Kiểm toán Nhà nước lưu ý 4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc

© Ảnh : Công luậnKiểm toán Nhà nước Việt Nam
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.10.2023
Đăng ký
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, chuyển giao bắt buộc gồm ngân hàng Đông Á (DongABank), ngân hàng Xây dựng (CB), ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).
Kiểm toán Nhà nước nhận định, phương án xử lý TCTD yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay), dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đánh giá, quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ.
Đích thân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng lưu ý, trong 10 năm qua, việc xử lý các ngân hàng 0 đồng vẫn chưa dứt điểm. Những việc này tiềm ẩn rủi ro lớn, hệ quả chưa thể đánh giá được được đầy đủ.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội

Báo Kiểm toán nhà nước, cơ quan ngôn luận của Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các đại biểu Quốc hội về tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước đã có các đánh giá việc thực hiện chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi năm 2022.
Theo kết quả công bố của Kiểm toán Nhà nước, đối với việc bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2023 cho thấy, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng, một số TCTD thiếu hụt vốn khả dụng, dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản.
Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.10.2023
OceanBank, GPBank, CBBank, SCB: Ngân hàng Nhà nước tránh rủi ro đổ vỡ
Đối với các TCTD yếu kém, Kiểm toán nhà nước lưu ý, phương án xử lý TCTD yếu kém (3 ngân hàng) còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay).
“Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng”, báo Kiểm toán dẫn báo cáo cho biết.
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhắc lại, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang ở trong cái giai đoạn hoàn tất. Tuy nhiên, đây là việc rất khó và cần thời gian.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cũng đã trình, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để tích cực xử lý.
“Việc xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa”, Thống đốc bày tỏ.
Lý giải nguyên nhân khiến quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, xây dựng phương án chuyển giao các tổ chức tín dụng kéo dài là do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc – với các yếu tố từ năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém - còn gặp nhiều khó khăn.
Đồng thời, các ngân hàng cũng cần có thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là các cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận cho tham gia quá trình chuyển giao bắt buộc.

Tiến độ xử lý 4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc

Tại thời điểm kiểm toán (tháng 8/2023), việc xử lý ba ngân hàng mua bắt buộc mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao, 01 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.
Thêm vào đó, tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, theo Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể, nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.10.2023
4 ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước có tuyên bố mới
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống đến 31/12/2022 là 25,6% không vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên tỷ lệ này đang có xu hướng tăng.
Cụ thể: khối NHTM cổ phần năm 2022 đạt 30,7% (năm 2021 là 26,3%); khối TCTD phi ngân hàng tăng từ 37% năm 2021 lên 42% năm 2022.

“Tại thời điểm 31/12/2022, ngoài những ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn (Oceanbank, GPBank, CBbank, DongAbank, SCB), còn một số NHTM có tỷ lệ này khá cao, sắt ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với TCTD”, theo Kiểm toán Nhà nước.

Theo công bố trước đó của Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank). Các ngân hàng này cũng đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt.
Hồi tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.
Nêu tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt gồm Oceanbank, CB, DongABank, GPBank.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.
Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi các tổ chức tư vấn định giá phát hành chứng thư thẩm định giá, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả tư vấn định giá doanh nghiệp của 3 ngân hàng mua bắt buộc.
Kiểm toán Nhà nước đang làm việc với NHNN, 3 ngân hàng mua bắt buộc, đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán trước khi gửi NHNN báo cáo kết quả kiểm toán theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.10.2023
Động thái mới của NHNN liên quan đến bảo hiểm liên kết đầu tư
Đối với ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Đồng thời, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt SCB, NHNN đang tìm kiếm nhà đầu tư tham gia cơ cấu lại SCB để trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại SCB theo quy định.
Phát biểu hôm qua 24/10 tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng chia sẻ, có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ nhưng khả năng tháo gỡ còn hạn chế, trong đó có việc xử lý các TCTD yếu kém chưa dứt điểm.

“Thị trường bất động sản trong gần 2 năm qua, chúng ta đã tháo gỡ được dự án nào lớn chưa? Điển hình như Đà Nẵng vô cùng khó khăn. Hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém thì 10 năm qua, với các ngân hàng 0 đồng, chúng ta vẫn chưa giải quyết được, tiềm ẩn rủi ro rất lớn”, Chủ tịch nước cho biết.

Giảm lãi suất cho vay

Liên quan vấn đề lãi suất cho vay, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đặt mục tiêu phấn đấu giảm khoảng 0,5%-1%.
Kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các TCTD. Tuy nhiên, các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng; biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.
Báo cáo điểm lại, chỉ trong thời gian ngắn, NHNN đã có 02 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2%, dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có tháng lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.10.2023
Dân phản đối Manulife vì bị từ chối trả tiền bảo hiểm mua qua SCB
Theo Kiểm toán Nhà nước, việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các Ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022, là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng thay vì tiết giảm chi phí, hạ biên độ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp thì năm 2022 lại tăng biên độ lãi suất so với đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng, trong khi đó, nguồn thu từ hoạt động tín dụng chiếm tỷ trọng chủ yếu và tiếp tục tăng, chi phí hoạt động cũng tiếp tục tăng, tỷ lệ chi phí hoạt động so với dư nợ cho vay năm 2022 tăng so với 2021.

Cơ cấu tín dụng chưa vào lĩnh vực ưu tiên

Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ cấu tín dụng năm 2022 chưa đúng định hướng vào lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiểm ẩn rủi ro, cho thấy vai trò định hướng thị trường của NHNN chưa thực sự hiệu quả.
Theo kết quả kiểm toán, cơ cấu tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên so với năm 2021, ngoài dư nợ tín dụng xuất khẩu giảm cả về giá trị dư nợ (giảm 5,5%) và tỷ trọng so với nền kinh tế (giảm 17,41%) do ảnh hưởng của dịch Covid; các lĩnh vực ưu tiên còn lại mặc dù dư nợ có tăng trưởng so với năm 2021 nhưng tỷ lệ tăng trưởng đều thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành (14,18%); tỷ trọng dư nợ của các ngành này so với dư nợ toàn nền kinh tế năm 2022 đều giảm so với năm 2021.
Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dư nợ cấp tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 đạt 2.581 ngàn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 (cao gấp 1,7 lần so với tăng trưởng chung toàn ngành).
Từ thực trạng trên, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, ngoài các nguyên nhân khách quan còn có một phần từ nguyên nhân chủ quan của NHNN và các NHTM. Đó là phản ứng của NHNN còn chậm dẫn đến điều chỉnh tăng lãi suất còn đột ngột; chức năng thanh tra giám sát của cơ quan thanh tra giám sát còn có điểm yếu kém, chưa phân tích, làm rõ một số vấn đề trọng yếu, tiềm ẩn rủi ro của đối tượng giám sát vi mô.
Trong khi đó, các NHTM vì mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận, chưa thực sự tiết giảm chi phí cũng như chủ động hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Thông qua kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 03 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.10.2023
Ngân hàng Nhà nước kích hoạt biện pháp bảo vệ khi VND mất giá quá 3%
Đối với các NHTM tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Tập trung thực hiện phương án xử lý các ngân hàng yếu kém; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ.
Như Sputnik đề cập, tại kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội dự kiến thông qua dự án Luật Các TCTD (sửa đổi) với việc bổ sung thêm nhiều quy định giúp hệ thống ngân hàng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương, 208 điều (tăng 3 chương, 13 điều).
Phát biểu tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, đây là dự án Luật khó, nhiều nội dung chuyên sâu. tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và nhiều đối tượng. Do đó cần bám sát quan điểm, các yêu cầu, các chính sách lớn đã đặt ra khi xây dựng dự án Luật, việc xử lý vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các TCTD cũng như vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt các TCTD, quy định về nợ xấu và xử lý nợ xấu...
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала