EVN độc quyền nhưng vẫn lỗ nặng, TV1 bị giám sát tài chính đặc biệt

© TTXVN - Trần Huy HùngHà Nội thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện
Hà Nội thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.07.2023
Đăng ký
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 được Deloitte kiểm toán. Tại báo cáo này, EVN tiếp tục lỗ hơn 20 ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Kiểm toán Nhà nước lưu ý, EVN quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Đặc biệt, công ty do EVN nắm hơn 54% vốn là TV1 bị mất an toàn tài chính và đã bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Vì sao EVN lỗ?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán, tổng số lỗ năm 2022 của công ty mẹ EVN là hơn 26,5 ngàn tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hợp nhất, EVN lỗ 20,7 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 EVN lãi hơn 14,7 ngàn tỷ đồng. Cũng theo báo cáo, năm 2022, nếu doanh thu hợp nhất của EVN là hơn 463 ngàn tỷ đồng thì doanh thu từ bán điện chiếm hơn 98%, với trên 456 ngàn tỷ đồng.
Các số liệu được kiểm toán bởi Deloitte đã chỉ ra lý do thua lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam dù vẫn đang độc quyền trong ngành điện.
Cụ thể, theo báo cáo, giá bán điện của EVN thấp hơn giá mua vào, thể hiện ở doanh thu bán điện và giá vốn điện. Theo đó, doanh thu bán điện năm 2022 của công ty mẹ EVN là 372,9 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn điện lại lên tới hơn 402,6 ngàn tỷ đồng.
Điều này có nghĩa, EVN bán thấp hơn giá vốn tới 29,7 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2021 giá vốn điện của EVN chỉ là 331,6 ngàn tỷ đồng, với khoản lãi đạt trên 14 ngàn tỷ đồng, Năm 2022 EVN đã phải mua điện với giá cao hơn mức giá bán ra. Lý do được tập đoàn lý giải chủ yếu là vì giá nguyên liệu đầu vào tăng – giá than tăng vọt.

ĐBQH và cử tri băn khoăn về nguyên nhân thua lỗ của EVN

Thời gian qua, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như cử tri bày tỏ thắc mắc về việc, EVN lỗ nặng, liên tục xin tăng giá điện nhưng công ty con của tập đoàn lại có hàng vạn tỷ đồng gửi ngân hàng.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) thẳng thắn cho rằng, người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao.
"Tôi không hiểu tại sao bao nhiêu năm qua EVN vẫn không cân đối được nguồn điện, để đến mức hễ cứ vào thời kỳ cao điểm là thiếu điện, rồi cắt điện, không phát điện, trong khi lại phải nhập khẩu điện và giá điện liên tục tăng", - ông Vân băn khoăn.
Theo vị ĐBQH, nếu thiếu đường truyền tải, tại sao lại không cho các DN khác (như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) đầu tư thêm 1 đường dây 500 kV thứ 2? Trong 10 năm qua, giá điện tăng đến 8 - 9 lần, cụ thể từ năm 2011 đến nay, giá điện đã tăng khoảng 30%, từ mức giá 1.304 đồng lên 1.920,3732 đồng.
Từ 1/3/2009 đến nay, giá điện bình quân của EVN đã nhiều lần điều chỉnh, từ mức 948,5 đồng/kWh lên 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng gần 100% - ngang bằng mức tăng lương cơ sở của cán bộ, công nhân viên.
EVN hiện nay đang trực tiếp quản lý khai thác một số nhà máy điện, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy thủy điện Sơn La, Nhà máy thủy điện Lai Châu và các nhà máy điện khác ở Tuyên Quang, Trị An, Ialy, Sê San…
Nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại địa điểm dịch vụ - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.07.2023
PV Power "trầm cảm" vì khoản nợ 13.000 tỷ của EVN
Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, về cơ bản, đến nay các nhà máy điện này đã hết khấu hao, không phải mất chi phí nguyên liệu đầu vào, chỉ việc khai thác và lãi nên nói lỗ là điều khó có thể chấp nhận, chưa kể đến nhiều nhà máy điện than chưa chạy hết công suất, hay điện tái tạo vẫn chưa được khai thác tối ưu.
Ông Lê Thanh Vân bày tỏ, EVN kêu lỗ nhưng 5 đơn vị thuộc EVN là Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) lại báo lãi. Hay thậm chí, có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc.
"Vì sao trong lúc các đơn vị thành viên có doanh số tăng, lãi tăng, trong đó có công ty gửi ngân hàng ít khoảng 4.000 tỷ đồng, công ty nhiều gửi đến 10.000 tỷ đồng, tức là số tiền gửi lên đến hàng chục ngàn tỷ và ngay cả các DN bán điện cho EVN cũng đều có lãi lớn, vậy tại sao EVN lại báo lỗ? Phải chăng đây là cách đẩy cái lỗ về cho tập đoàn mẹ và đẩy lãi về cho các đơn vị thành viên? Đây là câu hỏi lớn, rất cần có câu trả lời", - ĐBQH Lê Thanh Vân bày tỏ với báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam.
Ông Vân cũng đề nghị Chính phủ phải thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, với thành phần gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét nghiêm cẩn một số vấn đề.
Nhiều ĐBQH cũng nêu băn khoăn, vì sao tập đoàn mẹ là EVN thì báo lỗ, nhưng các đơn vị thành viên lại có lãi? Cơ chế độc quyền có dẫn đến nguy cơ lộng hành giá cả, thao túng thị trường điện không? Như ĐBQH Tạ Thị Yên (đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) nêu vấn đề, hiện cử tri cho rằng cùng một hệ sinh thái nhưng công ty mẹ (EVN) báo lỗ, còn các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Vậy nguyên nhân khoản lỗ của EVN là từ đâu, cần làm rõ vấn đề này.

Kiểm toán Nhà nước: EVN quản lý chưa tốt dòng tiền

Tại báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đánh giá EVN quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong kỳ kiểm toán Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chưa có quy định về hạn mức số dư tiền gửi nhằm linh hoạt chuyển tiền gửi không kỳ hạn thành tiền gửi có kỳ hạn.Việc cân đối dòng tiền năm và hàng tháng tại một số đơn vị chưa cân đối giữa nguồn tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn.
Nhân viên công ty EVN (Vietnam Electricity) - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.07.2023
Bộ Công thương muốn tách A0 khỏi EVN để lập công ty TNHH MTV
Trong đó, một số thời gian còn duy trì một lượng tiền gửi không kỳ hạn, ít giao dịch nhưng chưa cân đối để gửi có kỳ hạn (Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Tổng công ty Điện lực miền Nam). Hay một số hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn ngắn hơn thời gian ổn định của số dư tiền gửi trong năm (Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP, Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa thuộc Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP).
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra EVN ban hành Quyết định giao vốn điều lệ cho các tổng công ty khi chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước phê duyệt chủ trương.
Kiểm toán chỉ ra một số khoản đầu tư của tập đoàn Điện lực, tổng công ty vào công ty liên doanh, liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ hoặc có khả năng mất vốn. Cụ thể, Tổng công ty Điện lực TP.HCM có 1 công ty phải trích lập dự phòng 10,22 tỷ đồng; Tổng công ty Điện lực miền Bắc có 3 công ty phải trích lập dự phòng 46,61 tỷ đồng; Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP có 1 công ty phải trích lập dự phòng 10,17 tỷ đồng.
Về các khoản nợ khó đòi, Kiểm toán Nhà nước cho biết EVN phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi khoảng 367,86 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra loạt công trình hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán của EVN là Dự án nhà máy Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Dự án của Ban quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận; Dự án của ban quản lý dự án FMIS.
Một số đơn vị hoạt động cho vay chưa phù hợp quy định như Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (công ty đại chúng trực thuộc Tổng công ty Phát điện 1) cho Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 1 vay 799,9 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2015.

TV1 bị kiểm soát tài chính đặc biệt

Đặc biệt, theo báo cáo của KTNN, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 (TV1) do EVN nắm 14,5 triệu cổ phần, tương đương 54,34% vốn điều lệ, bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Nghị định 87/2015 của Chính phủ.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu EVN báo cáo, làm rõ các tồn tại, vướng mắc trong việc quản lý vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ EVN và các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn. Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị rà soát, quyết định và chỉ đạo EVN thực hiện nộp chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ trong trường hợp EVN không có nhu cầu bổ sung vốn điều lệ hoặc không lập phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định.
Chồng tài liệu trên bàn - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.06.2023
Lãnh đạo EVN lên tiếng về việc tạm đình chỉ giám đốc A0
Về xử lý kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện từ kết quả kiểm toán năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đề nghị các đơn vị kiểm tra tập trung vào việc để phát sinh các tồn tại về hạch toán vốn chủ sở hữu, bổ sung vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN.
Bên cạnh đó là việc phê duyệt, giao vốn điều lệ của Công ty mẹ EVN cho các công ty con do EVN sở hữu 100% vốn; việc hạch toán các khoản bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình lưới điện vào nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định tại EVNHCMC.
"Việc để phát sinh các tồn tại, hạn chế trong công tác mua sắm hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa tài sản cố định tại tất cả các đơn vị được kiểm toán; việc để mất an toàn tài chính tại Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1", - Kiểm toán Nhà nước lưu ý.

EVN nói gì?

Trước đó, tại báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5/2023, EVN cũng giải trình rõ lý do năm ngoái tập đoàn này thua lỗ.
Theo đó, năm 2022, EVN cho biết, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%.
Chi phí cho các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 tăng đột biến làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đồng/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đồng/kWh năm 2022. Các nhà máy điện hạch toán phụ thuộc EVN sản xuất với sản lượng chỉ chiếm 20% tổng sản lượng điện năng của hệ thống, với giá điện bình quân là 859,9 đồng/kWh.
Với vai trò là người mua duy nhất, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, tập đoàn cho biết đã phải mua 80% sản lượng điện năng còn lại từ các nhà máy điện độc lập theo các hợp đồng mua bán điện. Giá điện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, với với bình quân 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ) để cung cấp cho khách hàng.
Cạnh đó, ngoài nhiệm vụ của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh điện, tập đoàn còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao trong đầu tư lưới truyền tải và mạng lưới bán điện đến cả vùng núi, hải đảo và bán thấp hơn giá thành, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các địa bàn trọng điểm.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала