Quan hệ Kazakhstan và Việt Nam bước sang trang mới

© Ảnh : Hoàng Thống NhấtChủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì lễ đón Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.08.2023
Đăng ký
Ở Đông Nam Á chỉ Việt Nam có thể là cầu nối để Kazakhstan tiếp cận. Còn trong tình hình thế giới biến động đến chóng mặt hiện nay, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường mới cho các sản phẩm của mình, thì Kazakhstan chính là “cửa ngõ” cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực Trung Á. Quan hệ Kazakhstan và Việt Nam đang bước sang trang mới.
Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/8. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông trên cương vị mới và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một vị tổng thống của nước cộng hòa này sau 12 năm.

Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau 12 năm

Người đứng đầu Nhà nước Kazakhstan hôm 21/8 đã hội kiến Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, có cuộc hội đàm quan trọng với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Và tối 21/8, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã tham dự buổi chiêu đãi trọng thể chào mừng chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Như vậy ngay trong ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam ông Tokayev đã có chương trình làm việc dày đặc với lãnh đạo Việt Nam.
Tại cuộc hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã nhấn mạnh, nhân dân Kazakhstan hết sức coi trọng nhân dân Việt Nam và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.
“Theo Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev, một trong những mục đích của chuyến thăm là tạo thêm động lực cho sự hợp tác trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực kinh tế. Ông cũng tuyên bố sẵn sàng tích cực làm việc chung để tăng cường sự tương tác nhiều mặt giữa hai nước”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
© Ảnh : Doãn Tấn – TTXVNChủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.08.2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev

Với Kazakhstan, Việt Nam là một đối tác quan trọng tại Đông Nam Á, là cửa ngõ để vào Đông Nam Á, trong khi đó Kazakhstan được coi là trái tim của cả vùng Trung Á, là cửa ngõ quan trọng cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Á. Hiện nay, hai bên đang quan tâm hơn tới lợi ích của tăng cường hợp tác kinh tế. Chắc chắn mục đích chính của chuyến thăm Việt Nam lần này là đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư”, - Nhà báo Lê Hoàng Minh nói với Sputnik.

Trong khuôn khổ hội đàm với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, hai bên đã thảo luận về triển vọng phát triển hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, đầu tư, văn hóa và nhân đạo. Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cũng thăm một số cơ sở sản xuất và gặp mặt đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.08.2023
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan chính thức bắt đầu
“Mục đích chuyến thăm của Tổng thống Tokaev là tạo đột phá trong quan hệ giữa hai quốc gia trong tất cả các lĩnh vực, nhưng trọng tâm vẫn là lĩnh vực kinh tế, đầu tư và thương mại”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang đưa ra đánh giá với Sputnik.

Thực trạng hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư hiện nay và triển vọng

Nói đến hợp tác Việt Nam – Kazakhstan không thể không lưu ý một điểm quan trọng là cả Việt Nam và Kazakhstan đều là thành viên Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu có hiệu lực từ tháng 10/2016. Mặc dầu Hiệp định đã có hiệu lực gần 7 năm, nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước còn khá khiêm tốn.
Năm 2022 kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan đạt gần 600 triệu USD, trong đó Việt Nam là nước xuất siêu, với giá trị xuất khẩu gần 525 triệu USD. Việt Nam nhập khẩu từ Kazakhstan các sản phẩm: amiăng, thép tấm cán, hợp kim và thép không gỉ, thiết bị vận tải. Về các mặt hàng xuất khẩu, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Kazakhstan chè, thuốc, mỹ phẩm, sản phẩm từ giấy, bìa các tông và kính, giày dép, máy móc thiết bị chế biến thực phẩm, máy tính và phụ kiện...
“Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan đã có sự tăng trưởng khá tích cực, dù vẫn còn rất khiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng của hai nước có”, - Chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.
Kazakhstan có tiềm năng lớn để tăng xuất khẩu sang Việt Nam các loại hàng hóa thuộc các ngành thực phẩm, xây dựng, hóa chất, luyện kim, hóa dầu… Phía Kazakhstan quan tâm tới xuất khẩu giữa hai nước không chỉ nguyên liệu thô mà cả hàng biến sâu. Còn Việt Nam không chỉ xuất khẩu hàng hóa sang Kazakhstan mà một số doanh nghiệp Việt Nam đã trực tiếp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh tại thị trường tiềm năng này. Điển hình thành công của đầu tư Việt Nam tại Kazakhstan là Công ty Mareven Foods. Mareven Foods đã đầu tư gần 90 triệu USD vào sản xuất mì ăn liền và nước giải khát đóng chai tại đây. Từ khi đi vào hoạt động năm 2018, công ty này đã tạo công ăn việc làm cho gần 900 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà 55% còn được xuất khẩu sang các nước Trung Á.
© Ảnh : Thái Hùng - TTXVNTổng thống Cộng hòa Kazakhstan thăm một số doanh nghiệp tại Bắc Ninh
Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan thăm một số doanh nghiệp tại Bắc Ninh - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.08.2023
Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan thăm một số doanh nghiệp tại Bắc Ninh
“Kazakhstan là đất nước lớn thứ hai trong SNG (sau Nga) và là nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất SNG. Kinh tế Kazakhstan phát triển khá và bền vững. Kazakhstan lại là nước giàu tài nguyên thiên nhiên: khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, đất đai rộng lớn phì nhiêu thích hợp cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Một điểm tiềm năng nữa là cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Kazakhstan không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Về đầu tư, Kazakhstan có một số chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài như miễn thuế trong 5 năm, hỗ trợ một phần tài chính. Các nhà đầu tư Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này để đầu tư vào Kazakhstan, sản xuất ra sản phẩm rồi không chỉ cung cấp cho thị trường Kazakhstan mà còn khai thác thị trường Trung Á đầy tiềm năng với hơn 80 triệu dân”, - Chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế Lê Xuân Hòa bình luận với Sputnik.
Trong những năm gần đây, Kazakhstan nỗ lực xây dựng một trung tâm trung chuyển quan trọng (cảng cạn KTZE-Khorgos Gateway) đảm bảo cho việc vận chuyển hàng hóa dịch vụ theo đường bộ nhanh nhất từ châu Á qua châu Âu và ngược lại. Việt Nam có thể sử dụng chức năng trung chuyển của cảng khô này để xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác trong Liên minh Kinh tế Á - Âu, cũng như khu vực Tây Á và châu Âu.

“Cảng cạn KTZE-Khorgos Gateway được xây xong năm 2015, nằm ở biên giới Kazakhstan và Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý, lưu trữ và trung chuyển hàng hóa dọc theo tuyến đường sắt qua Trung Á. Đây là cảng cạn lớn nhất tại khu vực Trung Á, công nghệ hiện đại cho phép xử lý khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn. Đây là một lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực và cả các thị trường châu Âu, sử dụng vận chuyển đường sắt”, - Chuyên gia quan hệ kinh tế quốc tế Lê Xuân Hòa phát biểu với Sputnik.

Hiện nay, Việt Nam và Kazakhstan đang kết hợp tìm cách sử dụng thường xuyên tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Kazakhstan. Dự kiến, thời gian vận chuyển sẽ chỉ còn 6-10 ngày. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp tăng lưu thông hàng hoá giữa hai quốc gia. Tiềm năng tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại là có, vấn đề còn lại là làm sao khai phá tiềm năng đó và tạo cú hích trong tăng trưởng hợp tác kinh tế.
© Ảnh : Hoàng Thống Nhất - TTXVNTổng thống Kazakhstan thăm làng gốm Chu Đậu
Tổng thống Kazakhstan thăm làng gốm Chu Đậu - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.08.2023
Tổng thống Kazakhstan thăm làng gốm Chu Đậu

Mong muốn đưa quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả

Ngày 21/8, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Tokayev đã trao đổi toàn diện, sâu rộng về các phương hướng thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Kazakhstan, đồng thời thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiều sâu và hiệu quả, như kết nối dịch vụ hậu cần, vận tải, nông nghiệp, thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Kazakhstan, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng như giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, tài chính, ngân hàng, công nghệ cao, đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tế…
Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ ký Hiệp định giữa Việt Nam và Kazakhstan về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Hiệp định giữa hai nước về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông; Kế hoạch hành động chung nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa Chính phủ hai nước; Bản ghi nhớ giữa hai nước về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và Bản ghi nhớ giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Agency Khabar của Kazakhstan.

“Việc ký kết Hiệp định miễn thị thực song phương cho công dân mang hộ chiếu phổ thông và Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực du lịch là bước tiến thực chất nhất trong quan hệ song phương. Điều này sẽ không chỉ góp phần tăng cường hợp tác du lịch và giao lưu nhân dân giữa hai nước mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường của nhau. Còn về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, thì sau 7 năm từ khi Kazakhstan có mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, Bản ghi nhớ giữa Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Agency Khabar của Kazakhstan cuối cùng đã được ký. Hy vọng là hợp tác giữa hai nước sẽ có chuyển biến tích cực sau chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Kazakhstan”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.

Về các vấn đề quốc tế, Việt Nam và Kazakhstan chia sẻ quan điểm giải quyết các tranh chấp trong khu vực và trên thế giới bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên Hợp Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng là cầu nối để Kazakhstan tăng cường hợp tác với các nước ở khu vực Đông Nam Á, còn Tổng thống Tokayev thì nhấn mạnh Kazakhstan sẽ là cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước Trung Á.
“Kazakhstan hiện có tham vọng trở thành trung tâm giáo dục của Trung Á, phấn đấu trở thành đầu tàu hội nhập của các nước Trung Á, kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm kỹ thuật số lớn nhất ở Á-Âu và là quốc gia bảo đảm an ninh ở Trung Á. Tức là, Kazakhstan có nhiều tham vọng, trong đó có cả việc mở rộng ảnh hưởng của mình. Ở Đông Nam Á chỉ Việt Nam có thể là cầu nối để Kazakhstan tiếp cận. Còn trong tình hình thế giới biến động đến chóng mặt hiện nay, Việt Nam đang tìm kiếm các thị trường mới cho các sản phẩm của mình, thì Kazakhstan chính là “cửa ngõ” cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực Trung Á. Sự khẳng định của hai nhà lãnh đạo chứng tỏ hai bên nhận thức được tầm quan trọng của nhau. Vấn đề là nhân lực và việc thực hiện”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang bình luận với Sputnik.
Tổng thống Kazakhstan thăm làng gốm Chu Đậu - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.08.2023
Tổng thống Kazakhstan thử tài làm gốm

“Kể từ ngày hôm nay, một chương mới trong mối quan hệ giữa Kazakhstan và Việt Nam sẽ được mở ra. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng và cùng với đó là có rất nhiều công việc cần phải hoàn thành phía trước", - Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev nhấn mạnh tại buổi chiêu đãi trọng thể tối 21/8.

Hy vọng, quan hệ Kazakhstan và Việt Nam thực sự bước sang trang mới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала