Dân mất hàng trăm tỷ đồng ở Sen Tài Thu có lấy lại được không?

© TTXVN - Nguyễn Văn ThắngĐối tượng Phạm Thị Hòa (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Sen Tài Thu) tại cơ quan Công an
Đối tượng Phạm Thị Hòa (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn Sen Tài Thu) tại cơ quan Công an - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.01.2024
Đăng ký
Cũng giống như vụ lừa đảo Sâm Ngọc Linh của tập đoàn Mỹ Hạnh, thủ đoạn của Sen Tài Thu và mẹ con bà Phạm Thị Hoà không mới nhưng rất nhiều người vẫn bị mắc bẫy.
Câu hỏi đặt ra là, liệu tiền đã mất có lấy lại được không và nhà đầu tư phải làm gì để đòi quyền lợi sau khi cựu Chủ tịch HĐQT Sen Tài Thu bị bắt?

Sen Tài Thu lừa đảo như thế nào?

Như Sputnik đưa tin, ngày 29/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố (TP) Hà Nội (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hòa - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Thị Thùy Linh – nguyên Phó Tổng Giám đốc (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Tổng Giám đốc) Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, ngày 23/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu để tiến hành điều tra.
Thông tin từ Bộ Công an cho hay, theo kết quả điều tra bước đầu xác định từ đầu năm 2020, Phạm Thị Hòa và Nguyễn Thị Thùy Linh do đầu tư vào việc mở rộng các cơ sở của hệ thống Sen Tài Thu đã vay nợ hơn 300 tỷ (trong đó tiền gốc khoảng 100 tỷ đồng, số còn lại là tiền lãi 200 tỷ).
Năm 2022, Nguyễn Thị Thùy Linh bàn bạc với Nguyễn Thị Lan Hương (khi đó là Tổng Giám đốc) nâng khống vốn điều lệ của công ty từ 31 tỷ lên 160 tỷ đồng để phát hành cổ phần.
Những đối tượng này cũng đưa ra các thông tin gian dối về tình hình hoạt động của công ty, lợi nhuận của công ty, mức lãi suất hấp dẫn để các nhà đầu tư chuyển tiền ký kết hợp đồng; chuyển nhượng cổ phần và hợp đồng cam kết mua lại cổ phần; đồng thời sử dụng cổ phần cá nhân của Phạm Thị Hòa để huy động vốn, ký hợp đồng bán cổ phần cho các nhà đầu tư.
Để thu hút nhiều người đầu tư, Nguyễn Thị Lan Hương đã xây dựng đội ngũ sales (nhân viên tư vấn, bán hàng, kêu gọi đầu tư) và chính sách trả thưởng hoa hồng % trên giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phẩn được ký.
Đội ngũ sales này hầu hết là các nhân viên ngân hàng, công ty chứng khoán, tài chính…có sẵn lượng khách hàng có nguồn tiền dư giả, gửi tiết kiệm.
Với danh tiếng thương hiệu Sen Tài Thu và kế hoạch kinh doanh hứa hẹn phát triển, đội ngũ sales đã thu hút được một số lượng lớn người tham gia đầu tư.
Kết quả điều tra sơ bộ của cơ quan Công an cho thấy, từ tháng 10/2020 - 3/2023, có hơn 400 nhà đầu tư đã ký kết mua bán cổ phần với Phạm Thị Hòa thông qua khoảng hơn 1.000 hợp đồng, chuyển số tiền khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (giá trị trên hợp đồng) đến Công ty CP Tập đoàn Sen Tài Thu.
Sau khi nhận tiền, công ty cắt từ 7 -30% cho các sales, số còn lại Linh, Hương đã chiếm đoạt để chi trả các khoản nợ cho Phạm Thị Hòa, Nguyễn Thị Thùy Linh, các mối cho vay do Nguyễn Thị Lan Hương mang về.
Đến thời điểm hiện tại, công ty không còn khả năng thanh toán. Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục điều tra mở rộng vụ án và các đối tượng có liên quan.
Ngày 28/01/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Phạm Thị Hòa; Nguyễn Thị Thùy Linh và Nguyễn Thị Lan Hương.
Phạm Mỹ Hạnh chỉ đạo cộng sự vẽ ra miếng bánh dự án sâm Ngọc Linh để lừa đảo dưới hình thức huy động vốn, số tiền lên tới hơn 1.264 tỷ đồng - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.11.2023
Phạm Mỹ Hạnh vẽ ‘dự án ma’ Sâm Ngọc Linh lừa đảo đa cấp: Vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Có thể sẽ tiếp tục khởi tố thêm bị can

Phân tích về vụ án này, luật sư, TS. Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) nhìn nhận việc cơ quan điều tra khởi tố các bị can trong vụ án này là thông tin đã được dự đoán từ trước bởi Sen Tài Thu vốn đã mất khả năng thanh toán từ lâu, trước đó có rất nhiều đơn thư tố cáo doanh nghiệp của bà Phạm Thị Hoà.
Ông Cường cho hay, pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp huy động vốn. Tuy nhiên việc huy động vốn phải công khai, minh bạch, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn. Đặc biệt không được phép đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn.
Trường hợp đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp, sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại khoản tiền góp vốn thì đây đã là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Cường cũng dự đoán, có thể tới đây cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối với một số người có liên quan trong vụ án trên do có hành vi giúp sức thực hiện hành vi lừa đảo. Đồng thời, cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, tính chất của hành vi "có tổ chức" đối với các bị can.

"Thậm chí, tất cả các cán bộ quản lý của doanh nghiệp này mà biết rõ những thông tin không có thật nhưng vẫn thống nhất, cùng nhau đưa ra để các nhà đầu tư tin tưởng nộp tiền vào thì đều có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm", - chuyên gia pháp lý cho hay.

Riêng đối với những cán bộ nhân viên dưới quyền, không biết là thông tin gian dối đã vô tình giúp sức, không được hưởng lợi thì không bị xử lý hình sự.
Luật sư Cường nhấn mạnh, trong vụ việc này, số tiền các bị can chiếm đoạt đặc biệt lớn. Vì vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này đang tồn tại ở dạng vật chất nào, được chuyển hóa thành các tài sản nào để xác định có hành vi rửa tiền hay không, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không.
Còng tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.01.2024
Bắt khẩn cấp mẹ con Chủ tịch Sen Tài Thu

Tiền có lấy lại được không?

Đặc biệt, Công an cũng sẽ tiến hành niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản của doanh nghiệp này, những tài sản có liên quan đến tội phạm để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.
Trước băn khoăn liệu số tiền thiệt hại của nhà đầu tư liệu có lấy lại được không, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, khi giải quyết vụ án hình sự xâm phạm quyền sở hữu tài sản, các cơ quan tố tụng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư (bị hại) đang ở đâu để tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế để thu hồi tài sản cho nạn nhân.

"Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, kê biên đối với các bất động sản, ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án", - ông Cường nói.

Những nhà đầu tư đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy mình đã bị lừa đảo thì có thể liên hệ với cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại.
"Họ được quyền đưa ra các tài liệu đồ vật chứng cứ yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết", - Tuổi Trẻ dẫn lời luật sư cho biết.
Trong trường hợp kết thúc hoạt động tố tụng mà những người bị hại vẫn chưa nhận được tiền thì trong phiên xét xử vụ án hình sự sau này, bị hại có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt.
Như vậy, sau này bản án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì người bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.
Còng tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.11.2023
Chủ tịch tập đoàn trồng sâm Ngọc Linh "lùa gà" bằng thủ đoạn "mỡ nó rán nó"

Tìm bị hại

Luật sư nhắc lại, đây không phải là vụ án đầu tiên về hành vi huy động vốn để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Trước đây đã có nhiều vụ án liên quan đến bất động sản, lừa trồng sâm Ngọc Linh, các hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp...
Chuyên gia cho rằng, thực tế này bộc lộ vấn đề công tác quản lý nhà nước về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp thời gian qua chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng uy tín, vị thế trên thị trường, dùng chiêu thức đánh bóng tên tuổi, quảng cáo gian dối để huy động vốn trái phép. Do đó cần có giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế những vụ án lừa đảo với hàng ngàn nạn nhân như thế này.
Thời gian vừa qua, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án, bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phương thức huy động vốn, trả lãi cao.
Đề nghị người dân cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ về các doanh nghiệp, dự án trước khi đầu tư tránh để các đối tượng phạm tội lợi dụng chiếm đoạt tài sản.
Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội thông báo ai là bị hại của vụ án gửi đơn đến Phòng Cảnh sát kinh tế (số 54 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để trình báo và cung cấp tài liệu hoặc liên hệ với đồng chí: Đinh Anh Văn – Cán bộ điều tra Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội (số điện thoại: 0367.268.888); đồng chí Đặng Thị Hồng Hạnh – Điều tra viên Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội (số điện thoại: 0912.281.612).
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала