo ra các mô hình 3D chính xác kết hợp mô phỏng động trên môi trường 3D.
Sau hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, kinh qua cuộc kháng chiến chống Mỹ 30 năm và trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng của ngành đóng tàu quân sự Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về quản lý, tay nghề cũng như tiếp cận công nghệ hiện đại một cách sáng tạo.
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân đã không ngừng được bổ sung đông đảo thông qua các khóa đào tạo, huấn luyện trong nước và ở nước ngoài, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng Hải quân Nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh, tiến thẳng lên hiện đại; vừa bảo đảm quốc phòng an ninh trên các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, vừa đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế biển của đất nước.
Sputnik: Thưa Đại tá, hợp tác Nga - Việt trong lĩnh vực đóng tàu quân sự đóng góp như thế nào trong việc xuất khẩu các sản phẩm tàu thuyền cho hải quân các nước?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm:
Đầu những năm 1960 của thế kỷ trước, các kỹ sư của Hải quân Xô Viết chính là những chuyên gia đầu tiên, những người thầy đầu tiên góp phần quan trọng xây dựng ngành công nghiệp tàu chiến của Việt Nam. Sau đó là các chuyên gia Ba Lan, cường quốc đóng tàu thứ hai của khối xã hội chủ nghĩa (sau Liên Xô). Cho đến những năm 1990, Liên Xô vẫn giúp đỡ nhiệt tình và vô tư cho Hải quân Nhân dân Việt Nam với các chuyên gia ngày càng dày dạn kinh nghiệm và các tàu chiến thế hệ mới khi đó như Khinh hạm chống ngầm lớp Petya (trọng tải 1.000 tấn), Tàu quét mìn lớp Avkvamarin (trọng tải 520 tấn). Khinh tốc hạm mang tên lửa lớp Osa II (trọng tải 210 tấn).v.v…
Kế thừa Liên Xô, Liên bang Nga tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng với Việt Nam, trong đó có hợp tác về hải quân. Phía Nga đã cung cấp cho Việt Nam 6 tàu ngầm lớp Varshavyanka 636 (trọng tải 2.300 tấn khi nổi, 4.000 tấn khi lặn), 4 tàu khu trục hộ vệ lớp Gepard 3.9 (trọng tải 2.100 tấn), 6 tàu tuần duyên lớp Svetlyak (trọng tải 375 tấn), 4 tàu tuần duyên cao tốc mang tên lửa 9M120 Ataka-V lớp Mirage (trọng tải 127 tấn).v.v…
Điểm đáng chú ý nhất là phía Nga đã cấp giấy phép cho phía Việt Nam để Tổng Công ty Ba Son, TP Hồ Chí Minh đóng mới tàu chiến cao tốc mang tên lửa Molniya (được mệnh danh là “Tia chớp đại dương”) có trọng tải 550 tấn, mang theo 16 ống phóng tên lửa Kh-35 hoặc Ural-E có cự ly tác chiến tới 130km do Nga cùng cấp. Đến cuối năm 2022, Tổng Công ty Ba Son đã hạ thủy 11 chiếc Molniya và bàn giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam chạy thử và đưa vào sử dụng sử dụng. Theo kế hoạch dự kiến, sẽ có thêm nhiều chiếc Molniya khác được đóng mới tại Việt Nam, trang bị tên lửa đối hạm, tên lửa phòng không cùng các vũ khí đối hải của Nga và một số nước khác.
HQ-016 Quang Trung - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.12.2023
Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất tên lửa tầm thấp, đóng tàu quân sự tiên tiến
Trên cơ sở nghiên cứu các mâu tàu chiến cỡ nhỏ của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay, Tổng công ty Hồng Hà cũng đóng mới và hạ thủy 6 tàu pháo TT-400TP (trọng tải 475 tấn). Phía Nga còn giúp Việt Nam, hiện đại hóa hệ thống radar cảnh giới, hệ thống radar điều khiển hỏa lực, hệ thống tác chiến điện tử/chống tác chiến điện tử và nhiều hạng mục quan trọng khác trên các tàu chiến hiện có trong biên chế của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Các hệ thống phòng không tầm gần hiện đại như hệ thống pháo phòng không cao tốc AK-630 (tốc độ bắn 10.000phát/phút), hệ thống pháo-tên lửa phòng không tự động Palma-SU, hệ thống pháo phòng không tự động AK-230… cũng được phía Nga cung cấp, giúp nâng cao năng lực phòng không hạm của các tàu chiến mặt nước.
Phía Nga đồng quan điểm với Việt Nam về việc không xuất khẩu tàu chiến nhằm mục đích tấn công mà chỉ xuất khẩu các tàu phòng thủ, trợ chiến, huấn luyện và cứu hộ. Các mẫu tàu mới đóng theo đơn đặt hàng của nước ngoài như tàu huấn luyện đa năng MV Sycamore (trọng tải 2.400 tấn) do Tổng Công ty Sông Thu đóng cho Australia, tàu tuần tra PV-11 lớp SPa 5009 (trọng tải 485 tấn) do Nhà máy Damen-Sông Cấm đóng cho Venezuela, tàu vận tải - đổ bộ Stan Lander 5612 (trọng tải 600 tấn) được Nhà máy Damen - Sông Cấm và Nhà máy đóng tàu Hạ Long đóng cho Hải quân Venezuela (1 chiếc) và Hải quân Bahamas (4 chiếc)… đều là các phương tiện huấn luyện, phòng thủ và hậu cần trợ chiến, không phải là phương tiện tấn công.
Sputnik: Vậy việc thi công các tàu quân sự hiện đại nói lên điều gì về tiềm lực quốc phòng của Việt Nam?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm:
Trên tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26/1/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo, với mục tiêu đến năm 2030 "Đóng mới các loại tàu chiến đấu, tàu tuần tra, tàu ngầm cỡ nhỏ, tàu bổ trợ quân sự hiện đại phù hợp với nhu cầu trang bị của Quân đội".
Theo thông tin từ Phòng Quản lý đóng tàu, Cục Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng Việt Nam thì Ngành đóng tàu quân sự đã đóng được những tàu hiện đại như: tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo tuần tiễu, tàu ngầm mini, tàu tuần tra kết hợp tìm kiếm cứu nạn xa bờ, tàu tuần tra cao tốc, tàu chở quân, tàu tàu cứu hộ tàu ngầm, tàu Cảnh sát biển đa năng, tàu vận tải đổ bộ…” Các thông tin nói trên cho thấy tiềm lực quốc phòng của Việt Nam đã được củng cố và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là Hải quân, quân chủng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại cùng với Không quân.
Tiềm lực quốc phòng về hải quân của Việt Nam có được là nhờ qua nhiều năm xây dựng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã liên tục nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu quân sự; đồng thời, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, nâng cao hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa trong đóng tàu quân sự. Ưu tiên lựa chọn công nghệ hiện đại trên nền tảng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm đột phá vào công nghệ lõi, công nghệ nền tạo ra các dòng sản phẩm tàu quân sự và kinh tế hiện đại, có chất lượng, độ tin cậy cao.
Quân đội Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.01.2024
Việt Nam ở đâu trong bảng xếp hạng những quân đội mạnh nhất thế giới
Song song với đó là việc tích cực đầu tư để nâng cao năng lực cho các cơ sở đóng tàu quân sự, nhất là các công nghệ đóng tàu hiện đại, chủ động trong thiết kế, thử nghiệm, đánh giá và hoàn thiện thiết kế); từng bước làm chủ thiết kế, đóng mới các gam tàu chiến đấu hiện đại có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao.
Để hỗ trợ cho việc phát triển tiềm năng công nghiệp quốc phòng thì hành lang pháp lý luôn được coi trọng. Hành lang pháp lý được hoàn thiện sẽ cho phép thực hiện đúng các quan điểm chỉ đạo chiến lược về tổ chức lực lượng ngành đóng tàu quân sự; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy định, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, các quy trình, tiêu chuẩn quản lý thiết kế, thi công trong đóng tàu quân sự.
Trong mọi yếu tố thuộc về tiềm năng phát triển thì yếu tố con người luôn chiếm vai trò quyết định. Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng luôn chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực đóng tàu quân sự. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật, chuyên ngành đặc thù gắn với đóng tàu quân sự. Có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ hợp lý để gìn giữ, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đóng tàu quân sự.
Và cuối cùng, không thể bỏ quan vấn đề hợp tác quốc tế. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chủ động tăng cường và mở rộng hợp tác với những nước có công nghệ đóng tàu quân sự phát triển, thông qua các hình thức hợp tác về đào tạo (đào tạo chuyên sâu về thiết kế, đào tạo nâng cao chuyên môn cho kỹ sư, tay nghề cho công nhân); hợp tác về chuyển giao công nghệ đóng mới một số gam tàu và nhận đặt hàng đóng mới các tàu xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm để tiến tới trực tiếp xuất khẩu một số chủng loại tàu chiến đấu, tàu tuần tra cao tốc, tàu hỗ trợ… ra thị trường thế giới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала