VinFast sắp IPO tại Mỹ, Vingroup tính toán những gì?

© AP Photo / Minh HoangNhà máy VinFast
Nhà máy VinFast  - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.12.2021
Đăng ký
VinFast tái cấu trúc ngay trước đợt IPO tại Mỹ. Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng quyết định chuyển nhượng vốn góp tại VinFast Việt Nam sang công ty con VinFast Trading and Investment (Singapore).
Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy thông tin thêm về chiến lược IPO VinFast tại Mỹ, phát triển và khẳng định vị thế thương hiệu xe ô tô quốc dân của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

VinFast tái cấu trúc trước khi IPO tại Mỹ

Thông tin về việc VinFast, đơn vị thành viên Vingroup tiến hành tái cấu trúc, chuyển nhượng vốn góp tại VinFast Việt Nam sang chi nhánh Singapore ngay trước thềm IPO ở Mỹ khiến giới đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Theo đó, Hội đồng Quản trị Vingoup (mã: VIC) của ông Phạm Nhật Vượng vừa phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Công ty Sản xuất và kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng, Việt Nam (VinFast Việt Nam) cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd, công ty con của Vingroup có trụ sở chính tại Singapore (VinFast Singapore).
VF e36 - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.11.2021
Vingroup muốn huy động vốn 1 tỷ USD dồn sức cho VinFast
Thực tế, việc tái cấu trúc chuyển nguồn vốn của Vingroup sang một công ty Singapore là bước đầu để chuẩn bị cho kế hoạch IPO tại Hoa Kỳ thời gian tới đây.
Được biết, ở thời điểm hiện tại, Vingroup đang nắm sở hữu trực tiếp 51,52% vốn tại VinFast, đồng thời là công ty mẹ của thương hiệu xe ô tô quốc dân Việt Nam.
Ngay sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, tập đoàn Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn Vingroup vẫn duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Tính đến cuối tháng 11, VinFast có vốn điều lệ xấp xỉ 50.500 tỷ đồng, là doanh nghiệp có vốn điều lệ cao nhất trong hệ sinh thái các công ty của ông Phạm Nhật Vượng.
Trong cơ cấu cổ đông của VinFast, ngoài Vingroup đang nắm giữ 51,52% vốn và là công ty mẹ sở hữu, còn 3 cổ đông khác (đều liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng) bao gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam nắm 48,38%; ông Phạm Nhật Vượng nắm 0,05% và ông Phạm Nhật Quân Anh sở hữu 0,05%.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là công ty đầu tư của ông Phạm Nhật Vượng, đồng thời là cổ đông lớn nhất đang nắm giữ 33% vốn tại Vingroup.
Theo các nguồn tin trong nước, việc tái cấu trúc này nằm trong quá trình chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, đồng thời là nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu của công ty.
VF e35 và e36 chính thức được ra mắt tại Sự kiện Triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.11.2021
Bộ đôi VinFast VF e35 và e36 chính thức 'trình làng' tại sự kiện ô tô đình đám ở New York, Mỹ
Tính đến nay, VinFast đã làm việc với các nhà tư vấn – những ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới để chuẩn bị cho kế hoạch IPO vào nửa sau năm 2022. Như Sputnik đã thông tin trước đó, nếu niêm yết thành công, VinFast sẽ trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên đưa cổ phiếu giao dịch tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới - Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE/Big Board).
Trước đó, xác nhận với Bloomberg hồi tháng 11, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Vingroup, cho biết công ty dự kiến sẽ có giá trị từ 25 tỷ USD đến 60 tỷ USD sau IPO.
Đồng thời, Vingroup cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư tiềm năng để huy động hàng tỷ đô la tài trợ cho việc mở rộng dự án xe điện của công ty tại Mỹ.
Sputnik thông tin trước đó, hãng xe điện đầu tiên “made in Vietnam” đã chính thức đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh Mỹ, đặt tại khu vực Playa Vista (thành phố Los Angeles, bang California). VinFast cũng công bố ra mắt 2 mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 hàng đầu của mình tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021 vừa qua, thu hút sự chú ý rất lớn từ dư luận.
Ngoài thị trường Mỹ, VinFast còn đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, Singapore.
Phía Vingroup cũng đang đàm phán với các nhà đầu tư bao gồm quỹ chủ quyền Qatar và BlackRock nhằm huy động vốn cổ phần tư nhân khoảng 1 tỷ USD cho công ty sản xuất xe điện của mình.

Vingroup đang tính toán những gì?

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Thị Thu Thủy đã có trao đổi với báo chí xung quanh việc tái cấu trúc sở hữu VinFast để chuẩn bị IPO ở Mỹ.
Theo “nữ tướng” Lê Thị Thu Thủy, việc niêm yết thành công tại sàn chứng khoán lớn nhất thế giới sẽ mang lại cho VinFast những lợi ích vô cùng quan trọng.
Thứ nhất, việc niêm yết thành công sẽ mở ra cơ hội cho VinFast tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để phục vụ cho chiến lược phát triển của mình.
Ý nghĩa thứ hai, theo Phó Chủ tịch Vingroup, IPO thành công sẽ nâng vị thế VinFast lên tầm cao mới và góp phần hiện thực hóa chiến lược đưa VinFast trở thành thương hiệu toàn cầu.
Theo vị lãnh đạo, riêng việc tuân thủ được các quy định khắt khe của Ủy ban Chứng khoán Mỹ và được họ cấp phép niêm yết đã chứng tỏ được đẳng cấp, uy tín của VinFast, qua đó củng cố lòng tin của khách hàng Mỹ đối với một thương hiệu còn non trẻ, lại đến từ Việt Nam.
Vinfast VF e34 - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.11.2021
VinFast sẽ đóng góp gì vào cam kết của Việt Nam về 'biến đổi khí hậu' và giảm phát thải ròng?
“Việc này sẽ giúp chúng tôi dễ dàng hơn khi tiếp thị và đưa các sản phẩm vào thị trường rộng lớn này”, bà Thủy tin tưởng.
Vị lãnh đạo cho biết, lựa chọn “đi đường vòng” (tái cấu trúc VinFast, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore để chuẩn bị cho quá trình IPO tại Mỹ thay vì thực hiện trực tiếp IPO VinFast Việt Nam), dù pháp luật cho phép là vì thực tế việc niêm yết các Công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và các cơ chế phối hợp liên quan.
“Để có thể niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện việc niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có sự liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này”, bà Lê Thị Thu Thủy thông tin.
Nêu chi tiết thêm về việc tái cấu trúc để niêm yết tại Mỹ, Phó Chủ tịch Vingroup cho biết, kể từ tháng 4 năm nay, Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông chính nắm giữ 97,11% cổ phần của đơn vị này) đã mua 100% cổ phần Công ty Fiscus Consultancy Pte.Ltd – một công ty được thành lập và hoạt động theo luật pháp Singapore. Bà Thủy nêu rõ trong cuộc trao đổi với Nhịp sống kinh tế rằng, việc này tuân thủ theo quy định đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam và đã được Bộ Kế hoạch đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 202100916 ngày 2/3/2021.
Đồng thời, Fiscus Consultancy Pte.Ltd sau đó đã được đổi tên thành VinFast Trading and Investment Pte.Ltd. (tức VinFast Singapore).
Về phía VinFast Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast, trụ sở tại Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, Hải Phòng ("VinFast Việt Nam") có hai cổ đông chính là Tập đoàn Vingroup sở hữu 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, sở hữu 48,38%.
Với việc Vingroup chuyển nhượng 51,52% và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chuyển nhượng 48,38% vốn cổ phần trong VinFast Việt Nam cho VinFast Singapore, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam sẽ gián tiếp sở hữu 99,9% VinFast Việt Nam. Vingroup sẽ duy trì tỷ lệ lợi ích 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.10.2021
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng sắp xây nhà máy sản xuất cell pin hơn 8.800 tỷ ở Hà Tĩnh

“Việc tái cấu trúc này hoàn toàn không thay đổi chủ sở hữu của công ty. Đơn giản, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật để phục vụ việc IPO VinFast trên sàn chứng khoán tại Mỹ”, nữ doanh nhân nhấn mạnh.

Đưa VinFast thành thương hiệu toàn cầu nhưng mãi là của Việt Nam

Đáng chú ý, bà Lê Thị Thu Thủy cũng phản hồi lại một số ý kiến lo ngại khi IPO thành công, “quốc tế hóa” VinFast dễ bị nhà đầu tư nước ngoài chi phối, đánh mất bản sắc của thương hiệu xe quốc dân Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch Lê Thị Thu Thủy, cần khẳng định Vingroup và VinFast mãi là thương hiệu của Việt Nam. Tập đoàn Vingroup xác định sứ mệnh của mình là xây dựng bằng được một thương hiệu Việt Nam có tầm vóc, đẳng cấp cao quốc tế chứ không phải đơn thuần là kinh doanh.
“Nếu chỉ tính từ góc độ kinh doanh thì chúng tôi đã không làm một dự án quá khó như vậy. Vì vậy sẽ không có chuyện bán hết VinFast”, nữ tướng của Vingroup cam kết.
Cũng theo nữ doanh nhân, khi IPO tại Mỹ, VinFast sẽ chỉ bán từ 5 - 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty.

Việc IPO tại Mỹ không có một mục tiêu nào khác ngoài việc tăng vốn, thu hút đầu tư công nghệ và kỹ thuật để phát triển VinFast theo đúng tầm nhìn và định hướng mà chúng tôi đã đặt ra”, Phó Chủ tịch Vingroup bày tỏ.

Thông tin thêm về kế hoạch phát triển VinFast ở thị trường nước ngoài, bà Thủy cho biết, sau những thành công bước đầu tại thị trường trong nước và nhận được sự tín nhiệm của khách hàng, Vingroup hiện đang dồn lực cho cho chiến lược đưa VinFast trở thành hãng xe điện thông minh toàn cầu.
Liên quan đến công tác quản lý tại mỗi thị trường như Mỹ, Canada, châu Âu, tập đoàn cũng đã xây dựng đội ngũ lãnh đạo thông hiểu về thị trường và đang mạnh mẽ xúc tiến các hoạt động tại đây.
Đối với quá trình vận hành, ngày 16/11/2021, trụ sở của VinFast Mỹ tại thành phố Los Angeles, bang California đã chính thức đi vào hoạt động với cam kết đầu tư hơn 200 triệu USD trong giai đoạn đầu và tạo ra ít nhất 1.065 việc làm toàn thời gian tại địa phương.
Trải qua quá trình làm việc sát sao với chính quyền bang California, VinFast đã nhận được khoản ưu đãi thuế 20,5 triệu đô la Mỹ. Có thể nói, đây chính là một tín hiệu tốt lành dành cho những nỗ lực của chúng tôi tại thị trường rộng lớn và khắt khe này.
Bên cạnh đó, VinFast còn đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Ngày 4/11/2021, VinFast cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tập đoàn điện lực hàng đầu của Pháp là Électricité de France S.A. (EDF) hướng đến việc lắp đặt và vận hành mạng lưới trạm sạc công cộng, cũng như nhiều dịch vụ liên quan ở Cộng hòa Pháp.
Về sản phẩm, ngày 18/11/2021, VinFast đã ra mắt thành công hai mẫu ô tô điện VF e35 và VF e36 tại triển lãm Los Angeles Auto Show 2021, nhận được sự quan tâm của hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu.
Theo dự kiến, cuối năm 2022, những chiếc ô tô điện đầu tiên sẽ được bàn giao cho khách hàng quốc tế. Vào tháng 1 tới tại triển lãm Điện tử tiêu dùng CES 2022, chúng tôi sẽ trình làng thêm 3 mẫu xe điện nữa.
“Với triết lý khách hàng là trung tâm, chúng tôi kỳ vọng rằng VinFast sẽ được chào đón nhờ các mẫu xe điện chất lượng, chính sách bán hàng linh hoạt và sáng tạo, tiêu chuẩn dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp với sự chu đáo và tinh tế của người Á Đông”, Phó Chủ tịch Vingroup nhấn mạnh.
Dây truyền sản xuất tại Công ty TNHH Alpha Green Tech Vina, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.10.2021
Các doanh nghiệp ở Việt Nam mong đợi nhân viên trở lại

“Hình mẫu quảng bá danh tiếng cho Việt Nam”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá cao chiến lược “mang chuông đi đánh xứ người” của VinFast.
Theo bà Lan, chiến lược của VinFast rất đúng đắn bởi Mỹ là nước tiên tiến nhất thế giới. Qua tham gia triển lãm LAAS, ngoài quảng bá thương hiệu cho bản thân công ty, cũng sẽ góp phần quảng bá danh tiếng cho Việt Nam. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn cạnh tranh rất mạnh mẽ trong tương lai.
“Tôi tin người dân rất hoan nghênh và ủng hộ. Trong nước, cũng cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, như đường sá, trạm sạc để người dân thấy được tính khả thi, tiện lợi và ủng hộ sử dụng xe điện”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.
Cùng với đó, theo nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xu thế xe điện cũng phù hợp với cam kết giảm phát thải khí CO2 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh vừa qua.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, VinFast là mô hình mẫu tạo động lực để doanh nghiệp vươn lên trong bối cảnh mới.
Theo chuyên gia, Việt Nam cần được nhớ đến không chỉ với nông nghiệp mà phải là một nền công nghiệp công nghệ cao. Do đó, phải làm ra những sản phẩm có tầm cỡ về chất lượng, thương hiệu, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thế giới và VinFast với ô tô điện chính là một bước để tạo cú hích ban đầu có tính lịch sử.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, ảnh hưởng mà VinFast tạo ra có thể vượt xa ý nghĩa của việc Việt Nam xuất khẩu một sản phẩm ra thế giới.

“Ngoài mang lại nguồn lợi cho GDP, điều quan trọng là chúng ta có thể khẳng định khả năng vươn lên, tham gia được vào lĩnh vực công nghệ là lĩnh vực quyết định cạnh tranh trong tương lai, khẳng định rằng Việt Nam có thể có những doanh nghiệp có thể có vai trò lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó sẽ là sự thay đổi căn bản cho nền kinh tế”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала